Pháp luật

Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng gây thiệt hại hơn 3.800 tỷ đồng

Theo cơ quan điều tra, hành vi của cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã “giúp” doanh nghiệp tư nhân thâu tóm khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng gây thiệt hại 3.816 tỷ đồng.

Thành lập công ty cổ phần để thực hiện dự án

Khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, có vị trí đắc địa. Sau năm 1975, khu đất được Chính phủ giao cho Bộ Lương thực và thực phẩm, sau là Tổng công ty bia rượu nước giải khát Sài Gòn quản lý.

Khu đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng

Năm 2007, công ty này cổ phần hóa thành tổng công ty Sabeco. Bộ Công Thương là đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với phần vốn góp tại Sabeco (89%), quản lý vốn nhà nước thông qua bộ phận quản lý vốn Nhà nước.

Theo đề nghị của Sabeco, tháng 12/2007, Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín đồng ý chủ trương cho công ty này làm chủ đầu tư thực hiện dự án xây dựng khu phức hợp khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại hội nghị, cao ốc văn phòng cho thuê tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng.

Tháng 4/2014, bộ phận quản lý vốn Nhà nước tại Sabeco do ông Phan Đăng Tuất (chủ tịch HĐQT, phụ trách bộ phận quản lý vốn Nhà nước tại Sabeco) và nhiều thành viên ký công văn đề xuất Bộ Công Thương cho hợp tác với nhóm nhà đầu tư mới, thành lập công ty cổ phần để thực hiện dự án.

Phương án được đề xuất là: Sabeco sẽ góp 26% vốn điều lệ (18% tiền mặt và 8% giá trị lợi thế); các cổ đông còn lại góp vốn bằng tiền mặt và nộp 1.236 tỷ đồng tiền sử dụng đất cùng tiền nộp phạt quá hạn; các cổ đông còn lại cam kết thu xếp nguồn tiền cho việc triển khai dự án theo đúng tiến độ. Sabeco sẽ chuyển giao quyền sử dụng khu đất cho công ty cổ phần này.

Lãnh đạo Bộ Công Thương chấp thuận

Ngày 17/6/2014, ông Phan Chí Dũng (Vụ trưởng Công nghiệp nhẹ) tham mưu cho bà Hồ Thị Kim Thoa (Thứ trưởng Bộ Công thương) trả lời đề xuất của Sabeco. Bà Thoa yêu cầu Dũng báo cáo xin ý kiến Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trước khi bà ký văn bản. Ông Hoàng sau đó đã bổ sung vào dự thảo văn bản nội dung: Việc lựa chọn nhà đầu tư cụ thể, tổng công ty phải báo cáo Bộ để được xem xét quyết định.

Bà Thoa, ông Hoàng, ông Dũng cùng "giúp" doanh nghiệp thâu tóm khu đất 2-4-6

Ba ngày sau, bà Thoa ký công văn đồng thời bổ sung ý kiến của Bộ trưởng vào văn bản: Bộ Công thương đồng ý với đề nghị của bộ phận quản lý vốn Nhà nước về việc lựa chọn nhóm nhà đầu tư mới thay thế nhà đầu tư cũ để triển khai dự án... Bộ phận quản lý vốn nhà nước có ý kiến với HĐQT và ban điều hành khẩn trương triển khai dự án.

Được lãnh đạo Bộ Công Thương chấp thuận chủ trương, bà Phạm Thị Hồng Hạnh (tổng giám đốc Sabeco, thành viên bộ phận quản lý vốn nhà nước) đề nghị UBND TPHCM xác định lại giá trị quyền sử dụng đất.

Tháng 2/2015, đại diện của Sabeco đã ký hợp đồng hợp tác với công ty cổ phần Attland, công ty cổ phần đầu tư thương mại và dịch vụ Hà An, công ty cổ phần đầu tư Mê Linh thành lập công ty cổ phần Sabeco Pearl, vốn điều lệ gần 485 tỷ đồng.

