Tin trong tỉnh

Đấu thầu tại thị xã Hoàng Mai (Nghệ An): Định vị mỏ vật liệu gây khó cho nhà thầu ngoại tỉnh

Thời gian qua, hàng loạt gói thầu xây lắp trên địa bàn thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An bị các nhà thầu phản ánh đưa ra tiêu chuẩn kỹ thuật chưa phù hợp với quy định pháp luật về đấu thầu, trong đó, nổi bật là việc chỉ định các mỏ vật liệu cụ thể tại địa phương, vô hình trung giới hạn sự tham dự của nhà thầu ngoại tỉnh, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh trong đấu thầu.

Hồ sơ mời thầu nhiều gói thầu xây lắp trên địa bàn thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An chỉ định các mỏ vật liệu cụ thể tại địa phương. Ảnh minh họa: Tiên Giang

Tháng 4 vừa qua, UBND phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai (Chủ đầu tư) tổ chức lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 01 Toàn bộ phần xây lắp thuộc Dự án Trụ sở làm việc Đảng ủy - HĐND - UBND phường Quỳnh Xuân, với giá dự toán 12,742 tỷ đồng. Theo phản ánh của một đơn vị xây lắp đến từ Hà Tĩnh, dù được đấu thầu rộng rãi, song hồ sơ mời thầu (HSMT) lại mang tính “địa phương hóa”, ngầm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu bản địa thông qua tiêu chí “yêu cầu nhà thầu mua đất đắp tại mỏ Thôn 22, xã Quỳnh Vinh”. Nhà thầu cho rằng, việc chỉ định vị trí mỏ vật liệu cụ thể như tại HSMT gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, vi phạm Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.

Kết quả lựa chọn nhà thầu được phê duyệt ngày 6/4 cho thấy, Công ty TNHH Ngọc Hưng (địa chỉ tại Nghệ An) là nhà thầu duy nhất tham dự và trúng thầu với giá 12,695 tỷ đồng.

Cũng tại UBND phường Quỳnh Xuân, tháng 12/2022, Công ty TNHH Ngọc Hưng được phê duyệt trúng Gói thầu số 01 Xây lắp thuộc Dự án Nhà học 3 tầng Trường Tiểu học Quỳnh Xuân A với giá 13,055 tỷ đồng. HSMT gói thầu này cũng bị phản ánh hạn chế cạnh tranh khi quy định nhà thầu thi công phải mua đất tôn nền tại mỏ Núi Sui (Mai Hùng), cách chân công trình 8 km. Bên cạnh đó, HSMT còn “bó” nhà thầu bằng việc chỉ định nhãn hiệu của các vật liệu thi công như: sơn dầm, trần, tường ngoài nhà bả bằng sơn các loại 1 nước lót và 2 nước phủ Valenta (Công ty CP Sản xuất Sơn Hà Nội); cửa sổ kim loại có khuôn, cánh cửa, thanh nhôm hãng Việt Pháp...

Theo phản ánh của nhà thầu, những tiêu chí hạn chế cạnh tranh tương tự cũng thường xuyên xuất hiện tại các gói thầu xây lắp do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Hoàng Mai mời thầu. Có thể kể đến Gói thầu số 01 Xây lắp thuộc Dự án Kiên cố hóa hệ thống kênh tiêu từ cầu Đập Đắp Quốc lộ 48D đến cầu La Man Quốc lộ 1A (yêu cầu nhà thầu sử dụng đất đắp đê mua tại mỏ đất đồi Chanh, xã Quỳnh Vinh); Gói thầu Xây lắp công trình thuộc Dự án Nâng cấp, mở rộng đường và xây mới hệ thống thoát nước dọc tuyến đường Đặng Tế, xã Quỳnh Liên (nêu đích danh đất đắp mua tại mỏ đất Thôn 22, xã Quỳnh Vinh, cự ly vận chuyển trung bình về công trình 18,72 km)... Hợp đồng thi công các gói thầu này đều được trao cho Công ty TNHH Thái An Thành (địa chỉ tại Nghệ An).

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, một số đơn vị xây lắp cho rằng, việc HSMT định vị mỏ vật liệu cụ thể hoặc giới hạn phạm vi nguồn cung vật liệu trên một địa bàn nhất định có thể cản trở sự tham gia của đông đảo nhà thầu, không loại trừ trường hợp có sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các nhà thầu địa phương và ngoại tỉnh trong việc đàm phán ký kết hợp đồng nguyên tắc với các mỏ đất để bảo đảm điều kiện dự thầu.

Theo một chuyên gia đấu thầu, Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT đã liệt kê các hành vi hạn chế nhà thầu, vi phạm Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, trong đó có hành vi yêu cầu nhà thầu có cam kết hoặc ký hợp đồng nguyên tắc với các mỏ vật liệu cụ thể, trong giới hạn một vùng hoặc một cự ly cụ thể mà chỉ có một hoặc một số ít nhà thầu đáp ứng. Do đó, việc tiếp diễn các yêu cầu này tại HSMT là không phù hợp, cản trở sự tham gia của các nhà thầu. Theo chuyên gia, về nguyên tắc, nhà thầu có quyền dự thầu bằng bất kỳ nguồn vật liệu nào, kể cả trong hay ngoài địa phương nơi thực hiện gói thầu, miễn là đáp ứng trữ lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật theo yêu cầu của HSMT.

Tác giả: Minh Khuê

Nguồn tin: baodauthau.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP