|
Ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH, chia sẻ như vậy tại hội thảo đối thoại những điểm mới trong Bộ luật Lao động sửa đổi do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 5-4.
Theo đó, phương án 1, kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động tăng mỗi năm ba tháng đối với nam và bốn tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Phương án 2, kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động tăng mỗi năm bốn tháng đối với nam và sáu tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Theo ông Thiện, hiện nay tuổi nghỉ hưu của nam là 60, nữ 55. Tuy nhiên, nhằm thích ứng với xu hướng già hóa dân số và tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đồng thời tận dụng tối đa nguồn nhân lực có kinh nghiệm, chất lượng để phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm cân đối quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra hai đề xuất trên.
“Nhưng đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm hoặc muộn hơn năm tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung” - ông Thiện lưu ý.
Một điểm mới của luật lao động cũng được ông Mai Đức Thiện nhắc tới là quy định giờ làm thêm. Theo đó, dự thảo lần này mở rộng khung thỏa thuận về thời giờ làm thêm với hai phương án.
Cụ thể, phương án 1, quy định số giờ làm thêm tối đa là 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt doanh nghiệp có nhu cầu và người lao động đồng ý thì hai bên thỏa thuận làm thêm giờ không quá 400 giờ/năm.
Phương án 2, giữ nguyên quy định hiện hành (làm thêm giờ không quá 200 giờ/năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm).
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM bên hành lang hội thảo, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng tuổi nghỉ hưu là một vấn đề được xã hội quan tâm và bàn luận rất nhiều. Với sự ra đời của Nghị quyết 28/2018 của Ban chấp hành Trung ương, có thể nhận định đây là thời điểm chín muồi để xét điều chỉnh tuổi nghỉ hưu.
“Tuy nhiên, việc tăng tuổi nghỉ hưu phải bám sát Nghị quyết 28. Trong đó phải có lộ trình tránh tăng sốc, tầm nhìn dài hạn, giảm dần khoảng cách giữa nam và nữ, đảm bảo các quyền lợi của người lao động…” - ông Quảng nhấn mạnh.
Đối với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Quảng khẳng định rất quan tâm đến lực lượng lao động trực tiếp, những người làm việc ở khu vực nặng nhọc, độc hại. Bởi vì thực tế hiện nay nữ nghỉ hưu ở tuổi 55, nam 60 nhưng lao động ở các khu vực này đều nghỉ hưu trước tuổi.
Vì vậy, ông Quảng cho rằng cần có cơ chế giải quyết cho các lao động trực tiếp. Cụ thể như cho người lao động được lựa chọn hưởng sớm các chính sách BHXH. “Còn nâng tuổi bốn tháng cho nữ, ba tháng cho nam hay sáu tháng cho nữ, bốn tháng cho nam cần phải tính toán kỹ hơn” - ông Quảng nói.
Liên quan đến giờ làm thêm, ông Quảng cũng cho rằng có thể nâng thời gian làm thêm giờ nhưng phải xem xét tổng thể nhiều vấn đề như sức khỏe người lao động, giờ làm việc chính thức, an toàn lao động, xu hướng thế giới…
Tác giả: VIẾT LONG
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM