Giáo dục

Đạo văn vẫn được bổ nhiệm giáo sư là "vì tinh thần nhân đạo"

Dù bị tố đạo văn nhưng ông Nguyễn Đức Tồn, nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, vẫn được bổ nhiệm giáo sư với lý do "tinh thần nhân đạo và nhân văn"

Sách của ông Nguyễn Đức Tồn "đạo" luận án của nghiên cứu sinh do ông hướng dẫn.

GS Nguyễn Đức Tồn, nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, bị tố cáo là đã đạo nhiều nội dung trong luận văn, luận án và bài viết của chính học trò mình hướng dẫn và những đồng nghiệp thế hệ sau.

Cụ thể cuốn sách "Tìm hiểu đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt (trong sự so sánh với những dân tộc khác)" - NXB ĐHQG Hà Nội 2002 được cho là đã lấy gần như toàn bộ luận án phó tiến sĩ của bà Nguyễn Thúy Khanh có tên "Đặc điểm trường từ vựng ngữ nghĩa tên gọi động vật" được bảo vệ năm 1996 tại Viện Ngôn ngữ học.

Điều đặc biệt là cuốn sách này cũng được cho là đạo gần như toàn bộ 96 trang luận văn tốt nghiệp đại học của sinh viên Cao Thị Thu, chuyên ngành Ngôn ngữ học, khóa 1991-1995 của ĐH Tổng hợp Hà Nội. Luận văn của bà Cao Thị Thu do ông Nguyễn Thiện Giáp hướng dẫn và bảo vệ năm 1995 có tên "Đặc điểm định danh và ngữ nghĩa trường từ vựng tên gọi thực vật trong tiếng Việt".

Cuốn sách thứ hai là "Những vấn đề dạy và học trong nhà trường, Phương pháp dạy và học tiếng Việt ở bậc THCS" - NXB ĐHQG Hà Nội của GS. Nguyễn Đức Tồn có đưa nguyên vẹn bài báo "Dạy từ láy cho học sinh THCS" của tác giả Nguyễn Thị Thanh Hà. Bài báo này từng được in trên Tạp chí Ngôn ngữ, số 2-2001.

Trước những nghi vấn đạo luận án, ông Nguyễn Đức Tồn từng cho rằng khi sử dụng các công trình của NCS và sinh viên, ông đã chú nguồn và tác giả rõ ràng, vì thế không thể quy kết ông "đạo văn". Ông Tồn cũng khẳng định sự việc này đã được Hội đồng chức danh giáo sư ngành Ngôn ngữ học xem xét và kết luận từ năm 2006-2007. Ông hoàn toàn trong sạch nên mới được công nhận giáo sư.

Trước vụ việc gây nhiều tranh cãi này, GS Trần Ngọc Thêm, Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư ngành Ngôn ngữ học, khẳng định việc ông Nguyễn Đức Tồn, đạo văn của học trò là có thật. GS Thêm cho rằng nội dung cuốn sách của ông Tồn đúng từng câu từng chữ, trong suốt hơn một trăm trang với nội dung các luận văn, luận án, bài viết của học trò đã bảo vệ, công bố trước đó. Việc đạo văn đã khiến ông Nguyễn Đức Tồn trải qua 7 năm hồ sơ xét giáo sư không được thông qua, tuy nhiên cuối cùng đến năm 2009 vẫn được thông qua vì "tinh thần nhân văn và lòng vị tha".

"Tôi được biết vào năm 2002, ông Tồn nộp hồ sơ ở Hội đồng chức danh giáo sư cấp cơ sở Viện Ngôn ngữ học và hình như do chuyện đạo văn này mà đã không được thông qua. Năm 2006, ông Tồn nộp hồ sơ ở Hội đồng chức danh giáo sư cấp cơ sở Trường ĐH (khoa học xã hội và nhân văn) KHXH và NV, ĐHQG Hà Nội, Hội đồng trương này cũng có thảo luận chuyện đạo văn này nhưng hồ sơ của ông Tồn đã đạt đủ số phiếu để thông qua.

Khi hồ sơ đưa lên Hội đồng chức danh giáo sư ngành, Hội đồng đã giao cho tôi (ủy viên Hội đồng) làm trưởng nhóm cùng với GS Nguyễn Đức Chính và GS Bùi Minh Toán thẩm định hai đơn thư nặc danh tố cáo ông Tồn đạo văn trong cuốn "Tìm hiểu đặc trưng văn hoá - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt" (sao chép luận án PTS. của Nguyễn Thuý Khanh) và cuốn "Những vấn đề dạy và học tiếng Việt trong nhà trường" (sao chép bài báo của Nguyễn Thị Thanh Hà)" - GS Thêm kể lại. Cũng theo GS Thêm, do thời gian làm việc chỉ có một đêm nên nhóm quyết định tạm thời chỉ thẩm định cuốn "Tìm hiểu đặc trưng văn hoá - dân tộc".

GS Thêm cho hay đối chiếu các tài tiệu, nội dung các trang trong chương I luận án của nghiên cứu sinh Nguyễn Thuý Khanh hoàn toàn trùng khít đến từng câu, từng đoạn với những câu, đoạn trong luận án của GS Tồn. Sau này, khi làm giải trình gửi Đảng uỷ Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, GS Tồn cho hay: "chính tôi đã khởi thảo đề cương chi tiết..."; "tôi phải thân chinh chữa từng từ, từng câu, từng chữ, từng dấu phẩy, dấu chấm, từng lời diễn đạt cho cả 4 bài viết cho Nguyễn Thuý Khanh và sau này chữa cho cả luận án nữa. Vì vậy, văn phong trong các bài viết và luận án của Nguyễn Thuý Khanh chính là văn phong của tôi..."

GS Thêm kể thêm, năm 2006, hồ sơ của ông Tồn đã không được Hội đồng chức danh giáo sư ngành thông qua. Đến năm 2009, Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở Trường ĐH KHXH và NV Hà Nội lại thông qua hồ sơ của ông Tồn một lần nữa. Hội đồng Chức danh giáo sư ngành năm 2009 đã cử một tổ công tác thẩm định 2 đơn thư nặc danh khiếu nại ứng viên Nguyễn Đức Tồn. Sau đó, các thành viên đã có ý kiến cho rằng "ông Tồn có lỗi và đã trả giá trong 7 năm qua, 2 lần hồ sơ không được thông qua" và "không nên bắt một người phải trả giá cho một sai lầm cũ suốt đời". "Mặt khác, vào năm trước đó (năm 2008), ông Tồn vừa mới được Viện KHXH Việt Nam bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học. Để bổ nhiệm, Viện KHXH chắc chắn cũng đã cân nhắc chuyện này. Với tinh thần nhân đạo và nhân văn của truyền thống văn hóa Việt Nam, vì sự đoàn kết và phát triển chung của ngành, các thành viên Hội đồng đã đồng ý đưa ông Tồn vào danh sách bỏ phiếu kín. Kết quả là ông Tồn đã được thông qua với số phiếu 10-10" – GS Thêm cho biết.

Được biết năm 2011, GS Nguyễn Đức Tồn với tư cách là Viện trưởng, Tổng biên tập tạp chí Ngôn ngữ (cùng hai vị nữa) được đề nghị bổ sung vào làm thành viên Hội đồng chức danh giáo sư ngành ngôn ngữ học.

Tác giả: Yến Anh

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP