Giáo dục

Đã có thí sinh đạt điểm 9 môn Ngữ văn THPT quốc gia 2018

Đến thời điểm hiện tại, Sở GD&ĐT Phú Thọ đã chấm gần 50% bài thi môn Ngữ văn, theo thống kê bước đầu đã có thí sinh đạt điểm 9 và trên 9 điểm.

Phổ điểm thi năm nay của môn Ngữ văn sẽ từ 6 - 8

Ông Nguyễn Minh Tường, Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ cho biết, số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 27%. Phổ điểm chủ yếu từ 6 đến 8. Một số ít bài bị điểm dưới 2. Không có bài thi bị điểm 0.

Được biết, đối với việc chấm bài thi tự luận rất nghiêm ngặt, chấm theo 2 vòng độc lập. Nếu chấm chênh lệch 0,5 điểm sẽ được bố trí theo dõi chấm lại, xác định nguyên nhân và kết quả xử lý thống nhất của 2 cán bộ chấm thi nhằm phòng ngừa các sai sót.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT cho biết, trong quá trình được chấm 2 vòng độc lập. Mỗi vòng chấm được triển khai ở vòng riêng biệt. Đồng thời triển khai việc chấm tiến độ tối thiểu 5% để đảm bảo tiến độ chấm và đặc biệt là chất lượng chấm thi giữa hai vòng.

Ông Trinh cho hay, qua thực tế cho thấy, các hội đồng thi đã triển khai hướng dẫn chấm một cách cụ thể, chi tiết cho nên việc chấm thi hiện nay đang diễn ra thuận lợi, trong đó thì việc đánh phách và việc kiểm tra tình trạng niêm phong của túi đựng bài thi, năm nay theo các giải pháp kỹ thuật thực hiện đã cho thấy có tác dụng rất là tốt.

Và qua thực tế kiểm tra cho thấy, các địa phương đã thực hiện tốt khâu này. Đây là một giải pháp kỹ thuật để đảm bảo rằng túi đựng bài thi được đựng an toàn và còn niêm phong trước khi đưa vào khâu chấm thi.

Nhận xét về phổ điểm đề thi Ngữ văn năm nay, cô giáo Nguyễn Thị Tố Nga, giáo viên Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội đánh giá, đề đảm bảo mức độ phân hoá, phát huy được tính sáng tạo của học sinh. Ở phần làm văn, đây là câu hỏi phân hoá mức độ cao. Với đề thi này, theo tôi học sinh chủ yếu được 5-6 điểm, điểm 8 trở lên dành cho những học sinh giỏi.

Cô giáo Vũ Thị Bình, giáo viên Trường Trần Phú, Hà Nội cho rằng, ở câu 1 nghị luận xã hội, hỏi về "đánh thức tiềm lực", đây là câu hỏi không phải học sinh nào cũng làm tốt, bởi đây là vấn đề sâu, không phải em nào cũng có thể hiểu thấu đáo. Riêng phần này đã phân hóa rồi, em nào làm tốt được câu này, chứng tỏ đó là học sinh nắm tương đối chắc kiến thức xã hội, có tư tưởng đúng đắn, có ý thức trách nhệm với sự phát triển của đất nước, thấy được trách nhiệm công dân. Đề này có ý nghĩa định hướng được suy nghĩ tích cực cho học sinh.

Với câu 2 nghị luận văn học, đề có sự liên hệ, so sánh 2 tác phẩm văn xuôi, kiến thức đều là những vấn đề cơ bản, các em đều có thể nắm được vấn đề này. Những bạn học tốt sẽ hiểu hơn, nắm chắc hơn. Tuy nhiên, kiến thức hơi dài và rộng cho nên đòi hỏi học sinh phải có kỹ năng xử lý kiến thức phù hợp với thời gian làm bài mới đảm bảo được cấu trúc và kiến thức trong bài văn nghị luận.

Cô Bình nhận định, với đề thi này, học sinh sẽ làm được từ 60-80%, đương nhiên có những em ở mức độ cao hơn nên phổ điểm trung bình sẽ từ 6-8 điểm.

Cô Vũ Đỗ Quyên, giáo viên Trường THPT Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội cho hay, đoạn thơ trích trong “Đánh thức tiềm lực” của Nguyễn Duy, phạm vi kiến thức thể hiện sự xuyên suốt chương trình 3 năm học, từ thể thơ, biện pháp tu từ. Vì vậy, thí sinh có lực học trung bình có thể làm được.

Phần làm văn, nội dung câu hỏi nghị luận xã hội, suy nghĩ về sứ mệnh của mỗi cá nhân trong việc đánh thức tiềm lực đất nước. Đề thi có ý nghĩa phân loại học sinh, nhắc nhở trách nhiệm cá nhân với sự phát triển của đất nước của dân tộc, từ nhận thức đến đánh thức tiềm lực, để hiểu và bình luận, không phải học sinh nào cũng làm được tốt. Đề thi như vậy, có giá trị phân loại, học sinh đạt điểm cao là câu hỏi này.

Tác giả: Nhật Hồng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP