Phó giám đốc kêu cứu
Đầu tháng 8/2018, Báo Nghệ An nhận được đơn kêu cứu của ông Phạm Hồng Lĩnh – Phó Giám đốc Công ty CP xây dựng Thủy lợi 3 (phường Hưng Phúc, TP. Vinh). Ông Lĩnh viết đơn đại diện cho 131 cổ đông của công ty mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ nhiều vấn đề tại công ty.
Công ty Cổ phần xây dựng Thủy lợi 3 - nơi ông Phạm Hồng Lĩnh có đơn kêu cứu. Ảnh: N.H |
Thứ nhất, công ty đã trừ tiền lương của cán bộ, công nhân viên nhưng không trích đóng tiền BHXH cho người lao động từ năm 2013 đến nay với số tiền hơn 3 tỷ đồng. Nợ tiền lương của cán bộ, công nhân viên từ cuối năm 2015 đến nay không trả và tiền thai sản của cán bộ, công nhân viên nữ. Thứ hai là công ty bán tài sản không thành lập hội đồng đấu giá tài sản.
Thứ 3 là công ty không đại hội cổ đông thường niên hàng năm để báo cáo tài chính cho cổ đông được biết từ năm 2013 đến nay. Thứ tư là lấy phiếu ý kiến cổ đông về việc bán trụ sở công ty nhưng chưa đủ số lượng phần trăm theo điều lệ nhưng vẫn tự ký phiếu ý kiến cho đủ số lượng phần trăm.
Nếu không có cuộc hẹn với phóng viên, ông Lĩnh khó tìm được lý do để đến công ty. Bởi hơn 3 năm nay, công ty làm ăn thua lỗ, và khoảng 2 năm trở lại đây, công ty không có việc làm nên có đến công ty cũng không làm gì và không ai trả lương.
Ông Lĩnh cho biết, mình là phó giám đốc nhưng thực tế những vấn đề quan trọng của công ty đều không được trao đổi và nắm bắt đầy đủ. Với mong muốn đòi lại quyền lợi của mình cũng như hàng chục lao động nên ông bất đắc dĩ phải đứng đơn.
“Chúng tôi là những cổ đông của công ty thì phải biết dòng tiền của công ty đi đâu, về đâu. Hơn nữa, như tôi cũng là một người lao động thì mong muốn được công ty trả lời việc bán trụ sở cũng như khi nào thì trả tiền lương và đóng BHXH cho người lao động”, ông Lĩnh nói.
Hơn 2 năm nay, Công ty CP xây dựng Thủy lợi 3 vắng hoe. Ảnh: N.H |
Hơn 16 năm trước, Công ty CP xây dựng Thủy lợi 3 là công ty Nhà nước, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Năm 2002, công ty này tiến hành cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước. Theo đăng ký, công ty này có vốn điều lệ là 3,26 tỷ đồng, chuyên xây dựng các công trình vừa và nhỏ như đê, kè, đập thủy lợi. Đến năm 2013, hoạt động của công ty không được thuận lợi.
“Từ năm 2013 đến nay, công ty không tổ chức đại hội cổ đông để báo cáo tài chính của công ty cho cổ đông biết. Cũng trong năm này, công ty bắt đầu không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Năm 2014, giám đốc công ty và kế toán đã bán một số máy móc là xe cơ giới, máy đào nhưng số tiền bán được bao nhiêu, sử dụng vào mục đích gì không được làm rõ. Như tôi đến bây giờ vẫn đang bị nợ 140 triệu đồng tiền lương 2 năm nay”, ông Lĩnh cho biết.
Do công ty làm ăn thua lỗ, không có việc làm nên lao động trong công ty phải nghỉ, đi tìm việc khác. Một số người thì vẫn đang bám trụ và sinh sống trong dãy nhà tập thể đã xuống cấp, ẩm thấp. Ngoài bị nợ tiền lương, nhiều người còn khốn khổ khi ốm đau không dám đi khám bệnh, trường hợp bất khả kháng thì phải tự xoay xở vì không được thanh toán BHYT.
Ông Nguyễn Văn Tuân – Trưởng phòng Hành chính của công ty cho biết, bây giờ ai thích đến công ty thì đến, không thích thì thôi, bởi vì đến cũng không có việc gì làm, không ai trả lương. Giám đốc công ty lâu rồi cũng không thấy đến. Nhiều người lao động rơi vào hoàn cảnh khó khăn nhưng không biết kêu ai.
