Gian nan kiếp tằm nhả tơ
"Sau đêm vụ nổ kinh hoàng ở rạp Nguyễn Văn Hảo, tôi bỏ hẳn cải lương. Nghỉ hát, tôi lâm vào cảnh thất nghiệp", nghệ sĩ Thiên Kim trải lòng. Lúc này sự sống của gia đình gồm 11 người đều trông chờ vào bà.
Bà chuyển sang làm lồng tiếng (ngày ấy gọi là chuyển âm) cho các bộ phim. Nếu trên sân khấu bà chỉ diễn một vai thì lồng tiếng bà đảm nhận khá nhiều vai. Từ tiếng của nam giới, phụ nữ đến trẻ em bà đều thể hiện thành công, không ai phát hiện ra chỉ do một người.
Có những đoạn phim bà vừa nói giọng nam miền Bắc rồi trả lời bằng giọng nữ miền Nam. Công việc lồng tiếng đòi hỏi rất nhiều công sức và trí tuệ buộc bà phải cố gắng rất nhiều.
Cô chủ quán bước đến xin chụp với bà một tấm ảnh. Bà cười thật tươi và dừng câu chuyện. Tấm ảnh ghi lại một già, một trẻ bên nhau rất tình cảm. Đời nghệ sĩ đã về chiều vẫn còn người ái mộ thì còn gì hạnh phúc bằng?
Nghệ sĩ Ngọc Đán (trái) và nghệ sĩ Thiên Kim. |
Lồng tiếng được một thời gian, bà vẫn không quên được ánh đèn sân khấu. Lần này, bà đến với kịch nói và đại nhạc hội. Bà từng làm hoạt cảnh cho ban hợp ca Thăng Long trình diễn trường ca Hòn Vọng Phu.
Nhờ vậy, cuộc sống của gia đình bà qua được cơn ngặt nghèo. Con cháu được học hành rồi lớn lên chúng lao vào cuộc mưu sinh. Bà vẫn tiếp tục "nhả tơ" cho trọn kiếp con tằm.
Đến năm 1975, mọi hoạt động nghệ thuật như chùng lại. Bà được tuyển dụng vào đài truyền hình giữ chân... gác cổng. Công việc của bà là mở cổng và đóng cổng mỗi khi có xe ra vào. Nhưng cũng chính nhờ chân gác cổng này mà có người nhận ra bà đưa bà vào làm ở phòng hóa trang.
Từ người dẫn chương trình đến nghệ sĩ biểu diễn trước khi đến với ống kính trường quay đều phải qua bàn tay bà chỉnh sửa lại nhan sắc. Có những sự kiện quay ở các tỉnh bà phải đi theo để thực hiện hóa trang.
"Một lần tôi thực hiện hóa trang cho nhóm học sinh lên tới vài chục người. Làm không hết việc, tôi đã phải giao son, phấn để các cháu tự làm. Tôi chỉ chỉnh sửa lại một chút, nhờ vậy công việc được trôi chảy", bà trầm ngâm nhớ lại.
Năm 1987, bà đến tuổi hưu phải nghỉ. Tiếng là về hưu nhưng thâm niên công tác chưa đủ nên bà chỉ nhận được trợ cấp 1 lần rồi thôi.
Kể đến đây, bà sực nhớ: "Cũng chính trong giai đoạn sau khi nghỉ cải lương, tôi đã bén duyên được với điện ảnh nhờ người bạn gợi ý tôi thử vai. Được đạo diễn chấp nhận, tôi xuất hiện với vai chính trong bộ phim "Huyền Trân công chúa".
Từ đó, tôi trở nên quen thuộc với điện ảnh và truyền hình qua hàng loạt bộ phim nổi tiếng và ăn khách thời bấy giờ. Đến nay mặc dù đã già lắm rồi nhưng tôi vẫn nhận được lời mời dù bây giờ không còn giữ được vai chính nữa".
Nghệ sĩ với kỷ niệm chương vì sự nghiệp sân khấu. |
"Sau mấy chục năm lăn lộn với nghề, bây giờ nhìn lớp trẻ giỏi hơn thế hệ tôi nhiều quá. Hầu hết các nghệ sĩ thế hệ trước đều nhờ vào năng khiếu bẩm sinh và tự rèn luyện mới có được kết quả tốt.
Những nghệ sĩ trẻ bây giờ được đào tạo qua trường lớp nên có nhiều sáng tạo. Mong sao sẽ có nhiều ngôi sao lớn kế thừa lớp già chúng tôi đang dần tắt... ", bà nói tiếp.
Cùng chung tổ ấm, khu dưỡng lão nghệ sĩ
Chúng tôi đến thăm khu dưỡng lão nghệ sĩ vào một buổi chiều. Nằm trong con hẻm trên đường Âu Dương Lân, khu dưỡng lão có diện tích khá rộng và quang cảnh phù hợp với tuổi già.
