Trong nước

Công tơ điện và chuyện trảm tướng của EVN

Hôm qua, nhiều cá nhân trong ngành điện ở địa phương đã bị xử lý, kỷ luật khi tính toán sai tiền điện cho các hộ dân trong bối cảnh bức xúc tăng cao vì hóa đơn tiền điện tăng nhiều lần.

Ở Quảng Bình, người ta đình chỉ công tác đối với Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh công ty Điện lực Quảng Bình và Giám đốc Điện lực Đồng Hới; đồng thời đang xem xét xử lý kỷ luật đối với các tập thể, cá nhân liên quan trong vụ ghi nhầm chỉ số công tơ.

Ở Quảng Ninh, công ty Điện lực quyết định tạm đình chỉ công tác trưởng phòng kinh doanh Điện lực Vân Đồn do liên quan đến hóa đơn tiền điện tháng 6 tăng cao đột biến của một hộ dân trên địa bàn.

Trên đây chỉ là vài ví dụ về trảm tướng trong bối cảnh EVN khẳng định, một số sai sót về việc ghi chỉ số tiêu thụ điện trong thời gian qua là “những sai sót cá nhân”, và hệ thống phần mềm quản lý chỉ số điện năng của EVN hoạt động bình thường, hiệu quả, góp phần giảm thiểu sự sai sót và can thiệp của con người.

Vấn đề là EVN sẽ giải thích như thế nào nếu tới đây các hộ gia đình và báo chí sẽ tiếp tục phát hiện ra những khoản thu “hố” trong các hóa đơn tiền điện?

Phải nói rằng, nhiều năm qua, ngành điện có nhiều cố gắng để cải thiện chất lượng dịch vụ, đặc biệt là triển khai hệ thống công tơ điện tử, giúp thu thập chỉ số tiêu thụ điện một cách tự động và thực hiện từ xa để tránh can thiệp, tiếp xúc của con người. Vấn đề là đến nay có bao nhiêu công tơ điện tử đã được lắp đặt ở Việt Nam?

Còn rất nhiều điểm cần tiếp tục cải thiện nếu không muốn suốt ngày dân kiện và phản đối vì công tơ điện, nhất là khi EVN hiện vẫn độc quyền về truyền tải và phân phối điện. Ảnh: Lương Bằng

Theo thông tin ghi nhận được, đến nay mới chỉ có 53,8% số khách hàng của EVN đã được lắp đặt công tơ điện tử. Dự kiến theo lộ trình hiện đại hóa hệ thống đo đếm thì đến năm 2025, 3 tổng công ty điện lực TP Hà Nội, miền Trung, TP.HCM là 100% công tơ điện tử, các tổng công ty Điện lực còn lại sẽ có khoảng 70% công tơ điện tử.

EVN cam kết từng bước hiện đại hóa, đầu tư hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo việc thu thập và theo dõi dữ liệu chỉ số tiêu thụ điện của khách hàng được thuận tiện.

Đó là một lộ trình cần đẩy nhanh nếu muốn hạn chế các sai sót cũng như tránh được tiêu cực, thất thoát do cán bộ ghi điện và hộ gia đình thông đồng khi hiện nay có tới 26 triệu khách hàng sử dụng điện của EVN.

Trong khi đó, đối với công tơ cơ khí, mà nói một cách hình ảnh, đang được treo lủng lẳng ở các cột điện, hay đâu đó ngoài nhà dân, thì làm sao giám sát được để đảm bảo cho dân không bị thiệt?

EVN khẳng định, các loại công tơ cơ khí này có các tính năng cảnh báo vượt sản lượng, hỗ trợ phát hiện các số liệu bất thường để nhân viên ghi chỉ số thực hiện kiểm tra đảm bảo hạn chế tối đa việc xảy ra sai sót trong công tác ghi chỉ số và lập hóa đơn tiền điện. Tuy nhiên, nhân viên đó có khách quan không, có công bằng không, có thông đồng không khi ghi công tơ?

Khi tỷ lệ công tơ cơ khí còn chiếm gần một nửa số công tơ thì khó mà tránh được sai sót với khách hàng, tránh được sự thông đồng giữa nhân viên ghi điện và các hộ dân.

Một vấn đề khác là về độ chính xác của công tơ. Các công tơ đều được khẳng định là đã kiểm định đạt tiêu chuẩn theo quy định và khi đến hạn kiểm định sẽ được các đơn vị của ngành điện thay thế định kỳ bằng công tơ đã được kiểm định cho khách hàng.

Vấn đề ở chỗ, khi khách hàng muốn khiếu nại thì đơn vị nào sẽ đứng ra giải quyết? Doanh nghiệp là các công ty con của các tổng công ty vùng hay là các đơn vị ngoài ngành để đảm báo tính “độc lập và khách quan”?

Một khi các công ty con thuộc hệ thống điện lực kiểm nghiệm độ chính xác của công tơ thì không một hộ gia đình nào cảm thấy yên tâm và tin tưởng khiếu nại. Cơ chế mang tính độc quyền này cần được gỡ bỏ để các doanh nghiệp ngoài ngành vào kiểm định.

Một nghiên cứu của Giáo sư David Dapice, một chuyên gia có nhiều năm theo dõi Việt Nam, cho biết, Việt Nam đã tăng mạnh sản lượng điện từ năm 2000 và điện đã được cung cấp đến hầu hết các thôn bản. Mức tiêu thụ hiện của Việt Nam vượt quá 2.000 kwh trên đầu người, cao hơn Ấn Độ và Indonesia và gần bằng Thái Lan - tất cả đều giàu có hơn Việt Nam.

Hiện tại, tốc độ tăng trưởng hàng năm của nhu cầu điện là 12%, nhanh hơn bất kỳ nền kinh tế châu Á tương đương nào khác và được dự đoán là 8-9% hàng năm đến năm 2030 - nhanh hơn nhiều so với khả năng tăng trưởng GDP. Việt Nam cần tăng gấp đôi lượng điện để sản xuất cùng một lượng GDP, mà nói tóm lại, Việt Nam sử dụng điện “quá kém hiệu quả” do giá điện thấp.

Trong khi đó, theo báo cáo Doing Business 2020 của Ngân hàng Thế giới, chỉ số Tiếp cận điện năng của Việt Nam tiếp tục đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN - nằm trong nhóm ASEAN-4, đồng thời duy trì vị trí xếp hạng 27 trên tổng số 190 quốc gia và nền kinh tế.

Nói như vậy để thấy, ngành điện đã có cải cách rất mạnh mẽ và vượt trội trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, còn rất nhiều điểm cần tiếp tục cải thiện nếu không muốn suốt ngày dân kiện và phản đối vì cái công tơ điện, nhất là khi EVN hiện vẫn độc quyền về truyền tải và phân phối điện.

Một khi chưa giải quyết được những bất cập đó, thì chuyện “trảm” cán bộ có lẽ sẽ còn tiếp tục diễn ra mà vẫn không tránh được bức xúc của người dân.

Tác giả: Tư Giang

Nguồn tin: Báo Vietnamnet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP