Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An). |
Từ sáng nay (26/10), Quốc hội dành 2 ngày thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2019.
Phát biểu đầu tiên, Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho biết, bước vào kỳ họp này, ông rất phấn khởi trước những thành công của đất nước. Nhiều chỉ số ấn tượng như: GDP đạt mục tiêu 6,7%, xuất khẩu tăng mạnh, nợ công giảm xuống còn 61,4% GDP, nông nghiệp khởi sắc...
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, tất cả lĩnh vực đều vẫn có vấn đề, khía cạnh chưa ổn, chưa an tâm, hoặc chưa hiệu quả.
Ông Trí dẫn trường hợp vốn đầu tư FDI cho thấy, công nghệ chưa đạt kết quả mong muốn, nhiều công nghệ cũ và lạc hậu, ô nhiễm môi trường, giải ngân thấp chỉ đạt trên 50%.
"Tôi rất mừng vì Thủ tướng đã khẳng định không phải bằng mọi giá để đổi lấy FDI. FDI tôi nói là thật là có ngay trong dân, nếu tìm được cơ chế thì con số này tăng lên thôi", ông Trí nói.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cũng đồng tình cho rằng, đến nay nhiều chỉ số vĩ mô tích cực như: GDP đạt 6,57% giai đoạn 2016-2018, nợ công giảm từ 63,7% xuống 61,4% vào 2018, nợ xấu giảm, FDI tăng kỷ lục lên 18 tỷ USD trong năm 2018, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đứng đầu về nhiều mặt hàng...
"Môi trường đầu tư minh doanh tiếp tục cải thiện, kết quả phong trào đấu tranh phòng chống tham nhũng làm nức lòng cử tri cả nước", đại biểu nói.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết, cử tri còn nhiều tâm tư, băn khoan lo lắng về vấn nạn thất thoát, lãng phí đầu tư công còn lớn.
"Nếu như đầu nhiệm kỳ các đại biểu Quốc hội lên tiếng phản ứng gay gắt về 12 dự án thất thoát lãng phí hàng nghìn tỷ của Bộ Công Thương, bây giờ lại phát sinh nhiều dự án thất thoát lãng phí của Bộ Giao thông Vận tải quản lý", ông nói.
Ông dẫn chứng: "Điển hình như dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hơn 34.000 tỷ đồng, mới đưa vào sử dụng nhưng chỉ sau vài cơn mưa đã hỏng. Dự án đường sắt Hà Đông - Cát Linh đội vốn hơn 18.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành 2013 nhưng đã quá 6 năm vẫn chưa vận hành. Còn dự án đường sắt đô thị tuyến Bến Thành - Suối Tiên (TP HCM) cũng đội vốn hơn 47.320 tỷ, tăng 273%, dự kiến đưa vào sử dụng vào cuối năm 2018, mới hoàn thành 52% khối lượng công việc".
Theo ông Cầu, tính toán Bộ Giao thông Vận tải cho thấy, có 27/42 dự án phải điều chỉnh tăng thêm vốn.
"Cứ điều chỉnh vốn, chậm đua vào sử dụng thì sẽ thất thoát, lãng phí là nhiều vô kể. Đề nghị Quốc hội cần xử lý nghiêm việc này, nhất là khi Bộ này chuẩn bị làm các dự án lớn như Cao tốc và sân bay Long Thành, với số vốn hàng triệu tỷ đồng, thì thất thoát lãng phí là điều khó tránh khỏi", ông nhấn mạnh.
Đại biểu Cầu cũng điểm ra một số khó khăn khác tồn tại trong nền kinh tế, như thu ngân sách 2018 tuy tăng 3% so với dự toán nhưng sụt giảm mạnh so với những năm gần đây. Trong đó, hai thành phố lớn là Hà Nội, TPHCM đều hụt thu trong 2 năm liên tiếp; nợ thuế lớn lên tới hơn 83.000 tỷ đồng.
Tác giả: Phương Dung
Nguồn tin: Báo Dân trí