Đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định, việc đề thi sử dụng cùng một ngữ liệu là hoàn toàn bình thường. "Sự khác nhau là cùng ngữ liệu đó nhưng mỗi đề thi có yêu cầu cụ thể khác nhau (phân tích, đánh giá, bình luận, nhận xét…)", vị đại diện nói.
Theo thông tin lan truyền trên mạng xã hội vào sáng nay, nội dung đoạn ngữ liệu trong phần Làm văn đề thi thử tốt nghiệp của Sở GD&ĐT Nghệ An gần giống với đề thi chính thức của Bộ GD&ĐT. Đó là cùng trích từ truyện ngắn "Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân và nội dung câu hỏi có phần tương đồng nhau.
|
Đề chính thức của Bộ GD&ĐT (bên phải) và đề thi thử môn Văn của Sở GD&ĐT Nghệ An (bên trái). |
Đề môn Ngữ văn tại kỳ thi thử tốt nghiệp THPT lần thứ 2 năm 2023 của Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức ngày 15 - 16/4 cũng dẫn đoạn trích nói trên kèm theo yêu cầu: "Anh/chị hãy phân tích đoạn trích trên. Từ đó nhận xét sự mới mẻ của nhà văn Kim Lân khi viết về đề tài người nông dân trước cách mạng tháng Tám".
Còn đề Văn chính thức yêu cầu: "Anh/chị hãy phân tích đoạn trích trên, từ đó nhận xét cách nhìn cuộc sống của nhà văn Kim Lân được thể hiện trong đoạn trích".
Cô Nguyễn Phương Oanh, giáo viên dạy Văn ở Hà Nội đánh giá, yêu cầu của hai đề thi gần giống nhau, "nhận xét sự mới mẻ" và "nhận xét cách nhìn cuộc sống" có nội hàm ý hỏi tương đồng nhau.
Tuy nhiên, cô cho rằng, sự tương đồng về ngữ liệu đoạn trích này không bất thường. Đây không phải lần đầu tiên xuất hiện sự việc như vậy. "Các năm trước, sau khi kết thúc môn Văn thi tốt nghiệp THPT, nhiều thí sinh, giáo viên cũng tìm ra những sự tương đồng như vậy", cô nói.
Sở GD&ĐT Nghệ An từ chối lên tiếng về sự trùng lặp này. "Sở GD&ĐT làm đúng quy trình và hướng dẫn với thi thử, ngữ liệu trích từ sách giáo khoa, trùng lặp là điều dễ hiểu", một cán bộ của Sở cho biết thêm.
Thông tin nhanh về ngày thi đầu tiên, Bộ GD&ĐT cho biết, cả nước có 1.012.060 đăng ký dự thi tốt nghiệp với 63 hội đồng thi, gồm 2.272 điểm thi và 43.032 phòng thi. Cả ngày có 13 em vi phạm quy chế thi. |
Tác giả: HÀ CƯỜNG
Nguồn tin: Báo VTC News