Cuộc sống

Đi chợ thấy chị dâu mua thước dây, tôi hỏi dò thì phát hiện chuyện đại nghịch bất đạo ả toan làm với mẹ chồng

Thật không ngờ chị dâu lại có những suy nghĩ bệnh hoạn đến vậy.

Chắc hẳn gia đình nào có người thân mắc bệnh ung thư cũng sẽ hiểu, nó như một bản án tử treo lơ lửng trên đầu. Kéo theo căn bệnh hiểm nghèo quái ác là biết bao áp lực về tinh thần, tài chính, dần dần ăn mòn và làm kiệt quệ không chỉ mỗi người bệnh mà còn cả với các thành viên khác nữa.

Tuy nhiên, cũng chẳng thể bỏ mặc người bị bệnh, vì dù sao họ cũng là người thân máu mủ ruột rà với mình. Còn nước còn tát, cả nhà phải cùng nhau chiến đấu tới giây phút cuối cùng.

Sau khi lấy chồng được tầm năm rưỡi, mẹ chồng tôi mắc bệnh ung thư gan giai đoạn 2. Bà ấy là một người phụ nữ cũng ngoài 60 rồi nên trước giờ trong người có dấu hiệu gì đều chỉ chữa mẹo, hoặc để vài hôm tự khỏi chứ chẳng mấy khi đến bệnh viện thăm khám bác sĩ. Tới lúc bệnh tình trở nặng, cơn đau liên tục kéo dài thì mẹ chồng tôi mới đi xét nghiệm, để rồi cầm trên tay kết quả không tốt đẹp chút nào. Tôi còn nhớ ngày biết bản thân bị bệnh, mẹ chồng đã òa khóc nức nở, rồi nhịn ăn luôn hơn ngày trời. Phải đến khi anh cả lẫn chồng tôi động viên thì bà mới phấn chấn thêm một chút.

Ảnh minh họa.

Tất nhiên, trong cái rủi lại có những tia sáng tích cực. Thời gian đầu mẹ chồng xạ trị, vì sống gần nhà bà ấy nên tôi chú ý nhiều tới chế độ dinh dưỡng. Tôi cũng đứng ra đảm nhiệm luôn việc nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, để mỗi khi mẹ chồng từ viện về đều cảm thấy tâm trạng tích cực. Về chuyện trông nom mẹ khi trên viện, một tuần bà vào xạ trị vài lần thì sẽ chia đôi cho hai người con trai. Bố chồng đã mất từ lâu nên giờ chỉ có con cái là niềm hi vọng đỡ đần được mọi thứ. Tôi thấy tình cảm gia đình, mẹ chồng nàng dâu từ đây cũng tăng thêm nhiều nấc tích cực đáng kể.

Ấy vậy, một chuyện xảy ra ngày hôm qua làm cho tôi suy nghĩ vô cùng. Xin mạn phép kể ra với mọi người.

Chị dâu tôi là chị T. Chị ấy lấy chồng trước tôi vài năm và đã sinh được một trai một gái. Anh cả đi làm việc là chủ yếu, gánh vai trò kiếm tiền trong gia đình. Còn chị T thì đảm nhiệm nội trợ. Không giống như nhà tôi - hai vợ chồng đều đi làm để cùng nhau xây dựng tổ ấm. Thêm nữa, tôi cũng chưa có thai nên ngày đêm trông ngóng sinh linh bé nhỏ gõ cửa. Tôi định bụng giờ mà có thai thì chắc mẹ chồng vui phải biết, tinh thần cũng cải thiện để chữa bệnh tốt hơn.

Hôm qua, tôi ra chợ mua nguyên liệu nấu ăn cả tuần về để những ngày sau chỉ việc lấy trong tủ ra chế biến thôi. Nào ngờ cũng gặp chị dâu ở chợ. Thấy chị đang đứng ở hàng vải quần áo. Lại gần xem thì tôi thấy chị ấy cầm một cái thước dây hay dùng trong may vá. Trong đầu tôi bật lên câu hỏi "Quái lạ, chị dâu không phải thợ may mà, hay giờ ở nhà tập may vá nhỉ?"

Ảnh minh họa.

Sau giây phút tò mò, tôi lại gần chào chị và hỏi han. Nào ngờ, chị ta ghé vào tai tôi thì thầm. Từng từ một khiến cho tôi sởn da gà:

"Mua sẵn thước dây về sau này mẹ chồng chết còn đo để chọn kích cỡ quan tài. Giờ ung thư đến giai đoạn này rồi còn cứu vãn được gì nữa đâu, chỉ tổ làm khổ con cháu!"

Ngay lập tức, tôi cãi lại ngay: "Chị này ăn nói buồn cười nhỉ. Mẹ còn sống ngày nào thì hay ngày đó. Giờ kể cả có giai đoạn cuối thì cũng phải chữa. Chứ chả nhẽ cứ để kệ chờ chết hay sao?"

Nói đoạn, chị dâu nhếch mép nhìn tôi và tỏ ra đầy thách thức: "Đấy, cô chú có giỏi thì trông hết đi. Chứ giờ chồng chị bận trăm công nghìn việc có rảnh để lúc nào cũng vào viện được đâu? Nhường cô chú hết, sau này mẹ chồng chết thì bao nhiêu của nả cũng là cô chú nhận chứ anh chị thì cần gì?"

Tôi mặc kệ chị dâu với những suy nghĩ đê tiện ấy để chạy thẳng về nhà. Tôi xém rơi nước mắt vì nghĩ thương mẹ chồng vô cùng. Bà ấy quá đáng thương, mắc bệnh hiểm nghèo và phải chịu biết bao đau đớn. Giờ đây nếu mẹ chồng không qua khỏi thì tôi biết phải làm sao? Thậm chí bà ấy còn chưa được nhìn thấy mặt con tôi cơ mà...

Tôi thực sự rất tuyệt vọng, không ngờ tâm tính chị dâu mình độc địa đến thế. Hãy cho tôi lời khuyên xử trí trong tình huống này với...

Tác giả: M.B

Nguồn tin: Báo Tổ quốc

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP