Bí thư Huyện ủy Đô Lương Ngọc Kim Nam điều hành phiên thảo luận Tổ 1. Ảnh: Mai Hoa |
Cùng dự phiên thảo luận Tổ 1 có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Viết Đường - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện các sở, ngành cấp tỉnh và Thường trực HĐND 3 huyện, thị xã. |
Băn khoăn chỉ tiêu thu ngân sách
Đại biểu Trần Văn Hùng (thị xã Thái Hòa) băn khoăn khi chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII đề ra chỉ tiêu thu ngân sách vào năm cuối nhiệm kỳ 2020 đạt 25.000 - 30.000 tỷ đồng; trong đó chỉ tiêu thu ngân sách năm 2019 tới chỉ đạt ra tổng thu ngân sách là 13.498 tỷ đồng.
Đại biểu Hùng cũng đề nghị UBND tỉnh trong chỉ đạo, điều hành cần quan tâm thu hút các dự án lớn, gắn với tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh nhằm tăng nguồn thu.
Đại biểu Trần Văn Hùng - Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh băn khoăn về chỉ tiêu thu ngân sách năm 2019. Ảnh: Mai Hoa |
Cũng quan tâm đến thu ngân sách, đại biểu Trần Duy Ngoãn (thị xã Hoàng Mai) cho rằng, chỉ tiêu thu ngân sách năm 2019 so với tổng thu ngân sách năm 2018 đã đạt 13.141,6 tỷ đồng thì chỉ tăng 357 tỷ đồng.
Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2019 được tỉnh đề ra là 9 – 9,5% và thu nhập bình quân đầu người từ 38 triệu đồng (năm 2018) lên 42 – 43 triệu đồng (năm 2019), liệu có mâu thuẫn.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý cho biết, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh trong 3 năm qua, trừ tiền thu quyền sử dụng đất thì đều không đạt dự toán Bộ Tài chính giao. Và năm 2019 này, trên cơ sở rà soát thực tế tại một số tỉnh, trong đó có Nghệ An, Bộ Tài chính đã có điều chỉnh dự toán thu ngân sách phù hợp với thực tế hơn và theo đó dự toán thu của tỉnh giảm hơn các năm trước.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý giải trình một số ý kiến tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Mai Hoa |
Mặt khác, mặc dù chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2019 đặt ra cao, nhưng tốc độ tăng thu ngân sách không đặt ra tương ứng, bởi trên địa bàn tỉnh ta hiện nay có một số ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp có đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế lớn, nhưng không phát sinh tăng trưởng nguồn thu, như gỗ, tôn Hoa Sen, xi măng, may mặc và một số doanh doanh nghiệp đầu tư vào KCN VSIP, Hemaraj, đều trong giai đoạn được miễn thuế trong thời gian 5 năm đầu. Hay trong sản xuất nông nghiệp cũng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế rất lớn, nhưng không phát sinh tăng nguồn thu.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng nêu giải pháp tăng thu, bên cạnh đôn đốc thu hồi nợ thuế và chống thất thu thuế trên các lĩnh vực, các ngành và địa phương cũng cần đồng hành với tỉnh tạo mọi điều kiện để thu hút các dự án lớn, nhà đầu tư chiến lược; gắn với đó là tiết kiệm chi thường xuyên.
Nhiều tác động tiêu cực trong khai thác khoáng sản chậm được giải quyết. Ảnh: Mai Hoa |
Nhiều bức xúc chậm được giải quyết
Quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường, đại biểu Ngọc Kim Nam (huyện Đô Lương) nêu 3 vấn đề cần được tỉnh quan tâm nghiên cứu quy hoạch xử lý nước thải; quy hoạch bãi rác thải và quy hoạch nghĩa trang để vừa giải quyết các vấn đề trước mắt, vừa đảm bảo lâu dài. Gắn với đó cần có hướng xử lý về tình trạng ô nhiễm môi trường từ Nhà máy Xi măng Sông Lam liên quan đến khói bụi, tiếng ồn và nước thải.
Liên quan đến vấn đề ô nhiễm từ Nhà máy Xi măng Sông Lam, đại biểu Võ Duy Việt (thị xã Thái Hòa) cho rằng, đây là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh trong nhiệm kỳ này. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất đã có tác động tiêu cực đến môi trường như nhân dân và chính quyền phản ánh.
Và thực tế thời gian qua, huyện Đô Lương đến Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có kiểm tra và xử phạt 500 triệu đồng. Để khắc phục vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành và địa phương vào cuộc; trong đó vấn đề cần quan tâm là yêu cầu chủ đầu tư chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Đại biểu Võ Duy Việt (thị xã Thái Hòa) cho rằng, cần có sự giám sát của các ngành và địa phương đối với tình trạng ô nhiễm môi trường tại Nhà máy Xi măng Sông Lam. Ảnh: Mai Hoa |
Trước mắt, theo đại biểu Võ Duy Việt, doanh nghiệp cần phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động theo quy định và kết nối dữ liệu quan trắc về trung tâm điều khiển của tỉnh để giám sát 24/24 giờ; đồng thời thực hiện việc xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn quy định trước khi thải ra môi trường.
Bên cạnh trách nhiệm của chủ đầu tư, cũng đặt ra trách nhiệm cho các cấp, các ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương trong việc giám sát chặt chẽ vấn đề môi trường nơi đây để đảm bảo cuộc sống cho người dân.
Một vấn đề cũng được đặt ra trong thảo luận tổ 2, đó là công tác cải cách hành chính. Đại biểu Lê Đình Lý (huyện Đô Lương) thừa nhận, công tác cải cách thủ tục hành chính đang là khâu yếu; thể hiện ở nhiều thủ tục còn rườm rà, trong đó có những thủ tục không cần thiết nhưng cán bộ, công chức thực thi vẫn yêu cầu như photocopy chứng minh thư, sổ hộ khẩu; việc niêm yết, công khai thủ tục hành chính ở một số ngành, địa phương chưa đúng quy định; việc giải quyết thủ tục hành chính ở nhiều địa phương không thực hiện ở bộ phận “một cửa” mà tại các phòng chuyên môn.
Đại biểu Lê Đình Lý thừa nhận công tác cải cách thủ tục hành chính đang là khâu yếu. Ảnh: Mai Hoa |
Đại biểu Lê Đình Lý cũng thừa nhận, thông qua kiểm tra, giám sát vẫn còn một số cán bộ, công chức ý thức chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính chưa nghiêm. Những vấn đề nêu trên đang làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào cơ quan quản lý Nhà nước các cấp.
Cũng tại tổ 1, nhiều đại biểu đặt ra nhiều vấn đề tồn tại và đề xuất UBND tỉnh tiếp tục quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành để có những cải thiện trong năm 2019. Đó là nợ đọng BHXH; hành nghề y, dược tư nhân; luân chuyển giáo viên; giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân thông qua xây dựng nông thôn mới; ô nhiễm môi trường trong khai thác khoáng sản…
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý đã tiếp thu các ý kiến đại biểu nêu và hứa sẽ có giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt trong năm 2019 nhằm từng bước khắc phục các vấn đề đặt ra. Chủ tịch UBND tỉnh cũng khẳng định, để công tác cải cách hành chính thực sự có chuyển biến thật sự, điều quan trọng là người đứng đầu các ngành, các địa phương cần quyết liệt; gắn với đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, nhằm hạn chế việc doanh nghiệp và người dân tiếp xúc trực tiếp với đội ngũ cán bộ, công chức trong giải quyết công việc, từ đó giảm tiêu cực và sự phiền hà, sách nhiễu.
Tác giả: Mai Hoa
Nguồn tin: Báo Nghệ An