Chính quyền địa phương tại Vân Đồn, Phú Quốc vừa quyết định tạm dừng chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhằm kiểm soát cơn sốt đất. Quyết định này lập tức tác động tới thị trường, song ở mức độ khác nhau.
Tại Vân Đồn, một số môi giới cho biết, không ít giao dịch của những khách hàng chuẩn bị đặt cọc đã tạm dừng lại.
“Những khu vực đất dự án thì không ảnh hưởng nhiều bởi hiện vẫn có thể chuyển nhượng hợp đồng, qua phòng công chứng. Quyết định tạm dừng giao dịch tạm thời khiến phân khúc thổ cư mấy ngày qua chững lại bởi có tình trạng nhà đầu tư lưỡng lự xuống tiền, các môi giới cũng đang nghe ngóng”, anh Việt, chuyên viên môi giới nói và cho biết thêm một giao dịch lô đất thổ cư gần sân bay Vân Đồn có giá trị hơn 7 tỷ do anh giới thiệu cũng chuẩn bị bước vào giai đoạn cuối thì tạm dừng sau quyết định này do nhà đầu tư muốn nghe ngóng thêm. Nếu đổ bể, anh sẽ bị mất một khoản phí không dưới 100 triệu.
Nhiều điểm giao dịch bất động sản đã mọc lên tại huyện Vân Đồn thời gian qua. Ảnh: Minh Cương |
Theo anh, tình trạng nóng sốt không diễn ra công khai như trước, song không ít nhà đầu tư đến từ Hà Nội vẫn săn lùng đất nền tại các dự án và những cơn sốt ngầm vẫn âm ỉ. Tuy nhiên, anh cho biết, hiện các loại bất động sản này trên thị trường sơ cấp (chủ đầu tư bán trực tiếp cho khách hàng) rất khan hiếm, các dự án đều đã bán hết. Do đó, giao dịch chủ yếu là trên thị trường thứ cấp với mức giá hiện gấp 3-4 lần so với cùng kỳ.
“Vừa hôm qua vẫn có khách hàng hỏi tìm mua đất nền biệt thự với giá đang giao dịch gấp khoảng 3 lần hơn một năm trước, tức khoảng 36 triệu đồng mỗi m2”, một môi giới tên Tuấn cho hay. Hai ngày cuối tuần, anh vẫn đưa đón trên dưới 10 khách đến thăm đất Vân Đồn, gồm cả đất thổ cư và đất nền dự án.
Ở phân khúc đất thổ cư, tuy được dự báo có thể chững lại trong thời gian tới, song một số môi giới cho rằng chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng giao dịch chui, lách luật hoặc thông qua giấy viết tay…
Còn tại Phú Quốc (Kiên Giang), ba ngày sau quyết định dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các khu phân lô, tách thửa diện tích dưới 500 m2, tình trạng sốt giá đất ở địa phương cũng đã hạ nhiệt.
Một bảng chào bán bất động sản ở Phú Quốc. Ảnh: Phúc Hưng |
Bến cao tốc ở Bãi Vòng, xã Hàm Ninh dẫn vào trung tâm thị trấn Dương Đông kéo dài hơn 3 km, mấy ngày qua vắng bóng giới cò đất. Ông Sỹ, người dân ở Phú Quốc cho biết, quyết định tạm dừng phân lô, tách thửa của chính quyền huyện đảo đã khiến người mua đất phải e dè. “Có nhiều người hùn nhau tiền mua một hoặc hai công đất (1.000 m2) rồi chia nhau phân lô, tách thửa để bán nền kiếm lời, nhưng việc này hiện không làm được nữa nên họ cũng không còn “săn” đất sốt sắng như trước”, ông Sỹ nói.
Trên thực tế, lượng người mua giảm cũng làm cho phong trào "người người làm cò đất" cũng không còn. Nhiều tay cò lẻ đã quay lại với công việc thường nhật của mình như trước.
“Giờ kiếm được kèo giới thiệu bán đất chua lắm, có ngày chạy lòng vòng lỗ cả tiền xăng mà không có mối nào”, ông An – hành nghề xe ôm kiêm cò đất ở thị trấn Dương Đông nói.
Song, riêng một số người có nhiều kinh nghiệm gắn với nghề cò đất vẫn còn bám trụ lại nhưng ai cũng than vì làm ăn khó khăn. Một cò tên Hào đến từ Cà Mau cho biết, bây giờ giới thiệu đất dưới 500 m2 là thua vì không có người mua, do lệnh cấm tách thửa của chính quyền. Giới cò bây giờ phải nhắm đến những lô đất lớn, có giá trị cao để giới thiệu cho khách hàng chủ yếu họ mua để làm dự án như nhà hàng, hay khách sạn…
Tay cò này thở dài thú nhận mới đây anh phải tiếc “đứt ruột” vì để tuột mất vài tỷ đồng tiền môi giới. “Tôi dẫn đoàn người ở Vĩnh Long sang giới thiệu cho lô đất gần 10 ha, họ chủ yếu là anh em, bạn bè mua đất rồi xé nhỏ nền bán”, Hào nói và cho biết, dù đã đặc cọc 2 tỷ đồng cho chủ đất, nhưng khi nghe nói đến chuyện không được phép tách thửa nên họ đã bỏ cọc, không mua.
Chia sẻ với VnExpress, ông Lê Quang Minh, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Phú Quốc cho biết, sau khi có chỉ đạo của huyện tình trạng sốt giá đất ở địa phương đã giảm nhiều, song từ chối bình luận thêm.
Bình luận về quyết định tạm dừng chuyển nhượng bất động sản tại một số khu vực hứa hẹn trở thành đặc khu, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, ông cho rằng, theo Luật đất đai, người được cấp giấy sử dụng đất được quyền giao dịch, mua bán, cho tặng, thừa kế. Trong trường hợp chủ sở hữu không vi phạm gì mà cấm họ thực hiện giao dịch là sai luật. Với những dự án đã đầy đủ pháp lý và điều kiện để đa vào giao dịch mà tạm ngừng như vậy là làm khó cho nhà đầu tư.
Theo ông Đính, để hạn chế tình trạng trên, chính quyền nên kiểm soát chặt chẽ, nghiêm cấm mọi hiện tượng thu mua gom đất, chia nền bán trái quy định pháp luật, đặc biệt là đất nông nghiệp và đất rừng.Cùng với đó là các chính sách công bố định kỳ, công khai cho các nhà đầu tư hiểu rõ tình hình thị trường bất động sản địa phương.
Tác giả: Phúc Hưng - Nguyễn Hà
Nguồn tin: Báo VnExpress