Trong nước

Đề xuất thay đổi giờ làm việc: Công chức chỉ ra nhiều điểm bất cập

Đề xuất thay đổi giờ làm việc buổi sáng của các cơ quan hành chính nhà nước ngay khi được đưa ra đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Trong dự thảo Luật Lao động sửa đổi vừa được công bố lấy ý kiến, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất thay đổi thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trong toàn quốc từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút, trừ bộ phận làm việc 24/24h. Theo đó, thời gian làm việc này sẽ được quy định cứng trong Luật Lao động.

Trước đề xuất này, ông Đỗ Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng, thời gian bắt đầu làm việc của cơ quan hành chính lúc 8h30 là quá muộn, sẽ ảnh hưởng đến việc đưa đón con đi học của các cán bộ, công chức.

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất các phương án thay đổi giờ làm việc tại cơ quan hành chính nhà nước. (Ảnh minh họa, nguồn: KT)

Ông Ngọc Anh cho rằng, giờ làm việc nên để các địa phương tự điểu chỉnh cho phù hợp với khí hậu và đặc điểm dân cư từng vùng miền.

Hiện đang công tác trong một cơ quan hành chính của TP Hà Nội, chị Nguyễn Lê Xuân (Yên Hòa, Cầu Giấy) cho biết: “Cơ quan tôi làm việc từ lúc 8h sáng, nhưng các con lại vào học lúc 7h15. Ngày nào tôi cũng đưa con đi học, đợi gần nửa tiếng mới đến giờ làm việc. Nếu thay đổi thời gian muộn hơn, thì sẽ có một khoảng thời gian buổi sáng nhiều phụ huynh phải lang thang quán xá, đợi đến giờ làm việc sau khi đưa con đi học, nhưng đến buổi chiều lại không có người đón con vì đi làm về muộn”.

Hơn nữa, chị Xuân cho rằng, mỗi cơ quan, ngành nghề có những đặc thù khác nhau, do đó rất khó để quy định “cứng’ về thời gian làm việc cho tất cả các cơ quan hành chính trên cả nước.

“Tôi cho rằng, cần đảm bảo số giờ làm việc theo quy định chung. Điều chúng ta cần quan tâm là hiệu quả công việc”, chị Xuân nêu quan điểm.

Còn theo anh Trần Đình Tuấn (Nam Sách, Hải Dương), thực tế thời gian làm việc của các cơ quan hành chính thường bắt đầu từ lúc 8h sáng. Tuy nhiên, ít nơi nào có thể bắt đầu công việc ngay thời điểm này mà ít nhiều mất một khoảng thời gian cho việc “chè thuốc” đầu giờ. “Nếu để đến 8h30 mới làm việc, thì người dân lại phải chờ lâu hơn nếu như có việc cần giải quyết. Nhiều doanh nghiệp tại địa phương bắt đầu làm việc từ 8h sáng, nếu cơ quan hành chính bắt đầu làm việc từ 8h30 thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của người dân, doanh nghiệp”.

PGS.TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu quốc hội khóa 13 cho rằng, Bộ LĐ-TB-XH muốn hướng đến thống nhất khung giờ làm việc chung cho tất cả các địa phương. Tuy nhiên, Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm, mưa nhiều, nên việc bắt đầu công việc quá muộn sẽ rất nóng lực. Việc thay đổi giờ làm sẽ tác động đến toàn xã hội, do đó cần lấy ý kiến rộng rãi và xem xét tác động đa chiều.

“Việt Nam nên giữ nguyên khung giờ làm việc như cũ. Nếu bắt đầu từ 8h30 là hơi muộn, buổi trưa nghỉ 60 phút cũng quá ngắn, nghỉ trưa 90 phút sẽ hợp lý hơn. Không phải cơ quan nào cũng có nhà ăn ngay trong cơ quan. Nhiều người phải ra ngoài ăn, nên thời gian này không đảm bảo.

Hơn nữa, cũng nên linh hoạt giờ làm việc tại các địa phương. VD như Hà Nội, TP HCM bắt đầu làm việc từ 8h sáng, nhưng vùng núi có thể muộn hơn vì điều kiện giao thông đi lại khó khăn hơn. Nếu giờ tan sở là 5h30 sẽ rất bất tiện cho các gia đình có con nhỏ, vì giờ tan học tại các trường sớm hơn. Trong khi đó, không phải ai cũng có tiền thuê người giúp việc hay gửi con bên ngoài.

Cần tính toán kỹ để đảm bảo sức khỏe, không gây xáo trộn cuộc sống người lao động, từ đó mới đảm bảo hiệu suất công việc”, bà An nhấn mạnh.

Tinh thần của Chính phủ là lắng nghe

Lý giải về nguyên nhân đưa ra đề xuất thay đổi giờ làm việc của cơ quan hành chính, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp cho biết, hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng, cần kết nối liên thông giờ làm việc để mọi chỉ đạo từ Trung ương xuống địa phương hoặc từ địa phương lên Trung ương được đảm bảo về mặt giờ giấc. Do đó, mới quy định thống nhất giờ làm việc từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút để cơ quan hành chính kết nối làm việc với nhau, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng, giờ làm việc còn phải căn cứ vào điều kiện về thời tiết, khí hậu. Ví như miền Nam trời nắng nóng nên giờ làm việc cần phải sớm hơn. Trong khi đó, các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc thì người dân đi làm sớm sẽ rất khó khăn vì vào mùa Đông khí hậu rất lạnh... Hoặc còn phải căn cứ vào môi trường thành thị, nông thôn...

Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, không nhất thiết phải ngồi tại cơ quan mới làm việc được mà đã có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin. Vì thế, Bộ LĐ-TB-XH đã đề xuất 2 phương án.

Nêu quan điểm cá nhân, ông Diệp cho rằng: “Thời nay đã có sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật thì việc thống nhất làm việc theo một thời gian quy định không quá quan trọng. Nhiều quốc gia khác họ cũng quy định thời gian làm việc linh hoạt, miễn sao hiệu quả.

Chính vì thế chúng ta cũng không nhất thiết phải thống nhất giờ làm việc cụ thể. Nhưng vì trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Lao động đã có những ý kiến nên Bộ LĐ-TB-XH mới đưa ra 2 phương án như vậy.

Tinh thần của Chính phủ là lắng nghe. Có ý kiến thì đưa ra bàn thảo mặt được và không được. Nên như thế nào? Việc điều chỉnh cùng giờ thống nhất cũng liên quan đến rất nhiều đơn vị khác như nhà trẻ mẫu giáo, các trường học, doanh nghiệp...để người dân, người lao động có thể tiếp xúc được với cơ quan nhà nước”.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, Bộ LĐ-TB-XH đưa ra 2 phương án để lắng nghe ý kiến từ nhiều phía, sau đó đưa qua Quốc hội bàn thảo và quyết định./.

Tác giả: Nguyễn Trang

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP