Phải chăng những thành tích ấy thể hiện sự phát triển toàn diện của con trẻ?... Tôi nghĩ khá nhiều người đang ảo tưởng về điều đó.
Cháu trai tôi vừa hoàn thành chương trình lớp 1. Hôm trước, trong ngày họp mặt gia đình, mẹ cháu hớn hở khoe cháu đạt hai điểm 10 môn Toán và Tiếng Việt, 9 điểm môn Tiếng Anh. Không muốn làm mất niềm vui của người mẹ, tôi khen cháu giỏi và không quên nhắn nhủ chị đừng coi trọng điểm số quá. Tuy nhiên, chị có vẻ không hài lòng về điều đó và quay sang tiếp tục khoe với nhiều người khác vừa bước vào nhà.
Cháu trai tôi sinh ra khi mẹ đã bước sang tuổi năm mươi, nỗi lo lắng của gia đình về sự phát triển trí tuệ của cháu là có cơ sở. Đọc được, viết hơi chậm và đòi hỏi cháu phải thông minh, hoạt bát như những đứa trẻ khác là điều không thể. Bù lại, cháu rất lễ phép và tình cảm. Nhưng mọi người hầu như quên nhìn nhận vào ưu điểm này của cháu để khen thưởng và động viên.
Bố mẹ cháu chỉ chăm chăm nhìn vào điểm số của cháu mỗi lần kiểm tra, thi cử. Và nhất nhất ép buộc cháu phải học thêm ở nhà cô giáo sau một ngày học bán trú ở lớp. Dường như thấy chưa đủ, bố mẹ cháu còn thuê một sinh viên về dạy kèm ở nhà, chủ yếu là giúp cháu ôn bài và làm bài tập trước mỗi ngày đến lớp.
Thời gian nghỉ ngơi quá hạn hẹp, quỹ thời gian thư giãn, giải trí, chơi đùa hầu như đều bị cắt xén cho việc học. Nhìn cháu học đến mụ mị cả người, ai cũng xót nhưng khuyên răn thế nào cũng chẳng xoay chuyển được “giấc mơ” thành tích của bố mẹ cháu.
Nếu cháu trai tôi chỉ vừa mới “nếm” vị đắng chát của việc học ngay từ ngưỡng cửa đầu tiên thì cậu học trò lớp 7 của tôi mới thật sự “thấm” áp lực học hành. Suốt bảy năm qua, cậu bé đã quá quen với chuyện chạy đua học thêm, học kèm, học trung tâm.
Là gia sư của cháu, nhiều lúc tôi cũng phải rụt vai lè lưỡi với lịch học dày đặc, ken kín mỗi ngày. Khi giáo viên này đang dạy ở tầng trên thì ở nhà dưới đã nghe tiếng bà nội cháu chào cô giáo môn khác đến. Đôi khi bận việc riêng, tôi muốn đổi lịch học của cháu cũng đành bất lực bởi chẳng kiếm được buổi nào chen chân vào.
Những ngày lễ là những ngày lịch học căng thẳng hơn cả, bởi phải tận dụng thời gian rảnh rỗi đó để bù cho những buổi học còn “nợ”. Và đôi khi tranh thủ một vài phút giải lao, hai cô trò cùng thoải mái nói chuyện, cháu không ngần ngại kể về áp lực học hành và giấc mơ được cất hết sách vở sang một bên để vui chơi thoải mái, tự do.
Rồi cháu lại thở dài bảo sang năm lớp 8 có thêm môn Hóa học, mẹ cháu đã rục rịch dò hỏi thầy nào dạy tốt, chỗ nào học uy tín đã đăng ký. Vậy là sang năm sẽ học nhiều hơn. Rồi thêm một năm nữa đón kỳ thi cuối cấp, cháu lại phải học hơn thế nữa. Cái vòng tròn luẩn quẩn học, học và học cứ đeo bám đến mụ mị cả người.
Truyền thống gia đình theo ngành Y đang đè nặng lên vai cháu. Chị gái cháu đã lệch hướng sang ngành Luật và giờ cháu đang gánh nhiệm vụ phải học, học để hôm nay có nền tảng kiến thức ít năm nữa sẽ thi y khoa. Giấc mơ của bố mẹ chẳng biết sẽ thành hiện thực như thế nào nhưng tuổi thơ của một đứa trẻ chỉ quẩn quanh việc học.
Học để tương lai tốt đẹp hơn nhưng nhìn vào hai cậu bé kia, tôi thấy hiện tại là một cực hình. Học vì cuộc sống hạnh phúc hơn nhưng điểm số, thành tích, mục tiêu, giấc mơ của người lớn đang biến cuộc sống của nhiều đứa trẻ nhuốm màu bất hạnh.
Điểm số, thành tích chỉ là ảo tưởng. Những đứa trẻ học có thể thua kém bạn bè lại cực kỳ tình cảm, lễ phép mới là thực tại. Những đứa trẻ đang thèm khát một tuổi thơ trọn vẹn mới là thực tại. Mong rằng mỗi phụ huynh sẽ đủ tỉnh táo để yêu thương con trẻ trọn vẹn hơn.
Tác giả: Nguyễn Thùy
Nguồn tin: Báo Dân trí