Du lịch

“Đi nhanh” chưa đủ, du lịch Sa Pa cần “đi xa” hơn

Được bình chọn là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất hành tinh, nơi “gặp gỡ của đất trời” du lịch Sa Pa đang nỗ lực bứt tốc từng ngày để trở thành điểm đến đắt giá trong tương lai. Tuy nhiên, “đi nhanh” chưa đủ, để thật sự “đi xa”, tăng thời gian lưu trú và mức độ chi tiêu của du khách, Sa Pa vẫn còn nhiều việc phải làm.

Hotel De La Coupole – MGallery được vinh danh Khách sạn có kiến trúc hàng đầu châu Á tại Lễ trao giải World Travel Awards (WTA)

Du lịch bứt tốc, BĐS nhiều dư địa phát triển

Sở hữu hàng loạt lợi thế về cảnh quan, khí hậu và bản sắc văn hóa, du lịch Sa Pa đang bứt tốc mạnh mẽ, đặc biệt kể từ khi hạ tầng giao thông và du lịch được nâng cấp. Doanh thu từ du lịch Sa Pa đã tăng gấp 9 lần từ năm 2013 đến 2019.

Nếu như năm 2013, tổng lượng khách đến Sa Pa là 720.000 người, doanh thu du lịch khoảng 576 tỷ đồng, thì hết năm 2018, Sa Pa đã đón 2,5 triệu lượt khách, thu tương ứng gần 4.000 tỷ đồng. Và chỉ sau 7 tháng đầu năm nay, Sa Pa đã đón hơn 2,15 triệu lượt khách. Dự kiến, năm 2020, Sa Pa sẽ đón khoảng 4 triệu lượt khách và sẽ là 8 triệu lượt vào năm 2030.

Đánh giá về tiềm năng thị trường BĐS nghỉ dưỡng Sapa, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu của Savills cho biết, sự gia tăng đột phá về lượt khách du lịch của Sapa đang tạo nhiều cơ hội cho thị trường bất động sản nơi đây phát triển.

Đáng chú ý, mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 2108/QĐ-BGTVT ngày 7/11/2019 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không Sa Pa (Lào Cai) công suất phục vụ 3 triệu lượt hành khách/năm. Sau Quyết định này, thị trường BĐS Sa Pa đang trở nên vô cùng sôi động và trở thành “tâm điểm” của các nhà đầu tư phía Bắc.

Dự báo nhu cầu lưu trú tại Sa Pa đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 10.000 phòng, năm 2030 có trên 25.000 phòng, trong đó khoảng 3.000 phòng khách sạn từ 3 sao trở lên. Dư địa để các nhà đầu tư bất động sản rót tiền vào thị trường đầy tiềm năng này vẫn còn rất dồi dào

Giới chuyên môn đánh giá, sự đổ bộ của các dự án BĐS quy mô lớn cùng hệ thống sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng đa dạng trong thời gian tới sẽ tạo nguồn cung sôi động cho thị trường du lịch Sa Pa. Đây cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư muốn sở hữu sản phẩm nghỉ dưỡng tại thị trấn sương mờ này.

Quần thể tâm linh trên đỉnh Fansipan

Cần “đi xa” hơn…

Tiềm năng phát triển du lịch rất lớn, khách đến Sa Pa ngày càng đông nhưng không vì thế mà du lịch Sa Pa có thể an tâm để “ru ngủ” bằng những con số. Thực tế, thời gian lưu trú của khách du lịch ở Sa Pa còn ngắn, mức độ chi tiêu còn thấp. Theo thống kê của Sở VHTT&DL Lào Cai, năm 2017, thời gian lưu trú bình quân của khách du lịch chỉ dừng ở mốc 1,8 ngày/khách. Lý do là bởi hệ thống hạ tầng du lịch, vui chơi giải trí tại Sa Pa còn đơn điệu, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của du khách. Nguồn thu du lịch chủ yếu đến từ ăn uống và lưu trú. Gần hai năm qua, tình trạng này vẫn chưa được cải thiện.

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Lào Cai năm 2019 diễn ra trung tuần tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: “Nếu Lào Cai coi du lịch là mũi nhọn thì trước hết, làm thế nào du khách tìm đến Lào Cai đông hơn? Làm sao để du khách tiêu tiền nhiều hơn thay vì có tiền mà không biết tiêu gì? Làm thế nào du khách ở lại lâu hơn thay vì rời đi sớm? Làm thế nào để khách kể lại câu chuyện du lịch thú vị với người thân, bạn bè một cách đầy hứng khởi, thay vì chê bai, kể xấu về Lào Cai? Làm thế nào để du khách quay trở lại nhiều hơn, chứ không phải một đi không trở lại?”.

Theo đề án nâng cấp huyện Sa Pa lên thị xã, quy mô dân số của đơn vị hành chính này khoảng 61.000 người. Với một phép so sánh nhỏ có thế thấy khách du lịch tới Sa Pa năm 2018 đã gấp hơn… 40 lần quy mô dân số huyện. Ngành công nghiệp du lịch tiếp tục được xác định là mũi nhọn, nhưng tới đây nếu mở rộng địa giới hành chính thì phải tính toán tới việc nâng cấp, bổ sung, hoàn thiện hệ thống hạ tầng dịch vụ.

Tuyến tàu hỏa leo núi Mường Hoa hiện đại nhất Việt Nam nối liền thị trấn Sa Pa với Ga đi cáp treo Fansipan

Thực tế cho thấy, trong khi hạ tầng dịch vụ vui chơi giải trí đang ngày một cải thiện (với sự xuất hiện của Sun World Fansipan Legend hay công viên văn hóa Sa Pa sắp tới) thì hệ thống cơ sở lưu trú vẫn chưa theo kịp nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Theo thống kê, hiện Sa Pa có 571 cơ sở lưu trú dịch vụ du lịch với tổng số 6.786 phòng, 13.642 giường; 275 nhà hàng lớn, nhỏ, 64 nhà hàng trong các khách sạn. Với con số hạn chế về cơ sở lưu trú này, du lịch Sa Pa sẽ ra sao khi đón 4 triệu lượt khách vào năm 2020 cũng như tầm nhìn xa hơn?

Bên cạnh cơ sở lưu trú, Sa Pa cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề. Các dịch vụ phục vụ du khách ở Sa Pa đa dạng, phong phú nhưng giá cả thường tăng cao vào cuối tuần và dịp lễ. Các sản vật địa phương đang chưa thật sự được quảng bá rộng rãi với du khách một cách hấp dẫn.

Rõ ràng, Sa Pa có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch quy mô. Trong đó có việc xây dựng mô hình tổ hợp du lịch bài bản, vừa phục vụ vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi vừa thỏa mãn nhu cầu dịch vụ, mua sắm.

Để làm được điều này, cần sự chung tay của những nhà đầu tư lớn phát triển nhiều hơn các dự án tổ hợp BĐS đẳng cấp, làm thay đổi bộ mặt hạ tầng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, du lịch, giải trí và mua sắm để không chỉ thu hút mà còn giữ chân du khách ở lại Sa Pa lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn.

Tác giả: Lê Hải

Nguồn tin: Báo Pháp Luật Plus

  Từ khóa: sapa , du lịch

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP