Giới trẻ

'Con cố học giỏi toán để thành bác sĩ'

Rụt rè, nhỏ thó, tự nhận bản thân không thích chơi thể thao mà chỉ thích đọc sách và khát khao trở thành bác sĩ… là chân dung của Phạm Hoàng Tú (15 tuổi, vừa tốt nghiệp trường THCS Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh, TP.HCM).

Phạm Hoàng Tú trong góc học tập ở nhà - Ảnh: CÔNG NHẬT

Được một cán bộ ở huyện đoàn Bình Chánh hỗ trợ, chúng tôi mới tìm đến được nhà của Hoàng Tú.

Căn nhà nằm trong con hẻm 245A (tổ 10, ấp 1, xã An Phú Tây), và là nơi 9 người chen chúc sống qua ngày.

Cuối năm lớp 9, Hoàng Tú đạt được 9,1 và xếp hạng nhì trong lớp, nhưng Tú từng khiến cha mình - ông Phạm Thanh Dũng - bật khóc khi nói: "Học hết lớp 12 thì con sẽ nghỉ học!".

Mẹ làm công nhân với mức thu nhập khoảng hơn 4 triệu đồng/ tháng, cha từ lúc bị khuyết tật chân thì thu nhập từ nghề xe ôm "tuột dốc không phanh".

"Hồi xưa tôi chạy xe ôm cũng xoay sở phần nào cho sấp nhỏ ăn học, chỉ đến mấy năm trước một bên chân tôi bị lao xương mà người ta chẩn đoán sai nên mổ sai và để lại di chứng thế này. Từ lúc chân bị khuyết tật nặng như vậy thì tôi dừng chạy xe ôm một thời gian, kinh tế gia đình xuống hẳn.

Giờ người nhà trên thành phố cho gia đình tôi chiếc chaly nhỏ để chạy việc khi cần, tôi tranh thủ chạy xe ôm để kiếm được đồng nào hay đồng ấy. Nhưng khổ lắm chú ơi, người ta thấy xe nhỏ mà chân tôi như vậy nữa, ai mà đi?

Ngày nào hên tôi được 20.000 - 30.000 đồng, còn nhiều ngày ngồi từ sáng đến chiều mà chẳng có lấy một đồng. Không kiếm được tiền nhưng chẳng lẽ để một mình vợ tui xoay sở?", ông Thanh Dũng mếu máo kể, sau một ngày làm "xe ôm" trắng tay trở về giữa mưa gió.

Căn nhà tối tăm, nhưng chiếc bàn Hoàng Tú được đặt trang trọng kế cửa sổ, nơi hiếm hoi đón luồng ánh sáng tự nhiên từ bên ngoài vào, cũng như hương bình bát thơm ngát từ sân nhà hàng xóm.

Góc học tập đó giúp Hoàng Tú không bị gián đoạn việc tự học khi nhà bị cúp điện - điều vẫn thường diễn ra.

Mẹ đi làm từ 6h30 đến tối mịt. Cha chạy xe ôm. Ở nhà, Hoàng Tú và em gái tự bảo ban nhau học hành.

"Em thích đọc sách lắm, lúc rỗi là em đọc sách và phụ gia đình làm mấy việc lặt vặt như quét nhà rửa chén. Em không thích thể thao hay làm gì khác, chỉ muốn về nhà khi học xong. Mỗi ngày em được nhà cho 10.000 đồng để ăn vặt và gửi xe khi đi học", Hoàng Tú kể.

Học giỏi văn nhưng thích làm bác sĩ

Hoàng Tú cho biết bản thân thích môn văn nhất trong các môn học ở trường, môn toán em chỉ học "tàm tạm", nhưng ánh mắt em sáng rực lên khi nói về mơ ước trở thành bác sĩ.

"Cha của em lại nhập viện tuần trước, mới về lại nhà đó chứ. Thấy cha bị khuyết tật và đau đớn như vậy, em muốn làm bác sĩ để chữa trị cho cha. Còn môn toán thì em sẽ ráng học thôi chứ biết sao giờ. Năm ngoái thầy cô thương cho em đi học thêm miễn phí, năm học tới thì em chưa biết sao", Hoàng Tú ngập ngừng nói.

Phạm Hoàng Tú tranh thủ làm việc nhà lúc rỗi - Ảnh: CÔNG NHẬT

Còn việc Hoàng Tú nói với cha về việc ngừng học sau khi tốt nghiệp lớp 12 là vì em sợ gia đình không kham nổi học phí. Hiện học phí của em và em gái khiến cho gánh nặng oằn trên lưng người mẹ dù đã được gia giảm một phần do thuộc diện hộ cận nghèo.

"Em nó ý thức được cha mẹ khổ mà ráng học và học giỏi, là cha mẹ thì chúng tôi dĩ nhiên vui, chỉ có điều không biết niềm vui kéo dài được bao lâu. Do giờ thu nhập chính chỉ đến từ vợ tôi với đồng lương công nhân, còn lại toàn là mượn tiền đầu nọ đắp đầu kia.

Một số người thấy thương, tội thì cho một, hai trăm ngàn gì đó. Làm sao một người mà nuôi nổi ba người", ông Dũng vừa nói vừa xoa đôi chân của mình, giọng đầy nuối tiếc.

Năm học tới, Hoàng Tú lên lớp 10 và sẽ đi học xa nhà. Quãng đường đến con chữ không chỉ dần xa về khoảng cách, mà còn nhiều điều… nhất là khi ông Dũng cho biết khoản học phí năm rồi của hai đứa con đến tận bây giờ vẫn chưa được đóng đủ.

Tác giả: CÔNG NHẬT

Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ Online

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP