Cuộc sống

Con dâu tự tử giả, “yêu sách” đòi mẹ chồng chia tài sản

Thói thường, câu chuyện của muôn thuở người ta hay gọi là con dâu và bà mẹ chồng. Nhưng ở nhà kia, có lẽ phải sửa lại thành “bà dâu – con mẹ chồng” cho hợp tình hợp lý.

Thói thường, câu chuyện của muôn thuở người ta hay gọi là con dâu và bà mẹ chồng. Nhưng ở nhà kia, có lẽ phải sửa lại thành “bà dâu – con mẹ chồng” cho hợp tình hợp lý.

T.T.P về làm dâu nhà bà V.T.Đ đã được gần 9 năm. Trước khi cưới, con trai bà Đ. là T. đã sống chung với P. được một thời gian ở nhà trọ. Ngày P. và T. thành hôn, P. đã khóc suốt cả đám cưới, cứ như thể nhà chồng là một gia đình khắc nghiệt và cô đang bước vào chốn hôn nhân ngục tù vậy.

Thực tế thì ngược lại, bà Đ. rất hiền và khờ. Bà còn một đứa con gái út đang đi học, nên bà bỏ quê ra thành phố làm việc kiếm tiền nuôi con, dăm bữa nữa tháng mới về một lần. Ở thành phố đó, thỉnh thoảng cuối tuần T. và P. hay qua thăm bà Đ., mua hộp sữa trái cam cho người mẹ chồng đã hơn 60 tuổi. Sau khi P. đẻ đứa con thứ hai, P. về nhà bà Đ. sinh sống luôn từ đó. Hằng ngày P. ở nhà chăm con, làm việc nhà và lướt web, xem phim. T. làm lái xe thuê cực khổ mang tiền về nuôi vợ. Hai năm sau, chồng bà Đ. mất. Bà Đ. ít sống cùng con cháu nên chuyện mẹ chồng - nàng dâu đều êm đẹp như thế một thời gian dài. Cho đến một ngày, khi đã mãn tang cha chồng xong, mâu thuẫn bắt đầu xuất hiện. P. và T. muốn chia tài sản.

Chuyện là, trước đây khi mới cưới nhau, vợ chồng bà Đ. có gom góp tiền mua một mảnh đất rộng gần cả ngàn mét vuông, cũng là khu vườn mà gia đình bà đang sinh sống. Vì nợ nần nên chồng bà Đ. đã bán hai miếng đất nhỏ. Giờ đây, thị trấn phát triển, đất mặt tiền đường lớn, bán rất được giá. Bà Đ. chỉ xây một căn nhà cấp 4 tạm bợ che mưa che nắng. Vợ chồng T. con trai bà thì không muốn sống trong căn nhà tồi tàn đó. Thế nên, T. đòi bà Đ. phải cho một miếng đất khác chiều ngang 5,7m để xây nhà lầu.

Sau khi xem xét tình hình, bà Đ. nhận ra mình còn đến 3 đứa con khác, và cần chỗ ở để dưỡng già, nên bà chỉ chấp nhận cho vợ chồng T. miếng đất chiều ngang 5m. Không chấp nhận điều đó, P. đã hằn học chồng, đòi cho bằng được miếng đất như mình mong muốn, và bắt đầu xây nhà. Vì không muốn gia đình lục đục, nên bà Đ. đành nhún nhường chịu thua trước con trai con dâu.

Sáng nọ, đứa con thứ hai của P. chỉ mới 3 tuổi tinh nghịch trèo lên chum nước để chơi đùa. Cái chum cao ngang ngực người lớn, và nước thì đầy. Bà Đ. sợ cháu ngã vào chum sẽ đuối nước hoặc xây xát chảy máu, rất nguy hiểm, nên đã mắng đứa cháu vài câu. T. nghe được chuyện, bèn gọi con mình vào và dùng roi để răn dạy. P. thấy thế liền tức giận la làng lên rằng, mẹ chồng đã đổ tội oan lên đầu con nhỏ. P. dậm chân lớn tiếng chửi bà Đ. “Bà đừng tưởng cho tôi miếng đất là hay. Tôi bỏ hết tiền ra xây nhà nên xây xong tôi cấm ai qua đó ở. Tôi mua quan tài về chết trong đó cho bà mang tiếng xấu cả đời.”

Hàng xóm đến xem, hiểu chuyện nên khuyên P. đừng nghĩ bậy, bà Đ. chỉ muốn tốt cho cháu nên mới nói vài câu như vậy. Trước mặt người ngoài, P. dạ dạ vâng vâng giả vờ, đợi họ về lại chửi rủa bà Đ. tiếp. Sau đó, cô lấy xe chạy ra bàu (hồ) sen gần nhà, vứt xe lội xuống bàu tính tự tử. Vì ở thị trấn, nên cạnh bàu sen rất đông người nhìn thấy, họ ngay lập tức vớt P. lên, chở vào bệnh viện cấp cứu. Những ngày P. nằm viện, dù thật ra đã khỏe hẳn, bà Đ. phải bỏ công việc buôn bán ở nhà chăm ba đứa con của P.

P. cho rằng, đáng lẽ ra P phải được một nửa khu vườn. Đằng này bà Đ. lại chia cho hai đứa con gái của bà. Thế nên P. rất cay cú, chửi mẹ chồng sao lại dám để con gái bà về giành đất với vợ chồng P. Chính điều đó khiến P. có suy nghĩ là đi tự tử giả để gây áp lực lên mẹ chồng.

Câu chuyện bà Đ. mắng cháu (tức là con gái P.) chỉ là cái cớ để P. thực hiện hành động đó. Có lẽ P. tính toán rất cẩn thận, mong muốn việc tự tử của mình sẽ khiến bà con lối xóm nghĩ là bà Đ. đã hành hạ, đối xử tồi tệ với con dâu như trong một bộ phim truyền hình nổi tiếng nào đó. Tuy nhiên, P. quên mất một điều rằng, bà Đ. nổi tiếng hiền lành ở cái xứ đó. Bà chưa lớn tiếng chửi mắng ai bao giờ. Kẻ khua tay, múa chân rủa xả những từ tục tĩu là P.

Hàng xóm dễ dàng nhận ra âm mưu muốn chiếm đoạt tài sản gia đình chồng của P. Làm gì có kẻ nào tự tử vào ban ngày trước mặt biết bao nhiêu người? Và chẳng ai muốn chết lại lội xuống bàu sen. Em bà Đ. nói đùa rằng, sao không đợi trời tối ra cầu cao mà nhảy cho dễ chết hơn?

Một kẻ đem chính mạng sống của mình ra đùa cợt người khác, dùng cái chết để đe dọa lấy tài sản từ nhà chồng, thì người ấy liệu có còn nhân phẩm hay không?

Tác giả: Ny An

Nguồn tin: emdep.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP