Giáo dục

Đến Hương Sơn xúc động gặp lại thầy giáo sau 30 năm

Sau ngày thực tập sự phạm cho đến khi tốt nghiệp Đại học ra trường, thầy giáo Bùi Nhân Sâm trở về quê hương (ở huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) dạy học. Sau 30 năm trời “bặt vô âm tín”, nhờ mạng xã hội mà một ngày gần đây thầy đã tìm và liên lạc được với hầu hết các học trò cũ chúng tôi. Mới đây, tôi được gặp lại, thầy không còn đi dạy học nữa mà trở thành Bí thư Huyện ủy của huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.

Thầy giáo Bùi Nhân Sâm đưa ảnh lên mạng để tìm học trò 30 năm trước


Thật may mắn, có dịp được đi cùng đoàn văn nghệ sỹ lên huyện miền núi Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) dự trại sáng tác văn học nên tôi mới có dịp gặp lại thầy giáo cũ hơn 30 năm trời “bặt vô âm tín”.

Suốt hành trình cùng đoàn văn nghệ sỹ hướng về miệt rừng Hương Sơn hun hút, vẫn biết đây là vùng đất nổi tiếng cảnh đẹp người xinh, nhưng trong đầu chưa nghĩ ra cái gì để viết. Bỗng lóe lên những câu chuyện cảm động về một thầy giáo cũ thực tập môn Sinh vật của chúng tôi thời mới bước chân vào học lớp 10 của Trường cấp 3 Phan Đăng Lưu, huyện Yên Thành, Nghệ An. Nghe đâu thầy từng dạy học và đang công tác ở chính cái huyện miền núi mà chúng tôi sắp đặt chân đến này.

Sau bữa cơm trưa nuốt vội, chiều cùng đoàn lại lang thang qua một số cánh đồng làng của miền đất Hương Sơn. Đúng là vùng quê tuyệt đẹp. Mặc dù khí hậu quanh năm khắc nghiệt của vùng miền Trung nắng gió nhưng vẫn không làm mất đi vẻ đẹp của các cánh đồng lúa vàng ươm, vườn cây lá sum suê. Lục cục mãi rồi cũng qua người này người kia tôi tìm xin được số điện thoại của thầy, nhưng bấm gọi thì không thấy có người cầm máy. Đến khi xe chạy qua con sông Ngàn Phố xanh mướt, tôi chợt nhớ lại bài thơ “Mùa hoa bưởi” của một tác giả nào đó từng được in trong sách giáo khoa thời đang học lớp 2 hay lớp 3 gì đó, tôi “lôi ra” đọc cho nhà văn Nguyễn Ngọc Lợi ngồi bên cạnh nghe. Vừa đọc đến câu “Đẹp lắm anh ơi con sông Ngàn Phố/ Sáng cả đôi bờ hoa bưởi trắng phau” thì bỗng chuông điện thoại trong túi reo inh ỏi. Vừa bấm máy trả lời thì đầu dây bên kia đã cất tiếng nhỏ nhẹ y đúc tiếng của ông giáo thực tập năm xưa quê gốc Hà Tĩnh.

“A lô! Xin lỗi ai lúc trước gọi Sâm đó ạ?”. Giọng nói êm ấm của thầy làm tôi xúc động vô cùng, vì non 3 thập niên giờ mới được nghe tiếng thầy giáo mà tôi rất ấn tượng. Tôi liền thưa: “Dạ. Em chào thầy ạ!” .

Hình như nghe cách xưng hô của tôi, mặc dù chưa biết là ai nhưng thầy chắc chắn đây là học trò cũ rồi.

-Dạ. Em là… đây thầy ơi! Cái thằng tròn tròn nhà nghèo nhất lớp ngày xưa đây ạ…!

Thầy Sâm và lớp học trò cũ sau 30 năm gặp lại.


Cuộc trò chuyện điện thoại ngắn ngủi trên xe khi băng qua triền đê của con sông Ngàn Phố để hướng về khu vườn dược liệu nổi tiếng Hải Thượng Lãn Ông mà đoàn chúng tôi đang tìm đến. Và quả nhiên, sau cú điện thoại là cuộc hẹn đêm đầu tiên trên đất Hương Sơn tĩnh mịch này thầy trò đã không thể bỏ qua cơ hội gặp lại nhau. Điểm hẹn một nhà hàng xinh đẹp, đủ lãng mạn của miền sơn cước để cùng nhau uống chén rượu hàn huyên. Khi chiếc taxi dừng lại, vừa bước chân ra khỏi cửa thì bất ngờ là từ xa thầy đã nhận ra tôi, cậu học trò “khiêm tốn chiều cao” ngày xưa ấy. Hai thầy trò xúc động dâng trào ôm chặt lấy nhau, mặc cho còn bao người xung quanh đi cùng với thầy mà tôi chưa kịp chào hỏi.

Ôi! Hơn 30 năm rồi mà thầy trông rất trẻ, không già hơn cậu học trò ngày xưa mà thầy đang ôm chặt đây là mấy. Và rồi trong căn phòng của một nhà hàng khá sạch đẹp của miền biên viễn này bao nhiêu kỷ niệm của thầy- trò bắt đầu ùa về.

Nói thật, trước khi đến để gặp lại thầy, tôi rất sợ thầy nhầm mình với một cậu bạn học trong lớp siêu quậy ngày ấy. Cậu bạn đã bao lần làm cho các thầy cô đi thực tập điêu đứng. Nhớ nhất là lần có cô giáo sinh thực tập vào dạy Toán, không biết loay hoay thế nào mà để cậu bạn siêu quậy “bớp” lấy giáo án của cô, đút vào ngăn bàn học của cậu. Tìm mãi không thấy giáo án đâu thì làm sao dạy được, khiến cô giáo thực tập bật khóc. Thấy vậy, thầy Hải dự giờ hồi đó đã phải lên dạy thay. Tưởng mọi chuyện êm xuôi thì ngay khi trống trường điểm giờ ra chơi, thầy Hải “ra đòn” bắt cả lớp ngồi yên một chỗ để đi kiểm tra cặp và ngăn bàn từng người một xem bạn nào đã thu giáo án của cô giáo thực tập. Quả nhiên, chưa kịp kiểm tra thì cậu bạn đã lôi giáo án ra xin lỗi trả lại cho cô giáo. Mặc dù sau khi xin lỗi và cô giáo thực tập đã thứ lỗi, nhưng cái kết là cuối tuần bạn ấy đã được thầy Hiệu trưởng Chu Văn Tần mời lên phòng cho “uống nước trà” và kèm theo giấy mời phụ huynh lên gặp Ban giám hiệu để xử lý tội trạng của cậu.

Sở dĩ tôi sợ thầy nhầm tôi là vì cậu bạn hồi đó cũng tròn tròn, thâm thấp như tôi. Với lại, nó là người cùng xóm và thường hay đi học trên con đường làng với nhau. Nghe tôi nói xong thầy bật cười và trả lời: “Em là em, bạn ấy là bạn ấy. Làm sao thầy nhầm được. Ngày xưa vùng quê Yên Thành nhiều nhà nghèo, ai cũng giống nhau cả mà”.

Trở lại câu chuyện của hơn 30 năm về trước, tôi nhớ mãi ngày đầu tiên thầy và cô Hòa bước chân vào lớp để giới thiệu. Khi vừa giới thiệu tên thầy là Sâm xong, một cậu bạn khác ngồi bàn bên cạnh bằng giọng Diễn Châu liền tinh nghịch “thầy nhân Sâm”.

Thầy giáo Bùi Nhân Sâm - Hiện là Bí thư Huyện ủy Hương Sơn.


Hồi ấy, ngoài các buổi lên lớp để ổn định 15 phút đầu giờ mỗi ngày, nhiệm vụ của các thầy cô giáo thực tập còn phải tham gia dự giờ, giảng dạy. Ngoài ra, gặp những dịp trường lớp có lao động, ngoại khóa thì các thầy cô đều tham gia rất năng nổ. Năm ấy, thầy Sâm và đoàn thực tập về đúng dịp nhà trường thuê đất của bà con thị trấn Yên Thành để sản xuất vụ 3; chủ yếu sản xuất xu hào, bắp cải, rau thơm và xà lách. Hình ảnh “ông giáo sinh” thực tập bao năm ngồi mòn trên ghế giảng đường đại học chỉ chuyên tâm đèn sách mà giờ lại cùng nhóm học trò lớp 10 liu tiu vác trên vai chiếc cuốc ra đồng xẻo bờ cỏ, xới đất để tăng gia sản xuất như người nông dân thực thụ. Hình ảnh thầy lúc ấy làm tôi không bao giờ quên, vì mấy bạn nữ trong lớp thì thầm với nhau rồi toét miệng lên cười trộm, vì chúng nó phát hiện ra... chân thầy Sâm bên to, bên nhỏ. Cô Hòa thực tập nhìn sang buông một câu: “nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”… Rồi cô thúc dục cả lớp tiếp tục lao động đi.

Đang say sưa nhiều câu chuyện về quãng đời Sinh viên đi thực tập đầy ắp kỷ niệm, thầy rót thêm hai chén rượu quý rồi nói “trăm phần trăm đi, cạn ly rồi ta kể tiếp”. Cạn ly xong thầy gợi lại làm tôi rất xúc động. Thầy nhớ lại, ngày đó nhà em thuộc diện nghèo nhất lớp, nhưng vì sao thầy lại thân tình với em được cho là nhất lớp. Ngoài chuyện học không bàn, còn lại nếu ai yêu quý thầy cô thì thầy cô đều biết yêu quý lại em ạ. Thầy nói khẽ khàng.

Ngày đi thực tập trên đất Yên Thành dù chỉ một khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng phần nào thầy đã hiểu được văn hóa con người quê lúa. Thầy nhớ lại, hồi đó dân chỗ nào cũng nghèo như nhau. Về thực tập hai tháng trời nhưng hầu hết các giáo sinh không bữa nào có ăn sáng. May là bà con thị trấn ở xung quanh ngôi trường Phan Đăng Lưu họ rất quý mến các thầy cô thực tập. Người thì cho khoai, người biếu củ sắn, có hôm có cụ già biếu mớ rau xanh, rồi thì người cho mớ cá hổ lốn mới bắt được ngoài sông mang về… nên cũng đỡ đần.

Có lần thầy cô thực tập cùng với cả lớp đến thăm nhà tôi. Chẳng có gì đãi ngộ, cha tôi vội chạy vào nhà sắp rổ khoai lang mang ra giếng nước rửa sạch rồi bỏ vào cái nồi đất, sau đó tủ lên hai lá bầu rợ rồi mới nắp chiếc vung lại, ông bắc bếp đun bằng rơm khô cháy khói bay mù mịt cả cái bếp lợp tranh rạ. Hôm ấy có mấy đưa bạn cùng lớp tôi là cái Tùng, cái Thìn, thằng Trung, thằng Hải… dân thị trấn không quen nấu nướng bằng rơm rạ như ở quê tôi, khói nhiều quá đã bị sặc và bịt mũi tháo chạy ra ngoài sân kêu trời. Gần 30 phút sau, cha tôi bưng nồi khoai luộc đổ ra một cái rổ đan bằng tre. Khoai vừa chín tới nên khói bốc lên nghi ngút. Cả thầy lẫn trò hồi đó hồn nhiên ngồi bên rổ khoai lang vụ đông ăn vô tư những củ khoai nóng hôi hổi.

Thầy nhắc lại câu chuyện này làm nhớ lại hình ảnh cha tôi vô cùng. Vì nay cha đã mất. Hồi đó nhà nghèo, thân hình cha khi nào cũng gầy gò, có những ngày công việc nhiều đến còng cả lưng. Có điều đặc biệt đó là dù nghèo khó đến mấy cha cũng động viên 5 anh em chúng tôi cố gắng theo đuổi cái chữ để sau này mà kiếm chút tương lai. Nhất quyết không được một đứa nào bỏ học. Câu chuyện quanh cái rổ khoai lang của đất Yên Thành ngày ấy thôi cũng đủ khiến thầy trò chúng tôi vô cùng xúc động.

