Pháp luật

Công an TP.Đà Nẵng hé lộ chiêu trò lừa đảo bằng hình thức "chạy việc"

Theo cơ quan công an, ngoài việc gian dối thông tin, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo còn đánh vào tâm lý của bị hại để lừa đảo "chạy việc".

Ngày 5/12, văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.Đà Nẵng cho biết, vừa có khuyến cáo gửi người dân địa bàn nhằm phòng tránh thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức "chạy việc".

Theo đơn vị này, thời gian gần đây, trên địa bàn TP.Đà Nẵng xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức "chạy việc". Đây là phương thức, thủ đoạn được các đối tượng xấu sử dụng từ lâu nay, bản chất thủ đoạn này không có gì mới nhưng nhiều người luôn mắc bẫy.

Cơ quan chức năng chỉ ra rằng, nhiều người có tâm lý mong muốn tìm việc làm nhưng thiếu hiểu biết, nhẹ dạ, cả tin. Khi bị lừa thì tiền mất mà việc làm cũng chẳng thấy đâu.

Đối tượng Đỗ Lê Vũ, nguyên là cán bộ Thành đoàn Đà Nẵng đã chiếm đoạt gần 4 tỷ đồng nhờ "xin việc" cho nhiều người.

Trong năm 2018, Công an TP.Đà Nẵng đã khởi tố 4 vụ án, bắt tạm giam 4 đối tượng để điều tra làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức như trên. Xuất phát từ nhu cầu của người dân, các đối tượng đưa ra các thông tin gian dối, đó là bản thân có khả năng chạy xin được việc vào các cơ quan nhà nước, có quen biết nhiều với lãnh đạo cao cấp, người nhà hiện đang làm lãnh đạo ở các cơ quan có thể xin được việc với suất "ngoại giao"… Những người có nhu cầu thường không tìm hiểu kỹ dẫn đến thiếu thông tin về nơi mình định xin việc. Từ đó, dễ dàng tin vào các đối tượng môi giới việc làm.

Cũng theo cơ quan công an, các đối tượng này thường biết nhu cầu, tâm lý các gia đình xin việc là không muốn cho người khác biết việc mình “chạy” xin việc hoặc đe dọa người xin việc nếu để lộ thông tin thì không những không xin được việc mà còn mất hết số tiền, vật chất mà đối tượng đã nhận. Do vậy, các đối tượng có thể che giấu được hành vi lừa đảo của mình.

Ngoài việc gian dối thông tin, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo còn đánh vào tâm lý của bị hại.

Từ phương thức, thủ đoạn nêu trên, văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.Đà Nẵng khuyến cáo người dân khi có nhu cầu xin việc làm và tránh bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên tìm hiểu, nghiên cứu kỹ thông tin về tuyển dụng của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để đăng ký tham gia… không nên tin tưởng vào một vài lời giới thiệu, thiếu các cơ sở kiểm chứng để rồi tiền mất, tật mang.

Trong các trường hợp nghi vấn bị lừa đảo bằng hình thức này, người dân nên báo cáo đến các cơ quan chức năng để được hỗ trợ, giúp đỡ.

Tác giả: Lê Nhâm Thân

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP