Tin trong tỉnh

Dấu ấn thu hút đầu tư FDI ở Nghệ An: Liên kết vùng, cơ hội để khẳng định vị thế (Bài 3)

Nghệ An đang có hướng đi tốt trong thu hút đầu tư nhưng để vươn mình trở thành trung tâm kinh tế vùng Bắc Trung bộ như Nghị quyết 26 và bây giờ là Nghị quyết 39 mong muốn thì địa phương này còn phải nỗ lực nhiều, trong đó việc tạo ra được liên kết vùng với vị trí đầu mối là điều rất quan trọng.

Biến Nghị quyết thành hành động

Từ năm 2013, Bộ Chính trị khi xây dựng Nghị quyết riêng cho Nghệ An đã xác định mục tiêu, đưa tỉnh này thành một tỉnh công nghiệp; là trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hoá, thể thao, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung Bộ.

Sau 10 năm, phải thẳng thắn nói với nhau, Nghệ An chưa đáp ứng được như kỳ vọng. Khi triển khai Nghị quyết 26, tồn tại không ít bất cập, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan từ địa phương lẫn các bộ ngành liên quan.

Đó cũng là lý do mà Bộ Chính trị đã nghiên cứu để cho ra đời Nghị quyết 39 như là sự kế thừa và tiếp nối Nghị quyết 26 với mong muốn, thực sự đưa Nghệ An “cất cánh”.

Nghị quyết 26 và tiếp nối là Nghị quyết 39 đều mục tiêu đưa Nghệ An trở thành tỉnh công nghiệp, là trung tâm khoa học công nghệ, công nghiệp công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ

Các chương trình hành động ngay sau khi Nghị quyết 39 ban hành đã được địa phương và các bộ ngành quán triệt và triển khai sâu rộng. Đó chắc chắn là động lực lớn để cả hệ thống chính trị ở Nghệ An bắt tay, thực hiện các mục tiêu đề ra của Nghị quyết, trong đó mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ được đặt lên hàng đầu.

Với thành quả về thu hút FDI trong những năm vừa qua cộng với các mục tiêu hành động của Nghị quyết 39, Nghệ An có những cơ sở vững chắc để bứt phá.

Hiện tại, địa phương này đang có 3 nhà kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp hàng đầu trong cả nước cộng với nhiều chính sách ưu đãi của địa phương nên dự báo dòng vốn FDI sẽ tiếp tục đổ về đây trong những năm tới. Khi các dự án này vận hành, Nghệ An chắc chắn sẽ là một trung tâm công nghệ lớn không chỉ của vùng Bắc Trung Bộ mà còn của cả nước.

Từ thực tiễn và mục tiêu đề ra của Nghị quyết, chưa bao giờ động lực với Nghệ An lớn như thời điểm này. Thiên thời, địa lợi và có lẽ chỉ cần con người đồng lòng nữa thôi, một kỳ nguyên mới về phát triển công nghiệp sẽ mở ra với Nghệ An.

Bứt tốc, vươn mình trở thành “anh cả” thu hút FDI ở khu vực Bắc Trung Bộ

Có xuất phát điểm tốt hơn nhưng hiện nay, cả Thanh Hoá và Hà Tĩnh đang nhìn về Nghệ An như một điển hình tiên tiến trong thu hút FDI. Theo đó, năm 2022, thu hút FDI của Thanh Hoá chỉ là trên 70 triệu USD trong khi Nghệ An là gần 1 tỷ USD. Đến thời điểm này của năm 2023, Thanh Hoá cũng mới chỉ thu hút được gần 300 triệu USD so với gần 1,6 tỷ USD của Nghệ An. Tương tự, hàng xóm Hà Tĩnh cũng bị Nghệ An bỏ lại khá xa trong thu hút đầu từ FDI nhiều năm qua.

Nghệ An đang nắm lợi thế trong thu hút đầu tư FDI nhờ có sự chuẩn bị tốt về hạ tầng và một cách làm hay, sáng tạo. Cơ sở để họ bứt tốc, trở thành trung tâm của vùng còn đến từ việc, các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp tại Nghệ An đã bắt đầu mở rộng vệ tinh sang các tỉnh lân cận.

Có thể kể đến như việc ngày 29/8 vừa rồi ở Hà Nội, VSIP đã được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án ở Hà Tĩnh, họ cũng đã ký biên bản thoả thuận hợp tác với tỉnh Thanh Hoá. Hay như nhà đầu tư Thái Lan là WHA cũng đã khảo sát và đề nghị được đầu tư khu công nghiệp tại huyện Hoằng Hoà, tỉnh Thanh Hoá.

Sau Nghệ An, nhà đầu tư như VSIP, WHA bắt đầu tìm đến Hà Tĩnh và Thanh Hoá. Trong ảnh là lễ trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu dự án của VSIP cho một số địa phương, trong đó có Hà Tĩnh

Có thể thấy rằng, từ trung tâm Nghệ An, các "ông lớn" đã xây dựng vệ tinh ở các tỉnh lân cận. Điều đó càng minh chứng rõ hơn cho vai trò đi trước, đón đầu của Nghệ An.

Từ đây, Nghệ An sẽ là đầu mối, là trung tâm trung chuyển, logistics, dịch vụ... của cả vùng. Đây mới thực sự là mục tiêu lớn của địa phương, góp phần hiện thực hoá mục tiêu của Nghị quyết 39 giành cho Nghệ An.

Tất nhiên để làm được việc đó, Nghệ An còn phải nỗ lực rất nhiều. Bởi ngoài dòng vốn FDI liên tục chảy về là điểm sáng thì hạ tầng và môi trường đầu tư của Nghệ An còn tồn tại không ít bất cập. Hai dự án hạ tầng chiến lược là nâng cấp cảng Hàng không quốc tế Vinh và cảng nước sâu Cửa Lò triển khai thủ tục đang chậm so với kế hoạch đề ra có thể khiến Nghệ An phải bỏ lỡ nhiều cơ hội.

Chỉ số cải cách hành chính còn thấp, nhiều hạng mục công trình, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ nên bất lợi hơn so với một số địa phương khác.

Nếu khắc phục được những điểm nghẽn về hạ tầng thì cơ hội trở thành trung tâm vùng Bắc Trung Bộ của Nghệ An là rất lớn khi nơi này hội tụ được rất nhiều lợi thế về vị trí địa lý, mạng lưới giao thông, lao động và tài nguyên thiên nhiên. Chưa kể, nhiều chương trình hành động của Chính phủ cũng luôn đặt Nghệ An là trung tâm của vùng.

Làn sóng lao động đang dịch chuyển từ phía Nam về quê khiến cho Nghệ An càng có thêm nguồn lao động dồi dào. Dự án FDI không còn chỉ nằm trong các khu công nghiệp lớn nữa mà len lỏi về từng địa phương, như dự án Dự án Nhà máy sản xuất giày, gia công các sản phẩm giày dép Vietfast có tổng mức đầu tư 30 triệu USD (tương đương 690 tỷ đồng) tại xã Bắc Thành, huyện Yên Thành do một công ty ở Đài Loan làm chủ đầu tư hay trước đó là dự án sản xuất giày da xuất khẩu của Công ty TNHH Viet Glory tại Diễn Châu đang tạo công ăn việc làm cho gần 7000 lao động địa phương.

Trung ương cho Nghị quyết, địa phương nghĩ cách làm; hai yếu tố then chốt ấy sẽ là bàn đạp để Nghệ An vươn mình, giữ vị thế "anh cả" ở khu vực Bắc Trung Bộ.

Bên cạnh Nghị quyết 26 và nay là Nghị quyết 39 giành riêng cho Nghệ An thì Nghị quyết 26 ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cũng chỉ ra rằng, để phát triển bền vững cần phải tạo ra liên kết vùng. Nghị quyết nêu rõ: Cần rà soát, điều chỉnh cơ chế, chính sách và nguồn lực đầu tư để nâng cao hiệu quả hợp tác phát triển các quy hoạch liên tỉnh như Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An, Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh; lấy Tp.Vinh là trung tâm. Có thể thấy rằng, từ Trung ương đến địa phương, thông qua các Nghị quyết đều nhận định rằng, chỉ khi tạo ra được liên kết vùng với vai trò đầu tàu, khi ấy phát triển của Nghệ An mới thực sự bền vững.

Tác giả: Lê Giáp

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP