Vi phạm vùng biển nước ngoài, tàu cá QNg 90518TS bị tước giấy phép vĩnh viễn |
Trong 2 ngày (6 và 7/5), Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam-Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã tiến hành kiểm tra việc triển khai công tác kiểm soát hành chính tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài tại BĐBP Bạc Liêu. Ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh ven biển như Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang… là những địa phương có thế mạnh về khai thác biển. Bạc Liêu có tiềm năng hải sản khá lớn với hơn 660 loài cá, 33 loài tôm, sản lượng đánh bắt mỗi năm từ 60.000 - 70.000 tấn; trong đó có khoảng 10.000 tấn tôm.
Nhằm kiểm soát chặt chẽ việc ngư dân sang nước ngoài đánh bắt trái phép, tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo ngành chức năng thực hiện hiệu quả việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó, kiểm tra, xác minh và xử lý các chủ tàu móc nối, tự ý đưa tàu đi khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài bất hợp pháp hoặc tự liên hệ để chuộc tàu mà không thông tin cho các cơ quan chức năng.
Tỉnh cũng chủ động phối hợp với các địa phương, BĐBP, tổ chức đoàn thể tăng cường tập huấn, tuyên truyền hướng dẫn cho ngư dân với nội dung, hình thức phù hợp. Các cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu đã hướng dẫn ngư dân cam kết không vi phạm các quy định về khai thác thủy sản, đặc biệt không vi phạm vùng biển nước ngoài trong đánh bắt thủy hải sản.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung cho biết: “Bạc Liêu kiên quyết không cấp giấy phép khai thác thủy sản cũng như không cho đóng mới đối với chủ tàu tái phạm. Tàu cá bị bắt giữ phải trả tiền chuộc, thả hoặc trốn về nước phải tạm dừng chuyển quyền sở hữu và tước quyền giấy phép khai thác thủy sản trong 6 tháng. Đồng thời không được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước”.
Thời gian qua, BĐBP Bạc Liêu đã làm tốt công tác nắm tình hình, quản lý chặt chẽ địa bàn, vùng biển. Các đơn vị BĐBP Bạc Liêu đã triển khai theo dõi, quản lý các phương tiện hành nghề trên biển chặt chẽ, khoa học, có phần mềm quản lý các tàu đánh bắt xa bờ. Nhờ vậy, việc vi phạm quy chế vùng biển thời gian gần đây đã giảm rõ rệt. Trong năm 2017 và 4 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu chỉ có 1 vụ ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam yêu cầu: “Lực lượng biên phòng cần chủ động hơn nữa trong nắm tình hình, kiểm soát, quản lý chặt chẽ người, phương tiện ra vào hoạt động trên biển; làm tốt khâu quản lý tại địa bàn, kiểm soát có trọng điểm. Thực hiện tốt 4 biết (biết phương tiện; biết chủ phương tiện; biết nơi ở và nghề nghiệp) tiến tới chấm dứt việc ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài”.
Tại Kiên Giang, ngày 7/5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, tỉnh đã công khai trong cộng đồng và trên phương tiện thông tin đại chúng về tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp. Văn bản của Sở nêu rõ, ngày 25 hàng tháng sẽ công bố công khai danh sách tàu cá và chủ tàu vi phạm về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang đã tổng hợp danh sách tàu cá, chủ tàu vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.
Theo đó, từ ngày 1/1/2018 đến 1/3/2018 đã có 8 tàu cá, chủ tàu ở huyện Châu Thành, Kiên Hải, Phú Quốc và TP.Rạch Giá bị lực lượng các nước Malaysia, Thái Lan, Campuchia bắt giữ. Việc công khai danh sách vi phạm của tàu cá và chủ tàu tỉnh Kiên Giang thể hiện quyết tâm lớn của địa phương này nhằm thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, qua đó giữ uy tín, thương hiệu thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
Tỉnh Phú Yên, Bình Thuận thực hiện quyết liệt hơn trong việc ngăn chặn tàu cá đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài bằng cách xử lý lãnh đạo địa phương. Công văn số 5380/UBND-KT ngày 2/10/2017 của UBND tỉnh Phú Yên nêu rõ, trong thời gian tới, nếu không ngăn chặn được tình trạng tàu cá và ngư dân của tỉnh khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và người đứng đầu chính quyền các cấp, Thủ trưởng các sở, ngành có liên quan phải chịu tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý cụ thể và chịu tránh nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
Thời gian qua, tỉnh Phú Yên đã đề nghị Công an tỉnh tăng cường công tác nắm tình hình, điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng, tổ chức đưa tàu cá và ngư dân ra nước ngoài khai thác hải sản trái phép hoặc môi giới chuộc tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ về nước không đúng quy định. Tổ chức cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm vùng biển nước khác khi xuất bến hành nghề trên biển để làm cơ sở xử lý khi vi phạm.
Kiên quyết không cho xuất bến đối với chủ tàu, thuyền trưởng không thực hiện việc cam kết không khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài. Yêu cầu chủ tàu (thuyền trưởng) bật 24/24 thiết bị kết nối vệ tinh Movimar gắn trên tàu cá đảm bảo kết nối thông suốt với trạm bờ giúp cơ quan chức năng có biện pháp quản lý, kịp thời phát hiện, cảnh báo các phương tiện xâm phạm vùng biển các nước.
Tác giả: Lam Hạnh
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam