Giáo dục

ĐBQH: Bộ Giáo dục và Đào tạo không có chính kiến rõ ràng

Vấn nạn gian lận trong thi cử tiếp tục là nội dung làm nóng phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế- xã hội sáng 30-5.

ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang)

Đề cập đến vấn nạn gian lận thi cử, đại biểu (ĐB) Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho biết cử tri đang rất bức xúc, mong mỏi phải xử lý nghiêm minh. Phải chỉ ra những thiếu sót trong kỳ thi quốc gia và người chịu trách nhiệm cụ thể, không thể nói “đây hoàn toàn là lỗi địa phương”. Theo ông, gian lận thi cử không chỉ xảy ra ở một địa phương mà ở nhiều nơi.

“Mỗi năm một lần, Bộ thay đổi cách thức thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, càng cải cách thì kết quả càng kém hơn, tiêu cực càng phát hiện nhiều hơn”- ông Hiếu nói.

ĐBQH tỉnh An Giang cũng cho rằng trong ba năm qua, Bộ Giáo dục chưa có tập huấn, chỉ đạo các tỉnh về những kẽ hở khâu thực thi; không có biện pháp khắc phục phần mềm chấm môn tự luận quá lỏng lẻo; bài thi trắc nghiệm không rọc phách, dùng bút chì để khoanh…

Bộ cũng không có đánh giá kết quả thi hàng năm của các tỉnh, thành phố như thế nào. Nếu phân tích kết quả thì không thể không đặt câu hỏi vì sao học sinh khá, giỏi các tỉnh miền núi lại cao hơn học sinh TP Hà Nội, TP.HCM.

Theo ĐB, nếu phúc tra cả nước sẽ phát hiện ra rất nhiều sai phạm trong kỳ thi THPT vừa qua, vì vậy cần phải có giải pháp giải quyết từ gốc một cách hiệu quả.

ĐB Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) nhận xét, chưa nói tới việc gian lận thi cử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2018, giáo dục vẫn được coi là một “khoảng tối”.

“Cần phải ghi nhận những cố gắng của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian vừa qua, nhưng phải thấy rằng từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Bộ vẫn loay hoay với những vấn đề mục tiêu phát triển giáo dục tại Việt Nam mà ít để lại kết quả. Cải tiến lối viết, cải tiến trông thi… nhưng khi sự cải tiến chưa mang lại kết quả rõ ràng thì tiêu cực, sai phạm đã xảy ra”- ông Cương nói.

ĐB Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận)

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết khi tiếp xúc với cử tri trước kỳ họp này, nhiều ý kiến than phiền về chất lượng giáo dục, về bệnh thành tích cũng như tiêu cực trong giáo dục. Điều đó cho thấy người dân không những không yên tâm mà còn mất niềm tin vào giáo dục.

“Nền giáo dục của chúng ta sẽ đi về đâu khi hiện trạng giáo dục như vậy, tiêu cực trong giáo dục còn khá nặng nề, cộng với một thị trường văn bằng chứng chỉ giả rất sôi động. Vừa rồi công an Hà Nội bắt được một vụ thôi đã thu được cả tấn phôi bằng”- ông Cương nói.

Quay lại tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2018, ông Cương cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa nhìn thấy hết những hậu quả tệ hại mà sai phạm đó mang lại.

“Điều đáng nói hơn là khi đã làm rõ được sai phạm, liên quan đến việc công khai danh tính của những học sinh và phụ huynh liên quan đến sai phạm thì Bộ không có chính kiến rõ ràng”- ông Cương nhận xét và cho rằng mất mát lớn nhất của vụ việc này là đạo đức xã hội.

Theo ông, chỉ khi xử lý nghiêm khắc, triệt để vụ việc này mới lấy lại được niềm tin của người dân. “Sau sai phạm 2018, Bộ đang rất nỗ lực cải tiến kỳ thi 2019, để bảo đảm mục tiêu nghiêm túc và an toàn, nhưng ai dám bảo đảm sai phạm đó không xảy ra nữa”- ông lo ngại.

Tác giả: ĐỨC MINH

Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP