Sau 8 năm “chết yểu” Nhà máy giấy Tân Hồng đóng tại xã Chi Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An) đã tìm được ông chủ mới, đổi thành Nhà máy giấy Trà Lân. Điều này báo hiệu đến chính quyền tỉnh Nghệ An hy vọng mới về sự "hồi sinh" của dự án nghìn tỷ sau nhiều năm bỏ hoang. Cũng như sự kỳ vọng của người dân về việc nhà máy sẽ tiêu thụ vùng nguyên liệu lâm nghiệp tại địa phương. Thế nhưng mới đi vào hoạt động không lâu Nhà mấy sản xuất giấy Trà Lân lại "vô tình" để bất cập trong khâu xử lý, xả thải, gây ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc.
|
Nước thải chảy tràn từ bể chứa của nhà máy giấy Trà Lân ra ngoài khu dân cư và thoát dẫn ra dòng sông Lam. Ảnh người dân cung cấp |
Chưa hết mừng đã phải lo
Sau 8 năm không hoạt động, Nhà máy giấy đã tìm được mối lương duyên với ông chủ mới mang tên Công ty CP Huy Tuấn. Được biết, doanh nghiệp này chính thức trúng đấu giá tài sản gắn liền trên đất của Công ty CP XNK Tân Hồng sau khi Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam xử lý tài sản thế chấp thu hồi nợ với số tiền hơn 40 tỷ đồng. Công ty CP Huy Tuấn, có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại địa chỉ Số 68A, Tổ 3, khu 7, phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Để tạo đà phát triển, Công ty CP Huy Tuấn dự kiến đầu tư thêm 116 tỷ đồng để cải tạo cơ sở hạ tầng, kỹ thuật; mua sắm máy móc thiết bị; đầu tư hệ thống xử lý nước thải và vốn lưu động phục vụ sản xuất. Đồng thời đề xuất đổi tên thành “Dự án Nhà máy sản xuất, tái chế, chế biến giấy Trà Lân” (gọi tắt là Nhà máy giấy Trà Lân).
Sau khi ông chủ lớn tiếp quản có lẽ có phần vội vã trong sản xuất để thu về số tiền đã bỏ ra mua lại nhà máy mà “khinh suất” hay “cố tình” bỏ qua khâu xử lý nước thải trước khi cho chảy ra môi trường ngay tại đầu nguồn sông Lam.
Nước thải từ nhà máy giấy Trà Lân tràn ra ngoài của Công ty Cổ phần Huy Tuấn đóng tại xã Chi Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An). Video người dân cung cấp
Ông L.V.T người dân Bản Chai, xã Chi Khê cho biết: gần đây nhất, thời điểm mưa lớn từ bão số 8,9 đổ bộ vào các tỉnh miền Trung, không hiểu vì sao nước tại các bể chứa nước thải của Nhà máy chảy tràn ra ngoài, kéo dài cả một tuần trời. Mặc dù đã báo cáo xã, cơ quan cấp trên nhưng nước vẫn được chạy ra ngoài phải tới hơn một tuần mới thấy có đoàn về kiểm tra và công ty cho xử lý.
Còn theo ông Lô Văn Thuyền, Trưởng bản Chai: sau khi nghe người dân phản ánh, trưởng thôn bản có xuống và báo cáo lên xã, nhưng sau đó các bước tiến hành làm như thế nào thì thôn không được biết. Và từ khi nhà máy có ông chủ mới cũng như đi vào hoạt động canh gác nghiêm ngặt nên chúng tôi chưa được tiếp cận trực tiếp bên trong. Khu vực sát hồ xử lý của nhà máy vẫn còn nhiều hộ dân sinh sống, họ luôn nơm nớp lo sợ thứ mùi hôi thối nước thải, chỉ trực trào để tràn vào nhà.
Nhưng khi trao đổi với PV, ông Lộc Văn Hợi - Chủ tịch xã Chi Khê lại khẳng định: chưa có ghi nhận tình trạng xả thải hay sự cố tràn nước thải ra bên ngoài. Từ khi nhà máy chuyển giao cho đơn vị mới thì có Sở và các ngành xuống trực tiếp làm việc.
Công ty Huy Tuấn có xem thường pháp luật?
Được biết, sau khi được chính quyền tỉnh Nghệ an chấp thuận cho Nhà máy giấy Trà Lân hoạt động trở lại lãnh đạo Công ty CP Huy Tuấn đã dự kiến sẽ ứng dụng quy trình tiên tiến hàng đầu Châu Âu thay thế cho công nghệ “Made in China” vốn quá cũ kỹ, lỗi thời.
Bể chứa, xử lý nước thải của nhà máy giấy Trà Lân nằm sát nhà dân, mùi hôi thối bốc lên, rất dễ để tràn ra ngoài |
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân địa phương, Nhà máy đã đi vào hoạt động mấy tháng nay, lao động của địa phương rất ít, chủ yếu các chuyên gia Trung Quốc ở trong nhà máy. Lao động Trung Quốc sinh hoạt và sinh hoạt khép kín tại nhà máy nên người dân rất khó biết, có thời điểm có đến khoảng 30 người.
Trao đổi thêm với Chủ tịch xã Chi Khê ông này cho biết: Nhà mấy mới hoạt động được mấy tháng nay, chủ yếu tái chế giấy lề cũ chứ chưa sử dụng vùng nguyên liệu của địa phương. Còn số chuyên gia Trung Quốc đưa về đây sau khi nhập cảnh tại Quảng Ninh đã được cách ly và đủ điều kiện sức khỏe đảm bảo không dấu hiệu bị dịch bệnh COVID-19. Từ đầu năm đến nay công ty có đăng ký cho khoảng 16-17 chuyên gia và lao động là người Trung Quốc, còn hiện tại con số bao nhiêu ông cũng chưa cập nhập cụ thể.
Như vậy, tại Nhà máy sản xuất giấy Trà Lân chưa thấy công nghệ Châu Âu hiện đại nhưng người dân đang phải chịu cảnh hệ lụy về ô nhiễm môi trường.
Hơn nữa, tại Chi Khê, dư luận thực sự quan ngại khi cơ quan có thẩm quyền tỉnh Nghệ An chấp thuận phê duyệt xây dựng nhà máy tại bản Chai, xã Chi Khê, huyện Con Cuông, địa điểm nằm nhạy cảm ở khu vực đầu nguồn, nơi kề sát dòng chảy sông Lam. Liệu hệ lụy về môi trường mà người dân xã Chi Khê nói riêng và người dân tỉnh Nghệ An nói chung khi đang sử dụng nguồn nước sinh hoạt lấy từ sông Lam có bị ảnh hưởng trong tương lai?
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!
Tác giả:
Nguồn tin: Diễn đàn Doanh nghiệp