Phụ nữ cần độc lập, không nên dựa dẫm, ỷ lại vào chồng. Thế nhưng trong hoàn cảnh vợ mang thai, sinh con thì trách nhiệm của người chồng chính là bao bọc, chăm lo cho vợ thật chu đáo.
Khuê (29 tuổi) chia sẻ cô kết hôn được 2 năm rưỡi và hiện tại đang mang thai đến tháng thứ 8. "Chồng tôi là người thích rạch ròi, sòng phẳng trong mọi chuyện. Vợ chồng đi làm như nhau, mỗi người đóng góp một nửa chi phí sinh hoạt, việc nhà cũng chia đôi. Anh ấy rất phản cảm với mẫu phụ nữ chăm chăm đợi chồng nuôi", người vợ này kể.
Đông - chồng Khuê sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó. Vượt qua bao chông gai, khó nhọc anh mới học hành thành tài như ngày hôm nay với một công việc có mức lương khá. Anh không dễ dàng để người khác lợi dụng mà anh cũng không toan tính kiếm lợi từ người khác.
Khuê nhận thấy tính cách của chồng có phần cứng nhắc nhưng Đông vẫn có nhiều ưu điểm khác. Anh không chơi bời hoang phí, chăm chỉ làm việc, cũng đối xử với vợ khá tận tình.
Ảnh minh họa |
Sau 2 năm kết hôn Khuê và Đông quyết định sinh con. Thực lòng Khuê chưa sẵn sàng nhưng Đông khá sốt ruột chuyện con cái, bởi anh chẳng còn quá trẻ nữa. Khuê chiều lòng chồng song chính cô cũng không lường trước được cô buộc phải nghỉ làm ở nhà dưỡng thai vì thai yếu.
"Tôi không có tiền tiết kiệm, nghỉ việc nghĩa là tôi phải phụ thuộc hoàn toàn vào chồng, đó là điều tôi không hề muốn chút nào. Năm trước gia đình tôi xảy ra biến cố, tôi đã dồn tiền hỗ trợ bố mẹ nên tài khoản tiết kiệm mới cạn sạch. Vì sức khỏe của con, tôi đành phải chấp nhận ở nhà...", Khuê nói.
Đông cứ nghĩ Khuê sẽ đi làm gần đến ngày sinh, lúc sinh con có bảo hiểm thai sản. Sau sinh vài tháng cô lại đi làm bình thường, anh sẽ không phải nuôi vợ ngày nào. Ai ngờ mang thai 2 tháng Khuê đã nghỉ ở nhà, Đông phải lo toàn bộ chi phí sinh hoạt trong nhà, thêm tiền viện phí cho vợ, thuốc bổ cho con, sữa bầu... Nhìn số tiền bỏ ra trong một tháng mà Đông choáng váng không tin được.
Bất mãn khi phải "nuôi vợ", Đông luôn cáu kỉnh, khó chịu mỗi khi về đến nhà. Từ đôi dép để không ngay ngắn, từ chiếc ghế không đẩy sát vào cạnh bàn, Đông cũng có thể to tiếng trách mắng vợ. Anh cứ nghĩ lấy vợ về để có người cùng chia sẻ gánh nặng gia đình, phụ nữ hiện đại đã bình đẳng với đàn ông, cuối cùng lại thành ra thế này. Sau này Khuê còn sinh con, nuôi con nhỏ, anh phải nuôi vợ tới bao giờ? Càng nghĩ Đông càng thấy ấm ức, khó chịu.
Khuê chia sẻ: "Hôm đó chồng tôi đi làm về nhưng tôi vẫn chưa nấu xong cơm tối. Trước đó thấy chóng mặt nên tôi vào phòng ngủ nằm nghỉ, vì thế mà nấu cơm tối muộn hơn ngày thường gần 1 tiếng. Nhìn mâm cơm trống trơn, chồng tôi sầm mặt tức giận, gằn giọng hỏi lý do. Tôi giải thích cho chồng rồi nhờ anh ấy bưng hộ bát canh nóng đặt lên mâm...".
Bát canh ấy nóng thật nhưng không đến nỗi Đông không thể bưng nổi, bởi vì trước đó Khuê đã bưng lên rồi mới đưa cho anh. Thế nhưng vừa chạm vào bát canh nóng, Đông lập tức hất ngay xuống sàn nhà, nước canh chảy lênh láng, chiếc bát cũng vỡ nát thành nhiều mảnh.
"Nóng thế mà cô cũng đưa cho tôi được à? Đúng là chẳng được tích sự gì, có mỗi việc nấu canh dọn cơm cũng không xong", Đông to giọng mắng vợ.
Ảnh minh họa |
Khuê chết lặng nhìn vẻ mặt hùng hổ và ánh mắt lạnh lùng từ chồng. Trong lòng cô hiểu rõ Đông bất mãn chuyện vợ "ăn bám" nhưng anh không dám nói thẳng ra vì ngại sĩ diện đàn ông. Anh bắt bẻ và xét nét vợ từng chuyện nhỏ nhặt để trút những khó chịu, bực dọc trong lòng.
"Lúc trước tôi còn đi làm ra tiền, cuộc sống vợ chồng rất vui vẻ và êm ả, chồng cư xử với vợ khá tử tế. Ai ngờ chỉ gần nửa năm tôi nghỉ ở nhà không có thu nhập, mọi thứ đã trở nên thật tệ...", Khuê nói.
Ngay sáng hôm sau Khuê dọn đồ về quê dưỡng thai, chờ sinh con. Cô quyết định tạm thời ly thân chồng, chuyện ly hôn sau khi con cứng cáp sẽ bàn bạc kỹ lưỡng hơn. Nhiều người nói cô quá chấp nhặt chồng, có lẽ Đông đi làm về mệt mỏi nên tính tình mới nóng nảy. Khuê chịu nhún nhường, nín nhịn chồng một chút thì mọi chuyện lại đâu vào đấy.
Thế nhưng Khuê nhận ra vấn đề của vợ chồng cô không phải là một bát canh nóng, mà nó thuộc về bản chất sâu xa phía trong. Đông không thể là người đàn ông có thể cùng cô nắm tay nhau đi qua hoạn nạn, khó khăn, mà chỉ có thể yên vui lúc khỏe mạnh, dư dả. Người đàn ông như vậy sao có thể xứng đáng là một người bạn đồng hành tốt?
Tác giả: Sen Trắng
Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội