Kinh tế

Đấu giá quyền sử dụng đất ở Hà Tĩnh đang chững lại vì…vướng luật

Thực hiện quy định mới về lựa chọn đơn vị, tổ chức hành nghề đấu giá để đấu giá quyền sử dụng đất ở Hà Tĩnh đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, khiến hoạt động đấu giá đất đang chững lại.

Đấu giá quyền sử dụng đất là một nguồn thu ngân sách quan trọng của các địa phương ở Hà Tĩnh. Tuy nhiên, hiện tại việc triển khai đấu giá quyền sử dụng đất ở Hà Tĩnh đang chững lại. Cụ thể là việc áp dụng quy định pháp luật mới về lựa chọn đơn vị, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đang gặp khó khăn, vướng mắc, chưa thể triển khai.

Chưa lựa chọn được đơn vị đấu giá vì vướng…luật

Tại TP Hà Tĩnh, chính quyền đã có các quyết định về phê duyệt phương án đấu giá và quyết định đấu giá quyền sử dụng đất một số khu đất quy hoạch trên địa bàn. Tuy nhiên, đến nay đã nhiều tháng trôi qua, việc lựa chọn đơn vị, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất chưa thể triển khai, do vướng mắc bởi quy định của luật.

Nhiều người dân ở Hà Tĩnh mong sớm đấu giá đất ở để tham gia. Ảnh minh họa.


Lãnh đạo UBND TP Hà Tĩnh cho biết: Trước đây (trước ngày Luật Đất đai 2024 có hiệu lực – PV), việc lựa chọn đơn vị tư vấn đấu giá thực hiện theo Luật Đấu giá có nhiều thuận lợi, bằng hình thức chấm điểm các đơn vị tư vấn để lựa chọn theo quy định tại Điều 56, Luật Đấu giá tài sản năm 2016 và Thông tư số 02/2022/TT-BTP ngày 08/02/2022 của Bộ Tư pháp.

“Quy trình lựa chọn đơn vị tư vấn thực hiện như sau: UBND cấp huyện căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ban hành Quyết định phê phương án đấu giá; Ban hành Quyết định đấu giá; Ban hành Quyết định phê duyệt giá khởi điểm; Thông báo để để lựa chọn đơn vị đấu giá; Căn cứ Thông tư 02 chấm điểm và lựa chọn đơn vị đấu giá” – Lãnh đạo UBND TP Hà Tĩnh cho biết.

Thực hiện quy trình này, với UBND cấp huyện có nhiều thuận lợi, nhanh chóng, giảm bớt nhiều thủ tục hành chính trong lựa chọn đơn vị, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất.

“Tuy nhiên, từ khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, có khó khăn, vướng mắc, khiến việc lựa chọn đơn vị đấu giá phải chững lại” – Lãnh đạo UBND TP Hà Tĩnh cho biết.

Một phiên công bố kết quả đấu giá đất ở TP Hà Tĩnh. Ảnh BHT.


Theo đó, Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 của Chính phủ quy định chỉ tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 01/8/2024, quy định tại khoản 7, Điều 55: "7, Việc lựa chọn đơn vị, tổ chức thực hiện cuộc bán đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Trình tự thực hiện cuộc bán đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 229, Luật Đất đai và Luật Đấu giá tài sản".

Đồng thời, tại khoản 5 Điều 56, Luật Đấu giá quy định "5. Trường hợp pháp luật quy định việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản thông qua đấu thầu thì thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về đấu thầu".

“Như vậy, từ ngày 01/8/2024 việc lựa chọn đơn vị tổ chức đấu giá theo Luật Đất đai 2024 nêu theo Luật Đấu thầu; còn Luật Đấu giá nêu áp dụng cả Luật Đấu giá và pháp luật về đấu thầu. Điều này địa phương không thể thực hiện vì quy trình chọn đơn vị đấu giá của của 2 luật hoàn toàn khác nhau” – Lãnh đạo UBND TP Hà Tĩnh lý giải.

Thực trạng này không chỉ riêng TP Hà Tĩnh vướng mắc, mà gần như địa phương cấp huyện nào ở Hà Tĩnh cũng gặp phải, khiến hoạt động lựa chọn đơn vị đấu giá quyền sử dụng đất ở địa phương đang phải chững lại.

Một lãnh đạo cấp huyện ở Hà Tĩnh cũng cho biết: Việc chọn tổ chức, đơn vị đấu giá tài sản nếu áp dụng theo quy định của pháp luật về đấu thầu sẽ mất nhiều thời gian, không đáp ứng được tiến độ tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo kế hoạch địa phương đã duyệt.

UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo tham mưu, hướng dẫn kịp thời.

Trước thực trạng vướng mắc này, nhằm để đảm bảo cho hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất diễn ra theo kế hoạch, quyết định đã được phê duyệt, đảm bảo thu ngân sách theo kế hoạch của UBND tỉnh giao, UBND TP Hà Tĩnh đã có báo cáo lên tỉnh trình bày những khó khăn, vướng mắc, đồng thời có kiến nghị đề xuất UBND tỉnh có hướng dẫn để địa phương thực hiện.

Sau khi nhận được kiến nghị của UBND TP Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Báu Hà đã có ý kiến chỉ đạo.

Nhiều khu quy hoạch ở Hà Tĩnh đang chờ "gỡ vướng" để sớm được đưa ra đấu giá. Ảnh minh họa.


Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp và các cơ quan liên quan soát xét cụ thể các nội dung báo cáo, kiến nghị của UBND TP Hà Tĩnh; kịp thời xử lý, trả lời, hướng dẫn UBND thành phố và các địa phương thực hiện theo quy định. Đồng thời khẩn trương tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản, quy định triển khai thực hiện Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng giao Sở Tư pháp chủ trì phối hợp các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính và các cơ quan liên quan căn cứ quy định hiện hành, điều kiện thực tiễn của địa phương, hướng dẫn UBND thành phố và các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác lựa chọn đơn vị đấu giá quyền sử dụng đất; trường hợp vượt thẩm quyền, kịp thời tham mưu phương án xử lý, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/9/2024.

Xác nhận với PV báo Bảo vệ pháp luật, lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Hà Tĩnh cho biết đã tiếp nhận chỉ đạo của UBND tỉnh, giao các địa phương tập hợp báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện lựa chọn đơn vị tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất sau khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, từ đó sớm tổ chức cuộc họp với các ngành, đơn vị hữu quan để thống nhất phương án, tham mưu lên UBND tỉnh hướng dẫn các địa phương thực hiện.

Được biết, liên quan đến khó khăn, vướng mắc này, nhiều đơn vị cấp huyện ở Hà Tĩnh cho biết, hiện tại có sự mâu thuẫn giữa các luật trong áp dụng để lựa chọn đơn vị, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Do đó, phương án tối ưu nhất là tiếp tục áp dụng Luật đấu giá để lựa chọn đơn vị tổ chức đấu giá. Bởi tại khoản 1, Điều 3, Luật Đấu giá đã quy định: "1. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định về trình tự, thủ tục đầu giá của Luật này và quy định của luật khác thì áp dụng quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2, Điều này".

Do đó, nhiều địa phương cấp huyện ở Hà Tĩnh đã có kiến nghị cho phép được áp dụng Luật Đấu giá để chọn đơn vị tư vấn đấu giá quyền sử dụng đất thay vì áp dụng Luật Đấu thầu.

Tác giả: Mẫn Phong

Nguồn tin: Báo BVPL

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP