Kết hợp linh hoạt các hình thức tuyên truyền
Đồn BP Mỹ Lý đóng quân trên địa bàn xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 46km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào, trong đó có 25km đường biên giới trên sông, 21km đường biên giới trên bộ và 9 mốc quốc giới. Địa bàn đồn quản lý có địa hình núi cao hiểm trở, đi lại khó khăn, là nơi cư trú của 3 dân tộc sinh sống (Thái, Mông, Khơ Mú), với tổng dân số khoảng 1.938 hộ/10.072 khẩu. Trình độ dân trí thấp, nhận thức về pháp luật của bà con còn hạn chế, một số tập tục lạc hậu còn tồn tại. Bên cạnh đó, tình trạng mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy, tội phạm hình sự, trộm cắp, di cư tự do, vi phạm quy chế biên giới, khiếu kiện... diễn biến phức tạp.
Cán bộ Đồn Biên phòng Mỹ Lý tuyên truyền lưu động trên địa bàn. Ảnh: Tú Nguyên |
Theo Trung tá Nguyễn Ngọc Tú, Chính trị viên Đồn BP Mỹ Lý, thời gian qua, công tác tuyên truyền, PBGDPL đến với người dân gặp nhiều rào cản vì giao thông đi lại khó khăn, mặt bằng dân trí thấp. Trong khi đó, địa bàn rất rộng, quân số của đơn vị mỏng, thường xuyên phân tán. Tuy nhiên, khi Đề án “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo” được triển khai, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị như được “tăng lực”, công tác tuyên truyền nhờ đó cũng được thực hiện bài bản, nền nếp hơn.
Từ thực tế triển khai công tác tuyên truyền, PBGDPL cho người dân trên địa bàn, Trung tá Nguyễn Ngọc Tú đúc kết, muốn tuyên truyền có hiệu quả phải nắm rõ đặc điểm tâm lý của người dân để kết hợp linh hoạt các biện pháp tuyên truyền. Với mỗi nhóm đối tượng khác nhau cần xây dựng nội dung và lựa chọn cách thức tuyên truyền khác nhau sao cho phù hợp với tâm tư của họ. “Khi tổ chức tuyên truyền tập trung, chúng tôi phải làm tốt công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, thông báo, vận động người dân tới địa điểm tập trung đông đủ. Quá trình tuyên truyền, chúng tôi kết hợp trình chiếu minh họa với nói chuyện; xen kẽ với tuyên truyền phải bố trí thời gian nghỉ giải lao, chiếu phim hoặc biểu diễn các tiết mục văn nghệ cho người dân xem” - Chính trị viên Tú chia sẻ.
Theo anh Tú, để công tác tuyên truyền, PBGDPL phù hợp với đặc điểm tình hình ở địa bàn, cán bộ đơn vị đã thu âm nội dung tuyên truyền theo các chuyên đề, sau đó buộc loa phóng thanh vào xe máy, để tiến hành tuyên truyền lưu động tại khu vực chợ, trung tâm bản, những nơi tập trung đông người... “Địa bàn đơn vị quản lý là 2 xã miền núi đặc biệt khó khăn, có thôn bản chưa có đường giao thông và điện lưới. Đặc biệt, ở các thôn bản giáp biên, dân cư rất thưa thớt. Bà con thường đi làm nương từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Vì thế, việc tổ chức tuyên truyền tập trung rất khó khăn. Để đỡ tốn công đi lại, không ảnh hưởng đến việc làm của người dân, đồng thời tạo tâm lý thoải mái cho bà con, chúng tôi nảy ra ý tưởng đi tới các thôn bản phát loa tuyên truyền” - Trung tá Nguyễn Ngọc Tú cho biết.
Trong những năm gần đây, Đồn BP Mỹ Lý mở rộng thêm đối tượng tuyên truyền, PBGDPL tới học sinh trung học cơ sở, mỗi năm tổ chức 4 đợt. Đây được coi như môn học trong nhà trường. Mục đích hướng tới của những giờ học này là cung cấp cho học sinh những kiến thức về biên giới, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cư dân vùng biên... Với những kiến thức được trang bị, các em học sinh sẽ có nhận thức tốt, nâng cao ý thức bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới, cũng như ý thức cảnh giác trước các loại tội phạm.
Xây dựng cốt cán trong nhân dân
Một trong những nhân tố quan trọng để đưa pháp luật đến với người dân dễ dàng và hiệu quả hơn là việc xây dựng nhân tố con người: Quá trình bám nắm địa bàn phải xây dựng được nhân cốt là các già làng, trưởng bản, người có uy tín. Đây là những hạt nhân nòng cốt để hướng dẫn, thành lập các tổ, đội tuyên truyền, PBGDPL. Thực hiện điều này, Đồn BP Mỹ Lý tham mưu cho chính quyền 2 xã xây dựng tủ sách pháp luật với 34 đầu sách pháp luật và các túi sách pháp luật di động.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng tham mưu xây dựng các Câu lạc bộ tư vấn pháp luật, Tổ hòa giải ở cơ sở và 2 Tổ tuyên truyền, PBGDPL, mỗi tổ có từ 10 đến 15 người, được trang thiết bị gọn nhẹ, chủ yếu là bộ máy chiếu, âm ly, loa đài, ti vi, máy tính xách tay... đảm bảo cơ động đến các bản. Đồng thời, đơn vị đã thực hiện tốt Ngày Pháp luật với gần 2.400 lượt người được tư vấn; phối hợp với địa phương xây dựng các cụm pa nô, áp phích, phát tờ rơi, tờ gấp, treo băng rôn, khẩu hiệu tại các bản và khu vực đông dân cư... có nội dung tuyên truyền dễ hiểu, dễ nhớ, bằng cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc.
Trung tá Nguyễn Ngọc Tú cho biết, đến nay, công tác PBGDPL đã tạo nhiều chuyển biến tích cực, mang lại hiệu quả trong cộng đồng dân cư. Các bản đã xây dựng được quy chế, hương ước đúng quy trình, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân được nâng lên. Các vụ việc trong gia đình, thôn bản được hòa giải kịp thời. Tình trạng vi phạm pháp luật đã giảm hơn trước, năm 2017, trên địa bàn Đồn Biên phòng Mỹ Lý quản lý, xảy ra 12 vụ/ 17 đối tượng, giảm 31 vụ so với trước khi triển khai Đề án (năm 2013).
Đến nay, Đồn BP Mỹ Lý đã xây dựng 25 Tổ an ninh trật tự thôn, bản; 3 Tổ dân cư và 5 gia đình tự nguyện đăng ký tự quản đường biên, cột mốc. Chỉ tính riêng năm 2017, Đồn BP Mỹ Lý đã tổ chức 12 đợt/72 buổi tuyên truyền, PBGDPL với 6.430 lượt người tham gia. Qua các đợt tuyên truyền, Đồn BP Mỹ Lý đã vận động 750 hộ cam kết thực hiện 5 không (không mua bán, không tàng trữ, không sử dụng ma túy, không trồng, không tái trồng cây thuốc phiện); phát và thu 448 phiếu tố giác tội phạm, qua đó đã phát hiện thêm 39 đối tượng có liên quan đến hoạt động ma túy trên địa bàn. |
Tác giả: Bích Nguyên
Nguồn tin: Báo Biên phòng