Xe

Đi xe liên tỉnh, chỉ xét nghiệm người có triệu chứng và đến từ vùng nguy cơ rất cao

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có hướng dẫn tạm thời về tổ chức vận tải theo hướng gỡ nút thắt về các điều kiện đi lại cho người dân, doanh nghiệp.

Người dân đi xe khách tại bến xe Miền Đông, quận Bình Thạnh, TP.HCM tối 13-10 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Theo đó, việc kiểm tra xét nghiệm COVID-19 chỉ áp dụng đối với người đi từ vùng nguy cơ rất cao.

Gỡ khó cho người đi xe khách

Theo hướng dẫn của Bộ GTVT, hành khách tham gia giao thông (trừ vận tải hàng không, đường sắt) sẽ xét nghiệm khi có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở...

Với tất cả các cấp độ dịch, chỉ yêu cầu xét nghiệm một trong các trường hợp có nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ vùng có dịch ở cấp 3; khách đến từ vùng có dịch ở cấp 4 hoặc vùng cách ly y tế (phong tỏa), không yêu cầu xét nghiệm khi đi lại trong địa bàn.

Người đã tiêm đủ liều vắc xin và người đã khỏi bệnh, chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc vùng cách ly y tế (phong tỏa). Thời hạn xét nghiệm có hiệu lực là 72 giờ (chấp thuận cả test nhanh).

Về quy định vận tải đường bộ, hướng dẫn cũng nêu địa bàn có dịch cấp 1, cấp 2: xe khách được hoạt động với tần suất bình thường. Địa bàn có dịch cấp 3, địa phương quyết định việc vận tải khách tuyến cố định nội tỉnh, xe buýt, taxi, hợp đồng, du lịch, vận chuyển học sinh, sinh viên đảm bảo theo nguyên tắc không vượt quá 50% tổng số xe của đơn vị và có giãn cách chỗ trên xe (không áp dụng giãn cách đối với xe giường nằm).

Với xe khách liên tỉnh, hai địa phương ở hai đầu bến thống nhất cho phép hoạt động tối đa 50% số chuyến so với trước đây và có giãn cách chỗ trên xe (không giãn cách với xe giường nằm). Còn với địa bàn có dịch cấp 4, dừng hoạt động xe khách liên tỉnh, nội tỉnh, xe buýt, xe hợp đồng, du lịch (trừ xe công nghệ dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử)...

Xe vẫn chờ khách

Ông Lê Trung Tính, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM, cho hay sau mấy ngày đưa xe ra chạy không được đành lái xe về, khách cũng không đi được, hướng dẫn mới của Bộ GTVT đã tháo gỡ các khó khăn, trăn trở của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hoàng Huy - tổng giám đốc bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) - cho biết hiện có 7 tỉnh thành đồng ý thí điểm tổ chức lại tuyến liên tỉnh đi và đến TP.HCM với khoảng 60 doanh nghiệp vận tải đăng ký.

"Nhưng những ngày qua, lượng khách đi lại còn khá vắng, có chuyến chỉ 4-5 khách. Sau khi có hướng dẫn của Bộ GTVT, các đơn vị đang chờ ý kiến thống nhất từ các địa phương để triển khai", ông Huy nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết những ngày qua khách đi lại trên tàu hỏa đông, công ty không tăng giá vé. Nhu cầu cao nên nhiều người dân đặt kín chỗ các đoàn tàu từ nay đến ngày 20-10. Trong thời gian tới, tùy vào tình hình, công ty sẽ chạy thêm tàu Bắc - Nam và các đoàn tàu chặng ngắn để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Dừng tuyến xe liên tỉnh TP.HCM - Đắk Lắk

Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk vừa yêu cầu tạm dừng thí điểm vận tải hành khách tuyến cố định TP.HCM - Đắk Lắk (và ngược lại). Nguyên nhân lực lượng chức năng phát hiện xe khách dừng đón khách dọc đường, trong đó có trường hợp bị mắc COVID-19.

Lấy ý kiến đi lại đường không, đường sắt

Với vận tải đường sắt và hàng không, theo Bộ GTVT, tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn tại quyết định số 1782 và quyết định 1776 đã ban hành. Cục Hàng không và Cục Đường sắt sẽ lấy ý kiến, trình phương án đi lại của hai loại hình này, chậm nhất báo cáo trước ngày 18-10.

Tác giả: ĐỨC PHÚ - TUẤN PHÙNG - THU DUNG

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

  Từ khóa: hành khách liên tỉnh

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP