Tin trong tỉnh

Cư dân làng Dừa bàng hoàng kể chuyện đi tìm phi công và máy bay rơi

“Sau khi nghe tiếng nổ lớn, cháu cùng một nhóm bạn kéo nhau đi bộ lên hiện trường. Phải mất gần 2 giờ đi bộ đường rừng, nhóm của cháu mới tiếp cận được khu vực máy bay Su-22 gặp nạn. Lúc đó trời mưa rất lớn, cảnh tượng ở hiện trường rất kinh khủng...” - một thanh niên làng Dừa (xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) kể chuyện đi tìm máy bay rơi trưa 26/7.

Cư dân làng Dừa kể chuyện đi tìm phi công và máy bay rơi

“Một tiếng nổ lớn vang lên, chúng tôi nhìn lên cánh rừng thì thấy khói bay cao nghi ngút, biết là máy bay nổ rồi. Khi lên thì thấy chiếc máy bay nổ tung, vỡ vụn từng mảnh. Chúng tôi cố gắng tìm xung quanh khu vực nổ, trong các lùm cây, hốc đá… xem có thấy phi công thoát ra ngoài mắc kẹt trên cây không nhưng vô vọng...”, ông Lê Văn Nhàn - người làng Dừa kể lại.

Ông Nguyễn Văn Lan (48 tuổi, trú xóm Dừa) kể, khoảng hơn 11h trưa cùng ngày, ông phát hiện một chiếc máy bay bay đến gần khu vực ngọn núi ở gần làng thì bất ngờ bốc khói đen ở phía sau. Một lát sau, một tiếng nổ rất lớn vang lên.

Ông Lê Văn Nhàn kể về thời điểm đi tìm máy bay rơi.

Một người dân nhặt được mảnh vỡ từ Su22 và giao nạp lại cho cơ quan chức năng.

Ông Lan nhớ lại: “Lúc đó rất đông người dân chứng kiến sự việc, một số người còn dùng điện thoại quay lại. Khi nghe tiếng nổ, một số người còn bán tín bán nghi bảo là máy bay họ diễn tập nổ mìn”.

Trần Văn Nam (17 tuổi, trú Làng Nhâm, xã Nghĩa Yên) kể thêm: “Sau khi nghe tiếng nổ lớn, cháu cùng một nhóm bạn kéo nhau đi bộ lên hiện trường để theo dõi sự việc. Phải mất gần 2 giờ đi bộ đường rừng nhóm của cháu mới tiếp cận được khu vực máy bay Su-22 gặp nạn. Lúc đó trời mưa rất lớn, chúng cháu lên thì thấy một cảnh tượng rất kinh khủng, máy bay không còn nguyên vẹn mà vỡ vụn từng mảnh, không thấy người đâu cả. Xung quanh khu vực may bay phát nổ cây cối gãy đổ, những tảng đá lớn cũng bị vỡ tung…”.

Ngay sau đó, khoảng từ 13h đến 20h tối ngày 26/7, tất cả các lực lượng liên quan đã có mặt tại khu vực trên để bảo vệ hiện trường và điều tra nguyên nhân máy bay quân sự Su-22 gặp nạn.

Một mảnh vỡ của Su22.

Một góc ngọn núi nơi máy bay rơi.

Hiện trường nơi chiếc máy bay Su-22 gặp nạn nằm trên đỉnh núi, cách làng Dừa chừng 4km đường núi. Từ đầu giờ chiều cùng ngày, cả ngàn người dân hiếu kỳ đã tập trung kéo lên để theo dõi sự việc. Lực lượng chức năng cũng đã tập trung ở các ngả đường để bảo vệ, không cho người dân đi vào khu vực hiện trường.

Đến 19h40’ ngày 26/7, lực lượng chức năng vẫn đang phong tỏa hiện trường nơi máy bay rơi. Đoàn xe lực lượng chức năng cùng 2 xe cứu thương sau đó đã đưa thi thể 2 phi công rời khỏi hiện trường.

Những chiếc xe cứu thương đưa thi thể hai chiến sĩ về Nhà tang lễ BVQK4 để làm lễ truy điệu.

Máy bay quân sự này được cho là xuất phát từ sân bay Sao Vàng (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) và rơi tại làng Dừa, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An vào khoảng 12h ngày 26/7.

Thông tin từ Bộ Quốc phòng cho biết:

Lúc 11 giờ 16 phút ngày 26/7, máy bay Su-22, số hiệu 8551 của Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân thực hiện bay huấn luyện, mất liên lạc lúc 11 giờ 35 phút. Thông tin ban đầu, máy bay rơi tại làng Dừa, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An.

Hai phi công bay huấn luyện đã hy sinh, gồm:

- Trung tá Khuất Mạnh Trí, Phó Trung đoàn trưởng Tham mưu trưởng, sinh năm 1978. Quê quán: phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội.

Nhập ngũ: 20/9/1995

Giờ bay tích lũy: 1.130h37; Giờ bay trong năm: 111h08

Đã bay qua các loại máy bay: L- 39. MiG-21, Su-22;

- Thượng tá Phạm Giang Nam, Chủ nhiệm an toàn bay Trung đoàn 921, sinh 1972. Quê quán: Thái Giang, Thái Thụy, Thái Bình.

Nhập ngũ: 12/9/1991

Giờ bay tích lũy: 1178h32; Giờ bay trong năm: 106h58;

Đã bay qua các loại máy bay: L-39. MiG-21Bis, Su-22M.

Tác giả: Nguyễn Duy

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP