- Chất vấn giữa nhiệm kỳ được xem là một phiên chất vấn đặc biệt, để nhìn lại quá trình thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, Trưởng ngày 3 năm qua, sau 4-5 lần trả lời chất vấn trước đó. Theo đó, lãnh đạo các cơ quan thuộc khối hành pháp, tư pháp đều có thể là người “lên ghế nóng”. Là một trong những đại biểu hay “gây sự” tại các phiên chất vấn, ông đánh giá lần sơ kết giữa nhiệm kỳ này như thể nào?
- Tôi cho rằng, phương thức chất vấn lần này rất hay. Không chọn cụ thể một số “tư lệnh” ngành, hay chọn chủ đề chất vấn mà kỳ này có điểm hay hơn khi mỗi lĩnh vực điều hành của Chính phủ không phải thuộc trách nhiệm của chỉ một Bộ, ngành mà còn liên quan tới các bộ ngành khác. Phiên chất vấn này đặt ra những lần chất vấn từ kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá XIV đến nay xem nhiều vấn đề cử tri, đại biểu Quốc hội đặt ra, các “tư lệnh” ngành đã giải quyết như thế nào.
Đây là việc chất vấn một cách tổng thể với những vấn đề bức xúc của xã hội.
Cũng qua cách chất vấn này có thể thấy kết quả một quá trình các vấn đề thuộc trách nhiệm Bộ ngành, giải quyết nhưng không phải trong một sớm một chiều mà cần có thời gian tiếp cận.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh hiện là Uỷ viên thường trực UB Kinh tế của Quốc hội |
- Ông đã từng theo đuổi vấn đề gì qua các phiên chất vấn là mong làm rõ được việc gì qua phiên chất vấn tổng thể lần này?
- Ví dụ như vấn đề giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 200.000 sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng tốt nghiệp xong mà phải cất bằng, đi bán bánh mì, đi làm công nhân may… Câu hỏi đặt ra là sao vẫn tiếp tục đào tạo để sinh viên tra trường vẫn… thất nghiệp. Cách giải quyết phải cải cách từ gốc của vần đề, từ chương trình giáo dục đào tạo, định hướng nghề nghiệp, phân luồng đào tạo nghề…
Để làm được việc này thì phải có định hướng trong cả hệ thống, kèm theo các điều kiện về cơ sở vật chất, chuẩn bị đội ngũ giáo viên… nghĩa là phải trong vài năm mới khắc phục được bất cập này.
Như vậy, khi chất vấn tổng thể, các đại biểu quan tâm những vấn đề lớn, định hướng lớn để cải cách những tồn tại hiện hữu của nền kinh tế xã hội.
- Như ông nói, có một số vấn đề không thể giải quyết được trong ngày một ngày hai, điều quan trọng là phải nhìn ra được những chuyển động, cải thiện trong quá trình điều hành. Ông ghi nhận thế nào về sự chuyển động trong các lĩnh vực 3 năm qua?
- Sự chuyển động rõ nhất là nhìn từ những bức xúc phát sinh trong đời sống xã hội, chính sách điều hành không giải quyết thỏa đáng yêu cầu của người dân. Đầu tiên chúng ta phải hoàn thiện hệ thống pháp luật. Trong thời gian vừa qua, Chính phủ rất tích cực đề xuất với Quốc hội các chính sách để hoàn chính hệ thống pháp luật trong tất cả các mặt, từ cải thiện môi trường kinh doanh đến an ninh quốc phòng, an sinh xã hội…
Vấn đề mà xã hội hiện rất quan tâm là giáo dục thì hiện Quốc hội đang xem xét 2 dự án luật, luật Giáo dục và luật Giáo dục đại học sửa đổi. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ để lại luật Giáo dục sửa đổi, chỉ thông qua luật Giáo dục Đại học bởi vì dự thảo luật Giáo dục sửa đổi hiện còn rất nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí Quốc hội cho rằng cần phải lấy ý kiến nhân dân chứ không chỉ ý kiến cử tri và đại biểu Quốc hội. Tôi cũng cho rằng, đây là việc rất lớn, tồn tại trong nhiều năm, nên cần rất thận trọng.
- Có vấn đề nào ông đánh giá tích cực về hướng chuyển động, cải thiện tình hình do nỗ lực của người đứng đầu ngành, lĩnh vực?
- Có rất nhiều vấn đề được triển khai trong thực tiễn, mang lại hiệu quả, từ những phản ánh của cử tri, từ chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ví dụ như ngành Y tế, nhiều vấn đề hiện nay rõ ràng được cải thiện một bước so với đầu nhiệm kỳ.
Vấn đề chống ùn tắc, quá tải bệnh viện tuyến Trung ương, dù giờ tình trạng đó không hẳn đã chấm hết nhưng phải xem xét một cách đồng bộ. Quá tải bệnh viện Trung ương do người dân có nhu cầu lên tuyến trên vì tại địa phương, y tế cơ sở còn rất yếu, thiếu về vật chất, trình độ. Hiện khoảng cách chất lượng giữ bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới còn rất lớn nên nếu là bệnh nhân, tôi cũng thích lên tuyến trên khám chữa bệnh để yên tâm hơn. Như vậy, nhà nước cần tăng mạnh đầu tư bệnh viện tuyến cơ sở để người dân yên tâm khám chữa bệnh tại chỗ.
- Về cách thức tổ chức chất vấn, nửa nhiệm kỳ qua, theo ông, Quốc hội đã đẩy cao được tính tranh luận chưa?
- Tôi cho rằng với cách thức tổ chức hiện nay, diện chất vấn rộng hơn. Sự tranh luận giữa người chất vấn và người bị chất vấn rất cao. Tăng tính tranh luận sẽ nâng cao được chất lượng những nội dung được đưa ra thảo luận, nâng cao được trình độ, vai trò của cả hai chủ thể người chất vấn và người trả lời chất vấn. Khi đưa vấn đề ra, người chất vấn cũng buộc phải có thông tin, phải hiểu về vấn đề đó.
Còn việc giới hạn thời gian tranh luận, kiểu “hỏi nhanh, đáp gọn” trong vòng 3 phút thì cũng đòi hỏi người chất vấn và người trả lời đều phải có kỹ năng chất vấn tốt hơn.
- Xin cảm ơn ông!
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: Báo Dân trí