- Phóng viên: Cục CSGT dựa trên căn cứ nào để tính tới đề xuất “trừ điểm” trên giấy phép lái xe (GPLX) của người vi phạm giao thông, thưa Đại tá?
- Đại tá Đỗ Thanh Bình: Việt Nam đang tước GPLX có thời hạn và xử lý vi phạm hành chính xong thì trả lại bằng lái, cách thức này dẫn tới tình trạng “phạt cho tồn tại” và đi ngược với xu thế của thế giới.
Ở Việt Nam, mức phạt không đủ sức răn đe đã dẫn tới tái diễn vi phạm. Thậm chí, trong 2 năm 2015 - 2016, có tới gần 37.400 trường hợp hết thời hạn tước GPLX (cả ô tô và mô tô) nhưng người vi phạm giao thông không đến nhận lại.
Việc trừ điểm GPLX sẽ hạn chế tiêu cực, người vi phạm sẽ nâng cao được ý thức chấp hành tham gia giao thông và luôn phải cảnh giác với việc sẽ bị tước quyền điều khiển phương tiện.
Đại tá Đỗ Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an |
- Trước đây Việt Nam đã áp dụng bấm lỗ GPLX, đó được coi như một hình thức "trừ điểm" nhưng đã không tồn tại được lâu, nay Cục lại đưa ra đề xuất này?
- Đúng như vậy. Cách đây khoảng hơn 10 năm, ở Việt Nam thực hiện bấm lỗ trên GPLX của người vi phạm và coi đó là 1 hình thức "trừ điểm", nhưng khi đó cách làm thủ công nên không đạt được hiệu quả.
Hiện nay, cơ sở dữ liệu mới về GPLX được cập nhật trên hệ thống điện tử, việc áp dụng công nghệ sẽ đảm bảo cho công tác xử lý vi phạm giao thông. Tôi cho rằng việc sử dụng công nghệ và áp dụng trừ điểm trên hệ thống dữ liệu sẽ rất hiệu quả, nếu bị trừ 50% điểm trên GPLX thì chủ sở hữu sẽ cận kề nguy cơ bị tước GPLX nếu tái diễn vi phạm.
Hình thức “phạt cho tồn tại” ở Việt Nam hiện không phù hợp, không đảm bảo tính răn đe về việc thực thi pháp luật về giao thông. Theo tôi, dứt khoát phải sửa đổi Luật xử lý vi phạm hành chính, phải tước GPLX hoặc trừ điểm GPLX để người vi phạm thấy rằng nếu vi phạm nhiều lần thì cơ hội lưu thông rất khó khăn.
- Công tác xử lý vi phạm giao thông ở các nước được thực hiện như thế nào, thưa Đại tá?
- Tất cả các nước tiên tiến hiện nay đều áp dụng tước GPLX lâu dài và "trừ điểm" trên GPXL.Thông thường các nước tính 12 điểm bằng, các lỗi vi phạm bị "trừ điểm" nặng nhất là vi phạm về nồng độ cồn, tốc độ, đèn tín hiệu giao thông, không nhường đường cho người đi bộ.
Đơn cử như Trung Quốc, người tham gia giao thông mắc lỗi vi phạm về nồng độ cồn sẽ bị trừ 6/12 điểm, cùng đó là cảnh báo tình trạng có thể bị tước bằng lái nếu tái diễn vi phạm, trường hợp bị trừ hết điểm bằng thì sẽ phải thi lại bằng lái.
Nếu xe kinh doanh vận tải vi phạm đến mức độ nhất định thì người lái sẽ bị tước GPLX 5 năm và trong 5 năm đó không được lái xe vận tải (chỉ có bằng lái xe cá nhân), 5 năm sau mới được thi lại bằng và sử dụng để lái xe kinh doanh vận tải. Cơ quan chức năng ở Trung Quốc “đánh” vào bài toán kinh tế để răn đe đối với người vi phạm.
Tại Nhật Bản, kể cả khi bị trừ hết điểm bằng và học lại, thi lại, thì cũng bị kiểm tra rất chặt chẽ, bị tính lại hiệu lực GPLX mới ít hơn so với hiệu lực GPLX đã được cấp trước đó. (ví dụ GPLX được cấp ban đầu là 5 năm thì bằng lái mới chỉ còn 4 năm). Thậm chí, cơ quan quản lý và cấp GPLX ở Nhật Bản quy định màu của GPLX, điều này nhằm đánh giá mức độ chấp hành quy định giao thông của người được cấp bằng như thế nào. Đối với những người đã từng vi phạm giao thông thì sẽ bị ghi lỗi trên GPLX và bị cơ quan chức năng xử lý gia tăng vi phạm theo lần, lần sau phạt nặng hơn lần trước.
Cục CSGT đề xuất cùng với xử phạt hành chính thì sẽ trừ điểm GPLX của người vi phạm giao thông |
- Đối chiếu với Việt Nam về thời hạn tước GPLX và công tác hậu kiểm vi phạm, Đại tá thấy có những bất cập gì?
- Ở Việt Nam hiện nay chưa có quy định tước GPLX vĩnh viễn, chỉ tước bằng lái có thời hạn tối đa là 6 tháng theo Nghị định 46 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt. GPLX bị tạm giữ để xử lý vi phạm hành chính xong trả lại cho công dân tiếp tục sử dụng. Tuy nhiên, khi GPLX hết hạn mang đi cấp đổi thì cơ quan quản lý cũng không xem xét về những lỗi đã vi phạm, đã bị xử lý vi phạm của người được cấp bằng như thế nào. Tức là công tác hậu kiểm chưa có.
Việc xử lý vi phạm hành chính hiện nay cũng chỉ tính theo từng vụ việc chứ không áp dụng phạt lũy tiến theo vụ trước - vụ sau, số tiền xử phạt tính mức trung bình và chỉ tăng nặng theo hành vi vi phạm. Cách thức xử lý vi phạm ở Việt Nam hiện đang đi ngược với xu thế của thế giới.
- Theo Đại tá, để triển khai áp dụng hình thức "trừ điểm" trên GPLX và đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong xử lý vi phạm giao thông, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, cần có giải pháp cụ thể như thế nào?
- Cục CSGT kiến nghị sửa Luật Giao thông theo hướng phù hợp với tình hình thực tế và học hỏi kinh nghiệm các nước tiên tiến. Sửa Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật này đảm bảo chứng cứ phải quan trọng hơn thủ tục (hiện đang nặng về thủ tục).
Với quan điểm quyết định xử phạt phải được thực hiện một cách nhanh nhất, tới đây Cục CSGT sẽ phối hợp với Kho bạc Nhà nước và các đơn vị có thanh toán điện tử nhằm xây dựng đa dạng hình thức xử phạt, giảm các thủ tục hành chính, cùng đó xác định trách nhiệm người phải thực hiện, trong đó có CSGT.
Theo tôi, cần sửa đổi công nghệ trong đào tạo và sát hạch lái xe, có sự tham gia của các cơ quan có liên quan nhưng phải đảm bảo chất lượng và trách nhiệm. Dữ liệu GPLX phải chuẩn hoá theo quốc tế, người đào tạo lái xe phải chịu trách nhiệm tới cùng với người được cấp GPLX và điều khiển phương tiện.
- Xin cảm ơn ông!
Tác giả: Châu Như Quỳnh
Nguồn tin: Báo Dân trí