Khu dưỡng lão nghệ sĩ |
Khu dưỡng lão nghệ sĩ chính thức hoạt động vào tháng 3/1998 từ sáng kiến của NSND Phùng Há, được Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt khuyến khích, UBND TP.HCM giúp đỡ và toàn giới nghệ sĩ cùng các nhà hảo tâm đã chung tay, chung sức cùng xây dựng nên.
Sau 20 năm hoạt động, khu dưỡng lão đã tiếp nhận khoảng 80 nghệ sĩ già neo đơn có hoàn cảnh khó khăn vào an dưỡng những ngày còn lại của cuộc đời. Khoảng 60 nghệ sĩ qua đời tại đây. Gần đây nhất là NSƯT Ngọc Hương và nghệ sĩ My Lan. Hiện nay, tại đây còn 13 lão nghệ sĩ đang an dưỡng.
Chúng tôi dạo một vòng trong khu dưỡng lão. Bên phải từ cổng vào là sân khấu "Chương trình văn nghệ Đêm hội trăng rằm". Nơi đây cứ đến ngày Rằm là tổ chức văn nghệ.
Các nghệ sĩ chuyên nghiệp từ các nơi đến và cả những nghệ sĩ đang an dưỡng tại đây cũng tích cực tham gia.
Nghệ sĩ Hồng Hoa bị liệt giường đã 4 năm nay. Bên cạnh là chân dung bà thời còn trẻ. |
Vào bên trong sân khấu, một bàn thờ tổ uy nghi trang trọng. Phía trên là Tổ nghiệp sân khấu, bên dưới là tượng 3 vị Thánh Tổ. Cách đó không xa là bàn thờ NSND Phùng Há, người có công rất lớn đối với nghệ thuật cải lương.
Các nghệ sĩ được nuôi ăn và cấp mỗi người một phòng để ở. Trong mỗi phòng, những tấm hình thuở vàng son của họ được treo đầy trên vách. Những nụ cười, những ánh mắt, những cử chỉ của một thời vang bóng được lưu giữ như báu vật.
Bước lên lầu một, chúng tôi gặp nghệ sĩ Ngọc Đán và Thiên Kim đang say sưa thưởng thức một vở tuồng cải lương đang phát trên truyền hình. "Không xem thì nhớ lắm mà xem thì buồn", nghệ sĩ Ngọc Đán nở nụ cười rất hiền hòa.
Bà tâm sự với chúng tôi, bà cũng có gia đình con cháu đầy đủ. Con bà đều thành đạt và rất thương yêu bà nhưng bà vào đây tá túc từ nhiều năm nay.
Bà bày tỏ: "Cải lương bây giờ không còn tỏa sáng như trước nữa. Buồn lắm nhưng biết làm sao? Thôi thì chúng tôi vào đây ở để vui chơi với tình đồng nghiệp, để thỉnh thoảng cùng nhau nhắc lại những kỷ niệm vui buồn ngày xưa".
Nghệ sĩ Ngọc Đán xem cải lương cho đỡ buồn. |
Bà kể lại mối tình của bà ngày trước. Chồng bà là kép độc Hoàng Kinh mất khá lâu và bà ở vậy từ năm ngoài 30 tuổi.
Bà vừa cười vừa nói: "Hồi đó, 18 tuổi nhưng tôi chưa biết yêu đương. Một hôm ông bầu gánh gọi tôi vào bảo lấy Hoàng Kinh đi, bằng không sẽ bị cho thôi việc. Làm nghệ sĩ mà không được hát thì có gì bất hạnh cho bằng. Thế là tôi ưng về làm vợ thứ 7 của ông ấy. Vậy mà chúng tôi cũng có 4 mặt con đến giờ... ".
Bà Thiên Kim mời tôi vào phòng bà. Nhìn trên vách, những bức hình thời bà còn là thiếu nữ rất đẹp và sống động. Gần phòng bà, nghệ sĩ Hồng Hoa (80 tuổi) từng là đào của gánh Kim Chung, Phước Chung đang nằm liệt trên giường.
Bà thều thào nhắc lại với tôi thời bà còn hát chung với Minh Vương, Lệ Thủy.
Nghệ sĩ Lam Sơn, phía trên vách là tấm hình ông ngày xưa. |
Cạnh đó, nghệ sĩ Lam Sơn của gánh Kim Chưởng (82 tuổi) buồn bã cho biết ông rất nhớ nghề nhưng bây giờ chân không đi được. Rằm nào ông cũng nhờ người đưa xuống sân khấu xem tuồng...
Mỗi người một số phận, một hoàn cảnh. Cùng nghề nghiệp với nhau, họ đến với nhau lúc tuổi già trong khung cảnh ấm áp thân thương này có lẽ nỗi buồn của họ cũng vơi đi phần nào...
Tác giả: Trần Chánh Nghĩa
Nguồn tin: Báo VietNamNet