Hai tháng sau, ông Tuất ký công văn đề nghị UBND TPHCM duyệt cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư và được nộp tiền quyền sử dụng đất. Ngày 30/6/2015, ông Nguyễn Hữu Tín ký công văn chấp thuận cho công ty Sabeco Pearl thuê khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng với giá hơn 997 tỷ đồng trong thời hạn 50 năm.

ông Nguyễn Hữu Tín.

Một tuần sau, ông Đào Anh Kiệt (Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TPHCM) ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản gắn liền với khu đất cho công ty Sabeco Pearl.

Theo đề xuất của lãnh đạo Sở Quy hoạch kiến trúc TPHCM, ông Tín sau đó tiếp tục ký công văn chấp thuận về việc điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc xây dựng bổ sung thêm chức năng căn hộ ở cho dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng.

Ngừng mọi giao dịch, chuyển nhượng

Ngày 6/1/2016, sau khi được TPHCM chấp thuận cho Sabeco Pearl đứng tên khu đất và điều chỉnh công năng dự án, bà Huỳnh Phương Thảo (Chủ tịch HĐQT công ty Attland), Võ Thị Kim Thoa (Chủ tịch HĐQT công ty Hà An), ông Lý Trường An (Chủ tịch HĐQT công ty Mê Linh) cùng ký công văn gửi Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.

Đến ngày 15/1/2016, nhóm nhà đầu tư này tiếp tục ký công văn gửi ông Vũ Huy Hoàng đề nghị được mua lại toàn bộ phần vốn góp 26% của Sabeco.

Ông Vũ Huy Hoàng chấp thuận cho tổng công ty Sabeco thoái vốn.

Bốn ngày sau, Vụ trưởng Phan Chí Dũng báo cáo ông Hoàng và bà Thoa là việc thoái vốn của Sabeco tại Sabeco Pearl là phù hợp với chủ trương của Chính phủ, đồng thời đề xuất Bộ trưởng chỉ đạo tổng công ty Sabeco thực hiện các thủ tục và phương án thoái vốn tại Sabeco Pearl.

Theo kết quả thẩm định giá, 14,7 triệu cổ phần (tương đương 26% vốn nhà nước) của Sabeco sau khi được điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch bổ sung chức năng căn hộ có giá 14.433 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, ông Dũng báo cáo ông Hoàng và đề xuất phê duyệt giá 13.247 đồng/cổ phần (chưa được bổ sung chức năng căn hộ) làm giá sàn để thực hiện thoái vốn.

Ông Hoàng và bà Thoa sau đó đều có ý kiến và chỉ đạo phê duyệt giá sàn là 13.247 đồng/cổ phần. Theo đó, 26% vốn của Sabeco đã được công ty Attland mua lại với tổng giá trị 196,645 tỷ đồng.

Hiện, công ty cổ phần đầu tư quảng trường Mê Linh (tiền thân là Công ty Sabeco Pearl), doanh nghiệp 100% vốn tư nhân, là đơn vị đứng tên quyền sử dụng đất khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng.

Theo cơ quan giám định, giá trị quyền sử dụng đất thời điểm Bộ Công Thương phê duyệt giá sàn 13.247 đồng/cổ phần (1/4/2016) theo chỉ tiêu quy hoạch của thành phố có thêm chức năng căn hộ ở là hơn 2.505 tỷ đồng. Giá trị quyền sử dụng đất thời điểm cơ quan điều tra khởi tố vụ án tháng 11/2018, là hơn 3.816 tỷ đồng. Đây cũng là hậu quả thiệt hại cơ quan điều tra xác định do hành vi sai phạm của các bị can trong vụ án gây ra.

Hiện, nhà chức trách đề nghị UBND TPHCM ngừng mọi giao dịch, chuyển nhượng cổ phần, thay đổi người đại diện pháp luật của công ty cổ phần đầu tư quảng trường Mê Linh, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại trụ sở là khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng...

Tác giả: Xuân Duy

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP