Giới trẻ

"Cứ thế này rồi nghệ sĩ không dám làm từ thiện nữa. Ai cứu dân?": Bản tin của VTV đã cho dư luận một câu trả lời

Trước kia, khi chưa có phong trào kêu gọi từ thiện của các nghệ sĩ, hoạt động cứu trợ vẫn diễn ra, nhưng âm thầm hơn. Sau này, nếu nghệ sĩ vì điều tiếng mà không kêu gọi nữa, vẫn sẽ có những người đứng lên hành động vì đồng bào.

Cứ như này rồi nghệ sĩ không dám làm từ thiện nữa. Rồi ai sẽ cứu người dân?

- Làm việc thiện mà cứ bị soi mói, công kích thế này, không ai muốn rước rắc rối vào thân. Chỉ có người khổ, người cần cứu trợ là thiệt thòi.

Rất nhiều những bình luận kiểu như vậy được thốt ra một cách lạnh lùng trên mạng xã hội khi tranh luận về những lùm xùm từ thiện của một vài nghệ sĩ thời gian gần đây. Lòng đồng cảm của cộng đồng fan với thần tượng của mình cũng được đẩy lên cao hơn khi đứng trước nghi vấn, được yêu cầu giải trình, nghệ sĩ lại hờn dỗi kiểu "chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa"!

Đáp lại những "lo lắng" đó, mới đây nhà đài VTV đã có câu trả lời đi vào lòng dân, bằng cách đưa tin về những mạnh thường quân đóng góp tài chính cho cuộc chiến chống Covid-19.

Bản tin của VTV về các mạnh thường quân được dân tình ủng hộ rần rần.

Đó chưa phải là tất cả sự đóng góp từ phía nhân dân. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân cũng đã hiến tặng những phần tiền hàng trăm tỷ đồng, mua máy thở, mua vaccine... để góp vào quỹ, cũng như người dân đóng góp trực tiếp cho các tỉnh thành đang ở tâm dịch.

Thật nực cười khi nhiều người cứ sợ sau đợt này không có nghệ sĩ nào dám đứng ra kêu gọi từ thiện và cứu trợ. Hào quang và sức ảnh hưởng của nghệ sĩ, nỗi bất bình với những trường hợp trục lợi cứu trợ có lẽ đã khiến họ lo lắng như vậy. Nhưng lo lắng ấy có lẽ là thừa.

Bởi bao năm nay, Nhà nước chưa bao giờ bỏ dân và đồng bào cũng chưa bao giờ rời bỏ nhau. Năm ngoái, miền Trung dứt cơn bão này lại tiếp nối đợt lũ kia, gió giật cấp 13, 14, nhưng đường Quốc lộ 1A có lúc ùn tắc vì xe cứu trợ. Nhà nhà người người ùn ùn đi cứu trợ, container nối đuôi, treo đầy băng rôn "Hướng về Miền Trung thân yêu". Người ta quyên góp tiền, lương thực, quần áo cũ... Rồi nổi lửa thức đêm để gói bánh tét, bánh chưng.

Hình ảnh người dân, bằng nhiều cách khác nhau gửi tấm lòng mình đến miền Trung vào mùa lũ 2020.

Ngay giữa cơn lũ dữ những ngày tháng 9, tháng 10 năm 2020, xông pha vào tận biển nước, trèo lên từng mái nhà, lội xuống từng con ngõ bị ngập đến cổ là những bóng áo xanh của người chiến sĩ bộ đội, công an, là những cán bộ địa phương tìm đường vào rốn lũ, vào tận điểm sạt lở cứu hộ, cứu nạn. Có người thậm chí đã bỏ mạng khi lũ bão qua đi, có người còn không tìm thấy thi thể.

Những chiến sĩ bộ đội, công an, lực lượng địa phương xông xáo đi cứu trợ.

Cần nhắc lại là, nghệ sĩ Việt không "điêu đứng" vì chuyện làm từ thiện. Không ai chỉ trích việc họ dùng tiền và công sức của chính mình để giúp đỡ những người hoạn nạn cả, mà người ta lên tiếng việc dùng tiền của người khác nhân danh cá nhân mình đi làm từ thiện, nhưng lại không minh bạch.

Ai muốn bênh vực thần tượng, tin tưởng vào sự thiện lành trong trái tim họ, cứ làm. Và chuyện các nghệ sĩ đi làm từ thiện cũng rất đáng trân trọng. Nhưng đừng chỉ nhìn vào sự hào nhoáng đó mà cố tình quên đi sự hy sinh thầm lặng của những người khác.

Nhưng không phải sự đồng cảm với người mắc thị phi mà vô ơn, tự cho mình cái quyền phủ bỏ công lao của Nhà nước, phủi sạch nước mắt và máu của những người đã vì nhân dân mà phục vụ, xổ toẹt lên sự góp công góp của của đồng bào với tinh thần lá lành đùm lá rách.

Trước kia, khi chưa có phong trào kêu gọi từ thiện của các nghệ sĩ, hoạt động cứu trợ vẫn diễn ra, nhưng âm thầm hơn. Sau này, nếu nghệ sĩ vì sợ điều tiếng mà không kêu gọi nữa, vẫn sẽ có những người khác đứng lên. Có thể sẽ ít ồn ào hơn, sẽ không tạo tiếng vang gì cả, nhưng sự lan tỏa của lòng tốt thì vẫn như những mầm cây.

Tác giả: Bích Chi

Nguồn tin: Pháp luật & Bạn đọc

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP