Tin trong tỉnh

Đập 14 tỷ không tích được nước: 'Do biến đổi khí hậu'

Theo lãnh đạo huyện Thanh Chương, do biến đổi khí hậu nên lâu nay đập không có nước để tích.

Liên quan đến thông tin đập xây 14 tỷ đồng không tích được nước, ngày 30/10, trao đổi với báo Đất Việt, ông Lê Đình Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, Nghệ An cho biết, hiện nay xã Thanh Lâm đã khắc phục và đập này đã tích được nước.

"Đập này được xây dựng để tích nước tưới vùng hạ lưu khoảng 15 héc ta. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, lâu nay không có nước để tích. Bản chất của sự việc là không có nước để tích. Hiện xã Thanh Lâm đã khắc phục được rồi", ông Thanh cho biết.

Trong khi đó, nói về việc này, cùng ngày, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Thanh Lâm cho biết, việc đập không tích được nước là do hệ thống van khóa nước bị trục trặc.

"Mùa hè không có nước vào, đúng mùa cao điểm lại không có nước tưới. Sau khi anh em sửa lại hệ thống van, đợt vừa rồi mưa nhiều, đập đã tích được nước", Chủ tịch xã Thanh Lâm cho biết.

Đập thủy lợi Khe Ngang được đầu tư 14 tỷ đồng nhưng không tích được nước. Ảnh: SGGP

Cũng theo vị Chủ tịch xã này, việc thiết kế đập, xã không biết, nhưng vị trí xây dựng đập là không phù hợp vì lòng hồ quá nhỏ.

Trước đó, theo thông tin trên báo Thanh Niên, ông Nguyễn Xuân Thảo, người dân ở xóm Sơn Lĩnh 2, xã Thanh Lâm cho biết, khi con đập thủy lợi Khe Ngang được xây dựng, người dân ở đây rất phấn khởi vì đây là vùng núi cao, nước tưới cho đồng ruộng rất hiếm.

Cuối năm 2012, hệ thống thủy lợi này được đưa vào sử dụng. Thế nhưng, mọi sự kỳ vọng của người dân đã nhanh chóng tan biến. “Năm đầu tiên, đập tích được khá nhiều nước, nhưng chỉ được vài năm sau thì không tích được nước nữa”, ông Thảo nói.

Đến năm 2015, công trình này xuống cấp nghiêm trọng và gần như không còn tác dụng. Lá chắn và xả nước của hệ thống van đập bị hỏng khiến việc tích và xả nước không thực hiện được. Đất đá theo dòng chảy đổ dồn xuống chân đập, gây bồi lấp khiến miệng cống bị bịt kín, có nước cũng không thể chảy vào đường ống để ra đồng.

Sau đó, đáy của con đập cũng bị rò nước nên không còn khả năng tích, dự trữ nước được nữa. “Trời mưa to, nước chảy không kịp mới đọng lại trong đập một ít, nhưng hôm sau thì lại khô cạn. Mùa này đang là mùa mưa, nhưng đáy hồ vẫn mọc đầy cỏ dại vì có giữ được nước đâu”, ông Thảo nói.

Người dân địa phương cũng cho biết, khi chưa có đập, nước từ lòng núi tự chảy vẫn đảm bảo tưới cho khoảng 30 - 40% diện tích lúa. Nhưng từ khi có đập, mương dẫn nước ra đồng từ con suối này bị chặn lại.

Theo thiết kế, nước được tích ở thân đập sẽ theo đường ống chảy ra đồng. Tuy nhiên, khi đập không còn tích được nước, đường ống này trở nên vô dụng và lượng nước tự chảy cũng không còn tận dụng được như trước nữa.

Đập thủy lợi Khe Ngang được xây dựng ở xóm Sơn Lĩnh 2, xã Thanh Lâm với mục tiêu tích nước để tưới cho hàng chục héc ta ruộng 2 vụ lúa ở 3 xóm của xã Thanh Lâm.

UBND huyện Thanh Chương là chủ đầu tư công trình có nguồn vốn ngân sách 14 tỷ đồng này. Hệ thống thủy lợi bao gồm hồ chứa nước, đường ống dẫn nước từ đập ra đồng và con đường bê tông dẫn vào đập nước.

Tác giả: Thanh Giang

Nguồn tin: Báo Đất Việt

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP