Tin trong tỉnh

Dấu hiệu rút ruột công trình tại dự án nâng cấp Quốc lộ 7A ở Nghệ An.

Theo phản ánh của người dân, đoạn km 19 Quốc lộ 7A (QL) chạy qua địa bàn xã Công Thành, huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) do nhà thầu là Công ty CP Xây dựng Đại Thành thi công, đang có dấu hiệu rút ruột công trình. Sau khi bị người dân phát hiện và phản ánh, Công ty trúng thầu tư vấn, giám sát đã yêu cầu nhà thầu này thay toàn bộ nắp bê tông của phần rãnh thoát nước vì... cát nhiều hơn xi măng.

Gói thầu sửa chữa, nâng cấp 2 km tại xã Công Thành (Yên Thành, Nghệ An) do Công ty CP Xây dựng Đại Thành thi công đang bị người dân phản ánh là có dấu hiệu “rút ruột” xi măng, cốt thép.

Nguồn vốn cải tạo, nâng cấp QL7A được cấp từ ngân sách Trung ương, Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông) ủy quyền cho Cục Quản lý đường bộ II (có địa chỉ tại số 58, đường Phan Đăng Lưu, TP Vinh, Nghệ An) quản lý, điều phối, phân bổ, tổ chức đấu thầu.

Theo phân công, phân cấp, Cục Đường bộ II có nhiệm vụ: Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giao thông vận tải đường bộ và quản lý, bảo trì 14 tuyến QL với tổng chiều dài hơn 2.716 km thuộc các tỉnh từ Thanh Hóa đến Huế gồm: QL1, QL7A, QL8, QL9, QL10, QL12C, QL45, QL46, QL46B, QL48C, QL49, đường Hồ Chí Minh, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây và đường nối cảng Nghi Sơn với đường Hồ Chí Minh; thực hiện công tác quản lý nhà nước 17 tuyến QL ủy thác cho địa phương quản lý với tổng chiều dài 1.395 km và các tuyến quốc lộ khai thác theo hình thức BOT.

Sau hơn 1 nhiệm kỳ... xin vốn, năm 2018 tuyến QL7A mới được Bộ Giao thông cấp 5,8 tỷ đồng cho việc sửa chữa, nâng cấp, mở rộng khoảng 15km, đoạn từ cầu Dậu (Diễn Châu) tới Tràng Kè (thuộc xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An). Thông qua đấu thầu, Công ty CP Xây dựng Đại Thành là một trong số doanh nghiệp trúng thầu 2km (đoạn từ km19 đến km20) trên tuyến QL7A.

I

Hàng chục tấm bê tông đúc sẵn do bị phát hiện thiếu xi măng, không đảm bảo chất lượng đã bị cán bộ giám sát yêu cầu dỡ bỏ thay bằng sản phẩm đảm bảo chất lượng.

Người dân ven dự án này cho biết, cán bộ của công ty giám sát có tên là Thái cũng thường xuyên có mặt tại công trường, cán bộ kỹ thuật chỉ đạo thi công có tên là Kiên. Tuần trước, người dân phản ánh việc toàn bộ nắp của hệ thống thoát nước 2 bên đường không đảm bảo chất lượng, có 1 số tấm bị vỡ tự nhiên, bằng mắt thường có thể nhận thấy tỷ lệ xi măng, cát, đá không đạt yêu cầu đến cán bộ giám sát. Từ phản ánh của người dân, ông Thái- cán bộ giám sát buộc phải yêu cầu nhà thầu thay lại toàn bộ các tấm bê tông nói trên. Chị Liên, một người dân ở đoạn dự án đang thi công nói: “Những tấm bê tông bị bỏ ngổn ngang bên vệ đường đó là bị loại vì chất lượng kém. May mà bị phát hiện sớm chứ không thì nay mai xe chạy đè lên, nó vỡ sập xuống thì chưa biết hậu quả thế nào.

Các tấm bê tông đúc sẵn ở 3 mặt còn lại của 2 rãnh thoát nước chạy dọc QL7A đang thi công này cũng bị người dân phản ánh là thiếu xi măng và không có cốt thép.

Do thi công mương thoát nước trước khi thi công mặt đường nên có 1 số đoạn mặt đường võng xuống. Để đảm bảo đáy 2 rãnh thoát nước 2 bên QL này cân bằng, phẳng, nên một số tấm bê tông ghép 2 bên thành rãnh thoát nước buộc phải... cắt ngọn để “khớp” với cho mặt đường. Khi nhà thầu dùng khoan cắt bê tông để “cắt ngọn” các tấm đúc này, người dân lại thấy kết cấu rất yếu do thiếu xi măng. Đặc biệt, một số tấm bị vỡ, không thấy có cốt thép. Mặt đường 2 bên giáp với 2 rãnh thoát nước, thay vì thi công nền đá, nhựa đường, rải thảm như ở 1 số đoạn khác trên tuyến, nhà thầu này lại sử dụng phương án “bê tông hóa” do vậy trông rất... không giống ai.

Phóng viên Hòa Nhập đã liên lạc được với ông Thái, cán bộ giám sát gói thầu. Ông Thái thừa nhận, có việc nhà thầu thi công các tấm nắp của 2 rãnh thoát nước ở gói thầu này chưa đạt yêu cầu nên đã phải phá bỏ để làm lại. Còn việc có hay không các tấm bê tông dựng đứng ở 2 rãnh thoát nước đoạn này đảm bảo kết cấu hay không, có cốt theo hay bị bớt xén, ông Thái hứa sẽ kiểm tra lại. Phóng viên liên lạc được với ông Đoàn Tiên Phong- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Đại Thành. Giải thích về việc có hàng chục tấm bê tông bị phá bỏ do không đảm bảo kết cấu nêu trên, ông Phong nói: “Do hôm đúc bị trời mưa, chúng tôi chủ quan, thiếu giám sát nên cán bộ kỷ thuật đã làm ẩu. Sau sự việc này, công ty đã đuổi việc cán bộ kỹ thuật đó rồi”

Nhận được phản ánh từ phóng viên Hòa Nhập, ông Đào Văn Minh- Phó Cục trưởng Cục đường bộ II thẳng thắn: “Rất cảm ơn phóng viên Hòa Nhập đã phản ánh kịp thời. Chúng tôi sẽ chỉ đạo cho kiểm tra ngay. Nếu đúng như người dân phản ánh, Cục Đường bộ II sẽ có biện pháp chỉ đạo chấn chỉnh khắc phục và không ngoại trừ yêu cầu nhà thầu này xem lại năng lực, sự trung thực trong thi công”.

Tình trạng nhà thầu rút ruột công trình nhiều năm qua đã trở thành mối lo cho các công trình và nguồn vốn đầu tư của Nhà nước. Các hành “rút ruột công trình” từ các dự án, phần lớn là do người dân phát hiện, phản ánh, báo chí vào cuộc mới được chấn chỉnh giải quyết. Để ngăn chặn tận gốc, triệt để tệ nạn này, phải bắt đầu từ ý thức, đạo đức của nhà thầu và trách nhiệm, đạo đức của cán bộ các cơ quan liên quan được giao giám sát thi công công trình. Dư luận đang đặt ra câu hỏi rằng, ở các gói thầu khác, nhà thầu có thi công gina dối như Công ty CP Xây dựng Đại Thành? Mong rằng, những nghi vấn về chất lượng thi công các gói thầu duy tu, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp trên tuyến QL7A nêu trên được người dân phản ánh trong bài viết này được Cục Đường bộ II chỉ đạo kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời, nghiêm túc.

Tác giả: Thu Hoài- Trần Cường

Nguồn tin: hoanhap.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP