Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: SGGP |
Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh gửi Báo Điện tử Chính phủ một số suy nghĩ về vấn đề này. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Nhìn lại thời kỳ kháng chiến cứu nước, bao nhiêu cán bộ chiến sĩ xông pha trận tuyến bất kể đạn bom, bao nhiêu cơ sở cách mạng và cán bộ và nhân dân miền Nam bất chấp tra tấn ngục tù, hết lớp này đến lớp khác vẫn vượt mọi gian khổ hy sinh quyết giành độc lập thống nhất cho đất nước, tự do cơm áo cho đồng bào. Vì sao ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, dù kinh tế khó khăn mà nhân dân một lòng nghe theo tiếng gọi của Bác Hồ, xây dựng hậu phương lớn tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để thống nhất đất nước? Vì sao?...
Những câu hỏi đó trước đây không khó trả lời: Đó là lý tưởng cách mạng. Trực tiếp là lý tưởng "Không có gì quý hơn độc lập tự do", là giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, là "đến ngày thống nhất ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”… như mong ước thiết tha của Bác Hồ kính yêu. Đó cũng là lý tưởng của các thế hệ đã từng tuyên thệ dưới cờ Đảng và cờ Tổ quốc: "Độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội", mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người, là lý tưởng giải phóng con người.
Vậy mà giờ đây ở các cấp đã từng có những đảng viên, cán bộ thoái hóa, biến chất đến mức nhiều người bị kỷ luật nặng, trong đó có cán bộ cao cấp, bị khai trừ ra khỏi Đảng, thậm chí một số người bị bắt, kết án tù.
Không nghi ngờ gì nữa, những đảng viên, cán bộ thoái hóa, biến chất này đã đi từ phai nhạt lý tưởng, suy giảm động lực phấn đấu, dao động tư tưởng chính trị, đi chệch mục tiêu lý tưởng cách mạng, đến mất định hướng và sa vào “guồng máy” kinh tế thị trường một cách tự phát, vô ý thức, không còn chất đảng viên và chìm đắm trong chủ nghĩa cá nhân thực dụng.
Trong khi đó việc kết nạp đảng viên và việc tuyển chọn cán bộ mà chưa lọc được những người cơ hội, tiếp theo là huấn luyện, đào tạo cán bộ cũng như quá trình quản lý, sử dụng, điều động bố trí, cất nhắc đề bạt cán bộ, nhiều cấp nhiều ngành đã không giám sát, kiểm tra đầy đủ, đúng đắn nên không sâu sát quá trình diễn biến tư tưởng và quá trình hoạt động của đảng viên, cán bộ để giúp đỡ, phát huy tích cực hoặc ngăn ngừa ảnh hưởng tiêu cực.
Nhiều cán bộ, đảng viên, nhất là những người nắm nhiều quyền lực, thiếu rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng thường xuyên nên dễ bị tác động của mặt trái kinh tế thị trường và từng bước xa lìa lý tưởng, giảm sút ý chí và dễ sa vào cạm bẫy của những nhóm lợi ích lũng đoạn Nhà nước. Đó là những nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến tình trạng đảng viên, cán bộ ngày nay đang bộc lộ nhiều điểm yếu.
Vậy làm sao khắc phục? Khâu đột phá ở đâu?
Bác Hồ nói: "Có cán bộ tốt việc gì cũng xong"; "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng" (Hồ Chủ tịch - Sửa đổi lối làm việc).
Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng, như vậy rõ ràng là khi cán bộ phai nhạt lý tưởng, dao động chính trị đi tới thoái hóa biến chất thì việc huấn luyện cán bộ phải là trách nhiệm trước tiên, thậm chí quyết định nhất trong công tác cán bộ. Từ đó chúng ta tìm ra khâu đột phá của công tác cán bộ hiện nay chính là việc xây dựng động lực hành động và phục vụ nhân dân cho cán bộ đảng viên.
Động lực hành động cho cán bộ đảng viên trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cần có 3 yếu tố hợp thành, quan hệ chặt chẽ với nhau. Đó là:
- Lý tưởng cách mạng,
- Môi trường dân chủ, minh bạch,
- Đời sống vật chất.
Lý tưởng cách mạng có nội dung trực tiếp phù hợp với giai đoạn cách mạng hiện nay là xây dựng đất nước "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" và có định hướng lâu dài chính là lý tưởng xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa.
Yếu tố dân chủ ở đây là môi trường làm việc dân chủ, mối quan hệ cấp trên cấp dưới và nội bộ đơn vị cơ quan đoàn kết, minh bạch. Môi trường làm việc, hoạt động là tổng hòa các mối quan hệ xã hội nên cần dân chủ và minh bạch. Người cán bộ có tự tin mới có sáng kiến và chủ động trong công việc. Chỉ môi trường làm việc dân chủ, minh bạch, thân thiện mới tạo được sự tự tin cho cán bộ đảng viên.
Đời sống vật chất của cán bộ đảng viên trong thời kỳ xây dựng hòa bình phải được bảo đảm bình thường, nghĩa là người cán bộ đảng viên làm tốt chức trách nhiệm vụ của mình thì nhận được thù lao, lương đủ sống để làm việc và nuôi gia đình mà không phải làm thêm ngoài giờ. Ai cũng sống bằng việc làm của mình. Thế nên cán bộ, công chức mà “làm việc này sống bằng việc khác” một cách phổ biến thì cơ quan, đơn vị, tổ chức đó sẽ bị nghiêng ngả, xộc xệch, chệch choạc, dẫn tới guồng máy hoạt động không hiệu quả, thậm chí hỏng việc, sai lầm, khuyết điểm...
Ba yếu tố trên là nhất thiết không thể thiếu một yếu tố nào, nhưng đã là đảng viên cán bộ thì yếu tố lý tưởng cách mạng là hồn cốt, là sinh mạng chính trị phải được coi trọng trước tiên.
Huấn luyện, đào tạo cán bộ, đồng thời cán bộ tự giác rèn luyện, tu dưỡng, xây dựng động lực hành động, động lực phục vụ nhân dân, dấn thân vào phong trào cách mạng để trui rèn hơn nữa là khâu đột phá đặc biệt quan trọng mở ra bước ngoặt để cán bộ, đảng viên, công chức thật sự trở thành "người lãnh đạo và là đầy tớ thật trung thành của nhân dân" như lời căn dặn của Bác Hồ./.
Tác giả: PV
Nguồn tin: Báo Chính phủ