Nợ như… chúa chổm
Tìm hiểu tại cơ quan chức năng, Công ty CP xây dựng Thủy lợi 3 là một trong những đơn vị có số nợ thuế, BHXH lớn và dai dẳng nhất của tỉnh. Theo số liệu của ngành BHXH, tính đến tháng 5/2018, Công ty CP xây dựng Thủy lợi 3 nợ BHXH là hơn 3,147 tỷ đồng. Về thuế, tính đến tháng 10/2017, Công ty CP xây dựng Thủy lợi 3 nợ hơn 2 tỷ đồng tiền thuế. Thế nhưng, số nợ ấy chưa thấm vào đâu với số nợ của công ty với ngân hàng.
Theo ông Nguyễn Văn Nam – Giám đốc Công ty CP xây dựng Thủy lợi 3, ngoài nợ thuế, BHXH, công ty đang nợ ngân hàng hơn 15 tỷ đồng và một số khoản nợ khác. Hỏi vì sao 5 năm nay, công ty không tổ chức đại hội cổ đông để báo cáo tài chính cũng như phương án hoạt động của công ty sắp tới, ông Nam cho rằng, công ty không có việc, không có tiền thì tổ chức đại hội cũng không giải quyết được vấn đề gì cả.
Nhiều người lao động không có việc làm nhưng vấn đang tá túc trong khu tập thể của công ty. Ảnh: N.H |
Không chỉ nợ tiền lương, BHXH, thuế, Công ty CP xây dựng Thủy lợi 3 còn không chi trả chế độ thai sản cho người lao động. Theo tìm hiểu, từ năm 2013 đến nay, có 4 trường hợp lao động nữ của công ty sinh con nhưng không được hưởng chế độ thai sản. Đó là gồm các chị: Lê Thị Ánh, Đặng Thị Ánh, Hồ Hà Đoài và Lê Thị Hiếu. Chị Lê Thị Ánh khẳng định, việc công ty không chi trả chế độ thai sản cho lao động nữ là đúng.
“Tháng 6/2013, em sinh cháu đầu và sau này được biết là chế độ thai sản được BHXH gửi về qua công ty là hơn 22 triệu đồng. 3 người khác cũng được bảo hiểm xã hội trả, cộng với tiền nghỉ ốm đau là khoảng 80 triệu đồng. Thế nhưng cho đến nay bọn em vẫn không được công ty trả chế độ này. Em có hỏi giám đốc thì anh ấy nói khi nào có sẽ trả”, chị Lê Thị Ánh nói.
Do nợ đầm đìa, Công ty CP xây dựng Thủy lợi 3 đã thành lập hội đồng thanh lý tài sản để bán tài sản trên đất và đất trụ sở công ty tại số 1, ngõ 64, đường Lê Hoàn, TP. Vinh. Theo ông Nguyễn Văn Nam – Giám đốc Công ty CP xây dựng Thủy lợi 3, theo nghị quyết của Quốc hội, ngân hàng yêu cầu xử lý tài sản để trả nợ cho ngân hàng. Công ty họp lấy ý kiến của cổ đông và thành lập hội đồng thanh lý tài sản để trả nợ ngân hàng vì nếu để mãi thì ngân hàng sẽ tịch thu. Quá trình họp bàn thì trong hội đồng có người không đồng ý, ngân hàng không chờ được nên đưa ra bán đấu giá.
“Tôi nghe nói ngân hàng bán được hơn 22 tỷ đồng. Sau khi trả nợ, tiền thuế thu nhập tài sản, số tiền còn lại công ty sẽ ưu tiên trả nợ BHXH và thuế”, ông Nam khẳng định.
Về chế độ thai sản, tiền lương của cán bộ, công nhân viên đang còn nợ, vị giám đốc công ty cho rằng, vì lâu quá nên không nhớ nữa là bao nhiêu. Số người lao động chưa chốt được sổ BHXH cũng không nắm rõ cụ thể. Do công ty không có việc làm, nên nhiều người đã chuyển đi nơi khác, người thì nghỉ hưu, số lao động đang bám trụ là 14 người.
Như vậy, những nội dung trong đơn của ông Phạm Hồng Lĩnh là có cơ sở và phương hướng giải quyết theo ông Nguyễn Văn Nam thì: "Nếu sau khi trả hết nợ ngân hàng, BHXH, thuế mà còn tiền thì chúng tôi sẽ trả tiền lương, chế độ thai sản cho người lao động. Anh yên tâm vì trong đó có quyền lợi của chúng tôi".
Tác giả: Nguyên Hưng
Nguồn tin: Báo Nghệ An