Bị cáo Lê Đình Công bị đề nghị y mức án tử hình. ẢNH CHỤP MÀN HÌNH |
Tại bản luận tội, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố cho biết, qua phần xét hỏi công khai tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhận thấy hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm, xâm phạm đến tính mạng của người khác…
Cụ thể, các bị cáo này thường xuyên lôi kéo, kích động quần chúng nhân dân khiếu kiện phức tạp về việc quản lý, sử dụng đất của chính quyền xã Đồng Tâm (H.Mỹ Đức, Hà Nội); sử dụng mạng xã hội tuyên truyền đất đồng Sênh là của xã Đồng Tâm; đồng thời kêu gọi người dân xã Đồng Tâm “đấu tranh để giữ đất”.
Ngoài ra, từ năm 2017 đến đầu năm 2020, ông Lê Đình Kình (đã chết trong vụ việc xảy ra hôm 9.1.2020) đã chỉ đạo “tổ đồng thuận” và nhiều người gây ra nhiều vụ việc phức tạp đến an ninh, trật tự địa bàn, đỉnh điểm là vụ việc xảy ra đêm 8.1, rạng sáng 9.1.2020, khi nhóm người này sử dụng gạch, bom xăng, lựu đạn chống đối lực lượng chức năng, dẫn đến 3 cán bộ công an tử vong.
Theo đại diện Viện kiểm sát, trong vụ án này, cần có bản án nghiêm minh đối với người cầm đầu. Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Lê Đình Công (57 tuổi, con trai ông Lê Đình Kình, người được bản án sơ thẩm quy kết vai trò chủ mưu và tuyên tử hình) thừa nhận hành vi sai phạm, nhưng khẳng định không chủ mưu, cầm đầu; các bị cáo còn lại cơ bản thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Trên cơ sở tài liệu cũng như quá trình xét hỏi công khai, Viện kiểm sát nhận thấy bị cáo Công đã kích động, lôi kéo những bị cáo khác tham gia. Tại phiên tòa, bị cáo Công đã thành khẩn, nhưng với tính chất tội phạm cũng như hậu quả nghiêm trọng xảy ra, Viện kiểm sát thấy chưa có căn cứ giảm nhẹ mức tử hình mà bị cáo đã bị tuyên.
Cũng theo đại diện Viện Kiểm sát, bị cáo Lê Đình Doanh (33 tuổi, là con trai của bị cáo Lê Đình Công, đã bị tuyên mức án chung thân ở phiên sơ thẩm) được đại diện Viện kiểm sát cho là người thực hiện hành vi tích cực, nhưng bị cáo tuổi còn trẻ, bị chi phối bởi ông Lê Đình Kình, nên tòa sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo mức án chung thân là phù hợp…
Đối với các bị cáo còn lạị phạm tội “giết người”, gồm: Lê Đình Chức (41 tuổi, con ông Lê Đình Kình, bị tuyên mức tử hình), Bùi Viết Hiểu (78 tuổi, bị tuyên 16 năm tù), Nguyễn Quốc Tiến (tức Tiến Mạ, 41 tuổi, bị tuyên 13 năm tù), theo Viện kiểm sát, bản án sơ thẩm đã thể hiện được tính nghiêm minh; tại phiên phúc thẩm, các bị cáo không đưa ra được những tình tiết giảm nhẹ mới, nên Viện kiểm sát thấy mức án tại bản án sơ thẩm đối với các bị cáo là phù hợp.
Viện kiểm sát cho rằng, hành vi của các bị cáo là có tổ chức, giết nhiều người, giết người đang thi hành công vụ, nên đề nghị giữ nguyên mức án sơ thẩm đối với các bị cáo.
Đối với bị cáo Bùi Thị Nối, qua phân tích tại phiên tòa, Viện kiểm sát nhận thấy bị cáo đã nhận thức được hành vi phạm tội của mình; tuy nhiên, bị cáo Nối phạm tội với vai trò tích cực, tại thời điểm này bị cáo cũng chưa xuất trình được thêm các chứng cứ mới, nên bản án sơ thẩm (6 năm tù về tội chống người thi hành công vụ), theo Viện Kiểm sát, đối với bị cáo là phù hợp.
Trước đó, như Thanh Niên đã đưa tin, tại phiên xét hỏi hôm 8.3, bị cáo Lê Đình Công đã thay đổi kháng cáo, kêu oan về tội "giết người", chỉ nhận tội "chống người thi hành công vụ". 4 bị cáo khác xin giảm nhẹ hình phạt, còn bị cáo Bùi Thị Nối ngay từ đầu kháng cáo toàn bộ bản án.
Tác giả: Vũ Hân
Nguồn tin: Báo Thanh niên