Thầy Sâm và lớp học trò cũ tại đền thờ Danh y Hải Thượng Lãn Ông.


Sở dĩ trong chuyến đi dự trại sáng tác ngắn ngủi về miền đất Hương Sơn, Hà Tĩnh, nhưng tôi quyết tâm tìm gặp cho bằng được thầy giáo cũ của mình là vì trong tôi luôn quan niệm: “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Đã lên đến Hương Sơn thì cố mà tìm gặp thầy cho bằng được. Phải chăng, vì trước đó có một câu chuyện rất cảm động thế này, vô tình mở máy tính vào mạng xã hội xem thì tôi thấy có một giảng viên của trường ĐH Vinh đưa ảnh của nhóm bạn học cũ lớp tôi ngày xưa lên Faceboook, bên cạnh được đính kèm ảnh ảnh đại diện của thầy Sâm kèm theo dòng chữ. “Có thầy giáo ngày xưa đi thực tập lớp 10 Trường THPT Phan Đăng Lưu, thầy rất nhớ học trò nhưng không có cách gì để tìm gặp và liên lạc được. Ai biết những người trong ảnh này thì nhờ kết nối giúp”.

Vừa đọc được mấy dòng trên, tôi nhận ra ngay đó là thầy giáo cũ thực tập của mình. Lập tức chụp lại toàn bộ thông tin trên gửi thông báo trên nhóm của lớp trong zalo cũng như trên fb. Lập tực mọi người được kết nối với thầy qua online ngay từ hôm đó. Thời buổi công nghệ hiện đại như thế này thì không khó để liên lạc với nhau, nhưng thầy trò mất đầu mối liên lạc 30 năm trước, ngay từ ngày thầy về thực tập rồi chia tay rời khỏi mái trường Phan Đăng Lưu thân yêu của chúng tôi.

Trong men rượu nồng nồng thầy nhớ lại, ngày ấy sau khi thực tập xong, chia tay ra về mà thầy không có tiền xe để vào lại trường ĐH Vinh, cả lớp tôi góp mỗi bạn ít hào làm quà biếu thầy để có tiền xe đi về. Một thời gian sau khi tốt nghiệp đại học ra trường, thầy về dạy học cấp 3 ở một trường huyện miền núi Hương Sơn. Sau đó không biết duyên phận với nghề nghiệp thế nào mà thầy đã chuyển qua ngạch công chức khác. Hết sang huyện rồi lên tỉnh và hiện tại thầy là Bí thư Huyện ủy Hương Sơn. Bí thư chính cái mảnh đất miền núi còn nghèo nhưng đẹp và nổi tiếng trong lịch sử, mà đoàn chúng tôi vừa đặt chân tới. Khi biết được thông tin này, cả lớp ai cũng ngỡ ngàng và vui mừng cho thầy giáo cũ của mình đã và đang có một con đường công danh rộng mở. Với đức tính hiền lành và trí tuệ này, ai cũng tin thầy giáo cũ của mình còn có thể làm được nhiều điều tốt đẹp hơn thế nữa cho xã hội nói chung và nhân dân Hương Sơn, Hà Tĩnh nói riêng.

Chia tay với thầy giáo cũ, chia tay mảnh đất Hương Sơn đầy ắp nghĩa tình. Xe của đoàn văn nghệ sỹ (thuộc Hội VHNT Nghệ An) chúng tôi xuôi về Khu di tích Ngã Ba Đồng Lộc để kính cẩn dâng lên các Anh hùng Liệt sỹ đã hy sinh nơi đây những nén hương lòng đầy thành kính./.

Tác giả: Phan Sáng (Nhà Văn)

Nguồn tin: tamnhin.trithuccuocsong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP