Các loại giấy tờ cần thiết khi đăng ký chuyển mạng giữ nguyên số:
- Người dùng cá nhân: CMND, Thẻ căn cước công dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực
- Người dùng là doanh nghiệp, tổ chức: Bản chính hoặc bản sao công chứng giấy đăng ký kinh doanh, giấy phép thành lập hoặc giấy phép hoạt động; bản chính giấy giới thiệu, giấy ủy quyền hợp pháp, CMND, Thẻ căn cước công dân hoặc Hộ chiếu của cá nhân đại diện doanh nghiệp làm thủ tục.
Đăng ký chuyển mạng giữ số sẽ gián đoạn dịch vụ trong bao lâu?
Thời gian thực hiện một giao dịch chuyển mạng tối đa là 2 ngày kể từ khi nhắn tin đăng ký đối với thuê bao cá nhân và 3 ngày đối với thuê bao là tổ chức.
Thời gian gián đoạn dịch vụ khi thực hiện chuyển đổi giữa 2 nhà mạng tối đa là một giờ. Theo đại diện Cục Viễn thông, thông thường những giao dịch kiểu này chỉ diễn ra trong vòng vài giây.
Trong quá trình đăng ký chuyển mạng, thuê bao không được chấp nhận khi đăng ký dịch vụ viễn thông cơ bản và dịch vụ giá trị gia tăng mới. Dịch vụ chuyển mạng không bao gồm việc tiếp tục cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng mà thuê bao đăng ký đang sử dụng tại thời điểm đó.
Sau khi đăng ký dịch vụ chuyển mạng di động giữ nguyên số, dù nhà mạng thay đổi, số điện thoại của người dùng vẫn sẽ giữ nguyên. |
Tự ý hủy chuyển mạng sẽ không được hoàn tiền
Phí chuyển mạng không được hoàn trả trong thường hợp khách hàng yêu cầu huỷ chuyển mạng và trong trường hợp yêu cầu bị huỷ vì quá thời gian xác nhận tin nhắn yêu cầu chuyển mạng. Khoảng thời gian tối thiểu giữa 2 lần chuyển mạng liên tiếp là 90 ngày.
Doanh nghiệp chuyển đi phải đảm bảo không phát sinh cước với bất kỳ dịch vụ viễn thông và giá trị gia tăng kể từ thời điểm cắt dịch vụ của thuê bao đăng ký chuyển mạng.
Trường hợp khách hàng không hoàn toàn nghĩa vụ tài chính, thanh lý hợp đồng và cam kết với doanh nghiệp chuyển đi thì thuê bao sẽ bị xử lý và hoàn trả về nhà mạng cũ.
Người dùng được lợi gì khi đăng ký dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số?
Sau khi đăng ký dịch vụ chuyển mạng di động giữ nguyên số, dù nhà mạng thay đổi, số điện thoại của người dùng vẫn sẽ giữ nguyên.
Ví dụ, khi người dùng sở hữu số điện thoại 098xxxxxxx của Viettel, nếu chuyển sang nhà mạng khác là Vinaphone, số điện thoại khi đó vẫn là 098xxxxxxxx chứ không bị chuyển thành 091xxxxxxxx (091 là đầu số của Vinaphone). Do vậy, người dùng có thể thực hiện quay số bình thường đến số thuê bao đã chuyển mạng mà không cần bất kỳ sự thay đổi nào.
Lợi ích của dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số là người dùng có thể thoải mái lựa chọn nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông. Nhờ thế các nhà mạng sẽ phải chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ để giữ chân người dùng, tránh tình trạng mất khách hàng vào tay đối thủ.
Dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số sẽ tạo điều kiện cho xu hướng cá nhân hóa số điện thoại, làm nền tảng cho việc phát triển các dịch vụ mới như thương mại điện tử, ví điện tử trong tương lai, đồng thời giúp giải tỏa áp lực về việc cạn kiệt kho số.
Để sử dụng dịch vụ này, bạn đọc có thể tham khảo Cách đăng ký dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số di động theo hướng dẫn của VietNamNet.
Tác giả: Trọng Đạt
Nguồn tin: Báo VietNamNet