Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ (phải) kiểm tra trước khi chấm thi ở Bắc Ninh - Ảnh: Tuệ Nguyễn |
Điểm cao nhất môn ngữ văn là 9,25
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, đến ngày 10.7, nhiều địa phương đã hoàn tất việc chấm thi THPT quốc gia 2019.
Hà Nội, nơi có số bài thi lớn nhất, cũng đã chấm xong và gửi dữ liệu về Bộ GD-ĐT, hoàn tất việc lên điểm vào ngày 10.7. Tuy nhiên, đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết chưa có thống kê về kết quả thi năm nay.
Theo Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định, toàn bộ bài thi của thí sinh tỉnh này đã được chấm xong. Trong đó, ở môn ngữ văn, Nam Định dẫn đầu cả nước về số bài có điểm từ 8 trở lên và số lượng bài thi đạt điểm cao nhất trong toàn quốc, theo số liệu thống kê được tính đến thời điểm này.
Cụ thể, Nam Định có tới 574 bài thi ngữ văn đạt từ 8 điểm trở lên, trong đó 22 bài từ 9 điểm trở lên. Nam Định cũng có số bài thi môn ngữ văn đạt điểm từ trung bình trở lên chiếm tỷ lệ cao (89,6%). Tuy nhiên, thí sinh tại địa phương này cũng có 18 bài thi ngữ văn bị điểm liệt (1 điểm trở xuống). Đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định cho biết đã thực hiện “giám sát đặc biệt” đối với việc chấm thi tự luận môn ngữ văn. Tỉnh này đã chấm kiểm tra lại trên 30% trong 18.039 bài thi môn ngữ văn, trong khi yêu cầu của Bộ GD-ĐT chỉ là tối thiểu 5%.
Ninh Bình cũng đã hoàn tất việc chấm thi và gửi dữ liệu cuối cùng về Bộ GD-ĐT ngày 9.7. Theo một lãnh đạo ban chấm thi tự luận của tỉnh này, điểm cao nhất là 9 điểm và toàn tỉnh có 2 bài thi đạt mức điểm này. Ngược lại, cũng có một số bài điểm liệt. Phổ điểm trung bình từ 5 - 7 chiếm đa số.
Theo Sở GD-ĐT Hải Phòng, chiều 7.7, TP này cơ bản đã chấm xong môn ngữ văn. Trong số 15.747 bài thi ngữ văn đã nhập điểm, có 1 điểm 9; bài đạt điểm 7 trở lên chiếm 12,53%; phổ điểm trung bình từ 5 - 7, đạt tỷ lệ 62,90%; bài có điểm dưới 5 chiếm 24,56%; số bài điểm 0 là 17.
Các địa phương đã gửi kết quả về Bộ GD-ĐT
Cuối ngày 10.7, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết tuyệt đại đa số các địa phương đã hoàn tất việc chấm thi THPT quốc gia 2019 và gửi kết quả về Bộ. Phần mềm chấm thi năm nay dù có nhiều thay đổi theo hướng chặt chẽ hơn, bảo mật hơn nhưng được cho là vận hành trơn tru, đúng tiến độ. “Việc chấm thi ở các địa phương, kể cả bài thi tự luận và trắc nghiệm, đều diễn ra đúng quy trình, đúng tiến độ, không có vấn đề gì lớn khiến Bộ GD-ĐT phải chấn chỉnh”, ông Trinh nói.
Cũng theo ông Trinh, với tình hình chấm thi như vậy có thể khẳng định việc công bố kết quả thi vào ngày 14.7 theo dự kiến là hoàn toàn khả thi. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, chậm nhất ngày 13.7, các hội đồng thi xuất kết quả thi từ phần mềm hỗ trợ chấm thi do Bộ GD-ĐT cung cấp ra 2 đĩa, 1 đĩa được lưu tại Sở GD-ĐT theo chế độ bảo mật, 1 đĩa được gửi bảo đảm ở chế độ mật về Cục Quản lý chất lượng để cập nhật kết quả thi vào hệ thống quản lý thi. Ngay sau khi cục này cập nhật kết quả thi vào hệ thống quản lý thi, các hội đồng thi sử dụng đĩa lưu trữ tại đơn vị đối chiếu với kết quả trên hệ thống, nếu có bất thường phải báo cáo ngay về Bộ GD-ĐT để xử lý. Hoàn thành việc đối sánh kết quả thi chậm nhất vào ngày 13.7.
Chậm nhất ngày 16.7, các sở GD-ĐT phải cập nhật danh sách thí sinh được công nhận tốt nghiệp THPT vào hệ thống quản lý thi. Ngày 18.7 là hạn cuối cùng công bố kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT sơ bộ.
Thay đổi cách tính điểm xét tốt nghiệp Một điểm mới đáng lưu ý năm nay là sự thay đổi trong cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT. Theo đó, điểm xét tốt nghiệp gồm: điểm các bài thi thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) và điểm trung bình cả năm lớp 12; điểm của từng bài thi được quy về thang điểm 10 để tính điểm xét tốt nghiệp. So với các năm trước, điểm xét tốt nghiệp năm 2019 sẽ thay đổi theo tỷ lệ 70% (kết quả bài thi THPT quốc gia) và 30% (điểm trung bình học lực và rèn luyện cả năm lớp 12), thay vì tỷ lệ 50% (bài thi THPT quốc gia) và 50% (điểm trung bình cả năm lớp 12) như các năm trước. |
Tác giả: Tuệ Nguyễn
Nguồn tin: Báo Thanh niên