Tin trong tỉnh

Dân khốn khổ vì… “con đường trên giấy”

15 năm trước, ở thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An, cơ quan chức năng đã cắm mốc quy hoạch dự án đường cầu Hiếu 2 kéo dài đến đường N8. Nhưng cho đến nay, con đường vẫn nằm trên giấy, trong khi cuộc sống người dân đã và đang bị xáo trộn nghiêm trọng.

Đất rộng không thể xây nhà!

Sở hữu thửa đất gần 900m2, song bà Nguyễn Thị Tý (73 tuổi, trú xóm Bắc Ninh, xã Tây Hiếu, thị xã Thái Hòa, Nghệ An) không thể chia tách cho 3 người con đã lập gia đình để làm nhà ở, vì vướng quy hoạch. Gói ghém lại đồ dùng mùa đông đem đi cất, bà Tý bảo “giải phóng được chút nào hay chút đó. Phòng ốc chật chội quá, nắng lên là thở không nổi đâu”. Căn nhà cấp 4 được xây từ 40 năm trước, nay đã xuống cấp, vợ chồng bà Tý nhiều lần tính đập đi xây lại, nhưng rồi lại sợ lãng phí nên tiếp tục “cầm cự” chờ ngày được giải tỏa, di dời.

Anh Trinh Mạnh Linh - con trai bà Tý - cho biết, năm 2008, cơ quan chức năng đã cắm mốc quy hoạch dự án đường cầu Hiếu 2 kéo dài đến đường N8. Theo quy hoạch thì nhà anh bị thu hồi khoảng 2/3 diện tích đất. Chờ mãi vẫn không thấy triển khai, nên anh Linh đi xin tách thửa để xây nhà trên diện tích còn lại nằm ngoài dự án. Nhưng nguyện vọng của anh không được chấp nhận. Không còn cách nào khác, anh Linh đành mua ít tôn về ngăn tạm 1 phòng nhỏ trong gian nhà bếp để có không gian riêng tư. Đứa con nhỏ ngủ chung với bố mẹ, những đứa lớn hơn thì ngủ với bà nội.

Nhiều gia đình khác ở xóm Bắc Ninh cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi 3-4 thế hệ đang hằng ngày phải chung sống trong những căn nhà cũ kỹ, rệu rã. Chỉ tay ra căn phòng nhỏ khoảng 20m2 phía sau nhà, bà Lê Thị Thanh (68 tuổi, xóm Bắc Ninh) cho hay, nhà cũ quá chật chội nên con trai bà đành xây căn phòng nhỏ phía sau làm nơi ở cho vợ chồng và 2 đứa con. “Cũng chỉ xây tạm bợ để có chỗ để đồ đạc với cái giường ngủ. Còn chỗ tắm giặt, nấu ăn thì ở ngoài vườn” - bà Thanh nói.

Đứng nhìn mảnh đất rộng mênh mông trước nhà, ông Nguyễn Sỹ Điền (77 tuổi, xóm Bắc Ninh) rầu rĩ: “Thà rằng không có. Còn đằng này, đất mình mênh mông, nhưng muốn tách chia cho con ở riêng lại không được. Để chúng đi ở tản mát khắp nơi thấy có lỗi quá”. 3 người con của ông Điền đều đã có gia đình riêng. Sau khi lấy vợ, sinh con, con trai lớn chuyển về nhà vợ ở, con trai thứ đánh liều xây tạm nhà trên đất hành lang giao thông. “Ban đầu chỉ xây gần 30m2, nhưng sau đó vợ chồng tôi phải cơi nới thêm để đủ đặt 2 cái giường. Tiếng là nhà chứ mùa hè y như cái lò, điều hòa cũng chẳng ăn thua” - chị Cao Thị Vân - con dâu ông Điền - cho hay.

Mảnh vườn sau nhà bà Lê Thị Thanh được vợ chồng con trai dựng phòng tạm bợ để ra riêng - Ảnh: Phan Ngọc

Ông Phạm Văn Hùng - Trưởng xóm Bắc Ninh - cho biết, toàn xóm có 32 hộ dân nằm trong quy hoạch dự án đường cầu Hiếu 2 kéo dài đến đường N8. Dự án “nằm trên giấy” quá lâu khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn, nhiều gia đình phải chật vật chung sống 3 thế hệ trong 1 ngôi nhà. Có người trăn trở tìm cách tách bìa cho con làm nhà ở riêng nhưng đến lúc chết vẫn chưa toại nguyện. Người dân cũng đã nhiều lần kiến nghị trong các cuộc họp nhưng đều nhận được câu trả lời “tiếp tục chờ đợi”.

