Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý: "Dự thảo luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) còn thiếu gì đó để ngăn chặn việc chính lực lượng phòng chống tham nhũng lại đi tham nhũng". |
Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận chiều 6/9 về dự thảo luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) trong khuôn khổ hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý nêu dẫn chứng đó để thuyết phục cho việc cần tổ chức lại các cơ quan có nhiệm vụ phòng chống tham nhũng.
Đại biểu Thuý nêu kỳ vọng, với việc sửa luật lần này, nhà nước sẽ lập được một cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng bằng nguồn nhân lực rút từ các bộ phận được giải tán khi bỏ Điều 71 của luật Phòng chống tham nhũng hiện hành.
Lý do, theo bà Thuý, quy định về trách nhiệm phòng chống tham nhũng của các cơ quan từ thanh tra, kiểm toán, viện kiểm sát, toà án… đều còn chung chung trong khi thực tế ai cũng biết là khả năng tự phát hiện, đấu tranh với tham nhũng trong nội bộ các cơ quan hiện vẫn là khâu yếu. Vậy cách thức tổ chức để kiểm soát lẫn nhau cần thiết kế lại.
Nữ đại biểu dẫn chứng, lâu nay kiểm toán được coi là 1 cơ quan tham gia chống tham nhũng, kiểm soát quyền lực nhưng kết quả kiểm toán phát hiện nhiều sai phạm nhưng số chuyển điều tra tham nhũng rất ít. Việc phát hiện sai phạm từ nội bộ các cơ quan cũng đều khó khăn.
“Nhiều cơ quan chống tham nhũng vậy nhưng thực tế thời gian qua, tôi nhận được nhiều thư nặc danh tố cáo về hoạt động của các đoàn thanh tra, kiểm toán… Tôi đang cầm một lá đơn đây, doanh nghiệp nêu rõ, mỗi đoàn thanh kiểm tra xuống, công ty đều phải bỏ phong bì 10-20 triệu đồng/lượt. Thậm chí nhận tiền rồi, thanh tra vẫn “gợi ý” ở cơ quan có 2-3 người khác cùng phụ trách vụ việc/địa bàn này nữa, rồi gợi ý là nên có quà mang về cho sếp, hoặc nếu vi phạm của doanh nghiệp chỉ nhỏ nhỏ, không moi được thì đoàn thanh kiểm tra lại doạ cung cấp thông tin họ có được cho báo chí. Vậy nên kiểu gì doanh nghiệp cũng phải chi tiền” – bà Thuý chìa lá đơn ra trước hội nghị.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý cũng dẫn lại chuyện “người thực việc thực”, tại một hội nghị diễn ra gần đây, lãnh đạo một doanh nghiệp phát biểu thẳng là trong 20 ngày của tháng đó, công ty của ông này phải tiếp 7 đoàn thanh, kiểm tra khác nhau. Doanh nghiệp thậm chí phải lập riêng một bộ phận chuyên để tiếp thanh tra, kiểm toán…
“Nói như vậy để thấy luật này còn thiếu gì đó để ngăn chặn việc chính lực lượng phòng chống tham nhũng lại đi tham nhũng, cũng giống như thực tế có tội phạm trong chính các cơ quan phòng chống tội phạm đã bộc lộ nhiều thời gian qua” – bà Thuý nhận xét.
Hot girl nhà nghèo bỗng giàu sang, có tài sản “khủng”
Về vấn đề xử lý tài sản của cán bộ không giải trình được nguồn gốc, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) tán thành phương án 1 nêu ra trong dự thảo luật là xem xét thông qua quy trình tố tụng tại toà án. Tuy nhiên, ông cũng băn khoăn về nội hàm quy định “giải trình không hợp lý về nguồn gốc tài sản”. Theo giải thích trong dự thảo luật, giải trình không hợp lý là giải trình không có căn cứ pháp luật về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm và cũng không phù hợp với thực tế hình thành tài sản, thu nhập tăng thêm đó.
“Các cụ nói giàu vì bạn sang vì vợ, trong trường hợp được bạn giúp mua nhà mua xe có phải bí mật đời tư không, một người thân với ai không thân với ai là quyền riêng tư được Hiến pháp bảo vệ, thế thì xử lý thế nào?” - ông Phương băn khoăn.
Nhắc lại câu hỏi vậy tài sản hình thành từ tiền vay của cá nhân có phải công khai không, nếu không công khai thì tài sản đó giải thích thế nào, đại biểu Phương cho rằng đó là chuyện riêng tư nếu đem đến toà thì Hiến pháp cũng đã có quy định bảo vệ quyền riêng tư rồi.
Từ lập luận này, đại biểu Phương cho rằng cần quy định rõ phạm vi đời tư không được khai thác thì phương án ra toà mới khả thi.
Có quan điểm khác, đại biểu Phan Văn Hoà (Đồng Tháp) vẫn ủng hộ phương án thu thuế vì nếu ra toà hoặc là trả lại toàn bộ nếu người có tài sản giải thích được nguồn gốc, hoặc là tịch thu toàn bộ. Mà nếu rõ nguồn gốc thì là thất thu thuế. Hơn nữa hiện nay toà án đã rất quá tải, nếu đưa qua toà loại việc này nữa thì sẽ khó khăn.
Tuy nhiên, đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) lại lập luận, có thể có băn khoăn về áp lực của toà nhưng đó là mong muốn của cử tri và đại biểu dân cử.
Ông Mai Sỹ Diến cũng quan tâm việc xác định đối tượng phải thực hiện kê khai tài sản, thu nhập trong luật vì cho rằng, đây là lỗ hổng trong Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành.
“Đối tượng kê khai tài sản lần đầu mà bỏ lọt, nói không biết tài sản của bố mẹ, con vị thành niên, anh chị… thì không phải là kẽ mà là cửa để chuyển tài sản tham nhũng. Như câu chuyện “hot girl” tuổi đời còn trẻ, gia đình nghèo mà bỗng nhiên giàu lên rất nhanh, sở hữu khối tài sản “khủng” mà chẳng thể làm được gì” - ông Mai Sỹ Diến nói.
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: Báo Dân trí