Chờ, chờ nữa, chờ mãi!

Ông Điền bảo rằng, mỗi lần thấy có cán bộ về kiểm tra, đo đạc đất đai là bà con lại kỳ vọng dự án sớm triển khai. Nhưng rồi đã 15 năm, dự án vẫn nằm trên giấy; nhà cửa, vườn tược của người dân vẫn giữ nguyên trạng với mong muốn sớm được đền bù để đi tìm nơi ở mới. “Con người ta phải an cư mới lạc nghiệp. Không thể chia đất, tách bìa cho con làm nhà đã đành, đằng này chúng nó muốn thế chấp sổ để vay tiền đầu tư làm ăn cũng không được” - ông Điền nói.

Ông Hồ Thanh Phong - Phó chủ tịch UBND thị xã Thái Hòa - cho biết, tuyến đường cầu Hiếu 2 kéo dài đến đường N8 là một hợp phần trong dự án đường N7, do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư, UBND thị xã Thái Hòa chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng. Tuyến đường này dài 600m, rộng 52m, được quy hoạch từ năm 2008, nhưng đến năm 2018 dự án mới chính thức được phê duyệt. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là trục đường lớn nhất thị xã Thái Hòa.

Lãnh đạo UBND thị xã Thái Hòa cũng cho biết thêm, địa phương rất mong dự án sớm được triển khai để không chỉ “gỡ khó” cho người dân mà còn để thị xã Thái Hòa được mở rộng không gian đô thị và phát triển. UBND thị xã Thái Hòa cũng đã kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An bố trí kinh phí để sớm giải phóng mặt bằng, song vì kinh phí quá lớn, hiện chưa có nguồn. “Lúc đầu dự tính cần khoảng 50 tỉ để giải phóng mặt bằng, nhưng hiện kinh phí giải phóng mặt bằng ở dự án này đã lên hơn 100 tỉ đồng. Ngoài ra, địa phương cũng đang tìm địa điểm thích hợp để bố trí tái định cư cho 25 hộ dân” - ông Hồ Thanh Phong cho biết.

Ông Phạm Hồng Quang - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An - thông tin, dự án đường cầu Hiếu 2 kéo dài được đầu tư với kinh phí gần 50 tỉ đồng, từ nguồn vay Ngân hàng Thế giới.

Hiện các thủ tục, kinh phí triển khai dự án đã sẵn sàng, song chưa thể thực hiện vì địa phương chưa có phương án để giải phóng mặt bằng. “Chỉ cần huyện giải phóng được mặt bằng là có thể triển khai dự án ngay. Vì đây là nguồn vốn vay, chỉ có kinh phí xây lắp chứ không có kinh phí giải phóng mặt bằng. Chúng tôi cũng đang làm việc với huyện để nghiên cứu, tìm hướng giải quyết. Huyện cũng rất quyết tâm, nhưng vì kinh phí giải phóng mặt bằng cả trăm tỉ nên chưa sắp xếp được. Chúng tôi cũng rất nóng ruột, vì nếu đến hết năm 2024 mà vẫn không thể triển khai thì nguồn vốn có thể sẽ bị cắt” - ông Phạm Hồng Quang nói.

Nhiều “con đường trên giấy” chưa biết khi nào mới triển khai

Năm 2008, thị xã Thái Hòa được thành lập trên cơ sở thị trấn Thái Hòa thuộc huyện Nghĩa Đàn và một số xã lân cận. Ông Hồ Thanh Phong - Phó chủ tịch UBND thị xã Thái Hòa - cho biết, sau khi thành lập, địa phương này quy hoạch nhiều tuyến đường để phát triển đô thị, trong đó có trục đường cầu Hiếu 2 kéo dài đến đường N8.

“Trên địa bàn còn có rất nhiều tuyến đường được quy hoạch. Có những tuyến quy hoạch đến năm 2040, chưa biết khi nào mới có kinh phí để triển khai” - ông Hồ Thanh Phong nói.

Tác giả: Phan Ngọc

Nguồn tin: phunuonline.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP