Thiếu tá Lê Văn Hà gắn bó, thân thiết với các gia đình ở Huồi Sơn. Ảnh: Viết Lam |
Bình minh ở Huồi Sơn
Sau cơn mưa đêm, Huồi Sơn đón bình minh với không khí trong lành. Trên con đường bê tông nội bản, học sinh tung tăng đến trường. Từ nơi ở của Tổ công tác Biên phòng bản Huồi Sơn nhìn ra phía trước, thấy rõ cánh đồng lúa của bà con đang thì con gái. Cánh đồng đã có từ nhiều năm nay, đang cung cấp nguồn lương thực chủ yếu cho các gia đình trong bản. Đây là kết quả bao mồ hôi, công sức của cán bộ, chiến sĩ BĐBP Nghệ An khai hoang và quá trình dài cầm tay, chỉ việc để đồng bào Mông đón nhận phương thức sản xuất mới.
Sau bữa sáng, Thiếu tá Lê Văn Hà điều khiển xe máy rời tổ công tác đi sâu vào trong khu dân cư. Trên hành trình cùng anh, tôi nghe rõ tiếng loa đài, ti vi từ những căn nhà gỗ khang trang của đồng bào Mông phát ra rất vui tai. Dưới hiên một căn nhà gỗ, người chồng đang hướng dẫn người vợ trẻ sử dụng máy xát gạo chạy bằng điện lưới.
Đi ngược con dốc thoai thoải ở trung tâm bản, qua Nhà văn hóa cộng đồng, Thiếu tá Hà dừng lại trước một ngôi nhà gỗ thấp, đúng phong cách của đồng bào Mông rồi lên tiếng: “Trưởng bản Xồng Bá Lỳ có nhà không?”. Gần như ngay lập tức có tiếng đáp phía sau cánh cửa vọng ra: “Anh Hà lên sớm thế, vào đây dùng bữa sáng với gia đình đã”. Người đàn ông có vóc người to đậm, còn khá trẻ xuất hiện là Xồng Bá Lỳ, nắm lấy tay cán bộ Biên phòng kéo vào trong nhà.
Trưởng bản Huồi Sơn, sinh năm 1984, được bà con đánh giá là nhanh nhẹn, chịu khó, tận tâm với mọi người. Bên ấm nước lá buổi sáng, câu chuyện giữa Thiếu tá Biên phòng và Xồng Bá Lỳ xoay quanh việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện những nội dung quan trọng mà Chi bộ bản Huồi Sơn đã đặt ra trong cuộc họp gần đây, như bảo đảm sức khỏe cho nhân dân trong mùa nắng nóng, công tác phòng chống cháy rừng...
Chi bộ Đảng của bản Huồi Sơn được thành lập chỉ sau 2 năm di dân về định cư ở đây, ban đầu có 4 đảng viên gồm cả cán bộ Biên phòng và giáo viên cắm bản sinh hoạt ghép. Trải qua thời gian dài, Thiếu tá Hà cùng đồng đội ở Tổ công tác Biên phòng đã bồi dưỡng thanh niên để phát triển thành đối tượng kết nạp Đảng cho chi bộ. Và Chi bộ Huồi Sơn hàng năm đều kết nạp thêm đảng viên mới, đến nay đảng số đã lên tới 14 đảng viên.
Chi bộ Huồi Sơn hiện nay, ngoài Thiếu tá Lê Văn Hà, còn lại đều là người dân tộc Mông; trong đó có 2 đảng viên là nữ. Điều đáng mừng là con em của đồng bào Mông ở Huồi Sơn đang ngày càng được học tập tốt; lực lượng đảng viên trẻ ngày một nhiều hơn. Ngoài chi bộ Đảng, các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ đều hoạt động hiệu quả. Đây đang là những yếu tố quan trọng trong việc xây dựng đời sống ở bản làng biên giới.
Rời nhà, Trưởng bản Xồng Bá Lỳ và Thiếu tá Hà đi thẳng xuống Nhà văn hóa cộng đồng của bản. Thiếu tá Hà “lên loa” đọc chậm, rõ ràng bằng tiếng phổ thông những nội dung đã được thống nhất trước đó, rồi Trưởng bản Huồi Sơn đọc lại lần nữa bằng tiếng của đồng bào Mông. Sau khi thông báo trên loa, họ lại cùng xuống địa bàn trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với người dân những nội dung liên quan. Đi đến đâu, Thiếu tá Hà cũng đón nhận sự tin tưởng của bà con dân bản. Họ đồng tình và cam kết thực hiện nghiêm những hướng dẫn mà anh và Trưởng bản Huồi Sơn đưa ra. Đi quanh bản biên giới mới thấy, gần như nhà nào cũng có trâu, bò, dê, lợn, gà...
Trong nhà có ti vi, xe máy, máy xát gạo và nhiều vật dụng có giá trị. Khoảng 3 năm trước, gia đình Xồng Lầu Tó được Đồn Biên phòng Tam Hợp tặng một cặp dê sinh sản. Đồng thời, đơn vị giao cho Thiếu tá Hà trực tiếp hướng dẫn gia đình chăm sóc, phát triển loại gia súc này. Đến nay, gia đình Lầu Tó đã có đàn dê gồm 16 con lớn, nhỏ. Nói về điều này, Xồng Lầu Tó vui mừng chia sẻ: “Được bộ đội tặng dê giống, lại cử cán bộ Hà bám bản hướng dẫn chăm sóc nên việc chăn nuôi gia súc rất thuận lợi. Vừa rồi, tôi đã bán được 6 con dê lớn, có tiền mua được ti vi, máy xát gạo. Trong bản còn nhiều hộ cũng có chung niềm vui như gia đình tôi”.
Cuộc sống dân bản Huồi Sơn đang đổi thay từng ngày. Ảnh: Viết Lam |
Gắn bó từ những ngày gian khó
Nhiều năm trước, được sự vận động của BĐBP, gia đình ông Tồng Và là một trong những hộ dân đầu tiên từ bỏ cuộc sống du canh, du cư ở những cánh rừng biên giới, về định cư ở Huồi Sơn. Với ông, Thiếu tá Hà và đồng đội ở tổ công tác Biên phòng thân tình, gần gũi như người trong một gia đình. Qua câu chuyện của ông, ký ức về Huồi Sơn hiện lên rõ nét. Huồi Sơn vốn là bản tái định cư, được thành lập vào năm 2006 từ việc di dời, sáp nhập hai cụm dân cư Huồi Sến và Tân Sơn (sát với biên giới Việt - Lào) về sinh sống.
Trước khi được BĐBP Nghệ An vận động về định cư ở Huồi Sơn, hơn 40 hộ đồng bào dân tộc Mông sống trong những ngôi lều tạm bợ, tách biệt với bên ngoài. Cuộc sống của họ hoàn toàn phụ thuộc vào rừng, họ thường xuyên phải chịu cảnh thiếu ăn, thiếu mặc, thất học, bệnh tật đe dọa đến cuộc sống. Đặc biệt, có nhiều người trong bản bị kẻ xấu lợi dụng lôi kéo vi phạm pháp luật tái trồng cây thuốc phiện, chặt phá rừng bừa bãi, vượt biên trái phép...
Cuối năm 2006, với quyết tâm đưa Huồi Sơn ra khỏi tình trạng “bản trắng” về mọi mặt, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An quyết định chọn Huồi Sơn xây dựng bản điểm củng cố cơ sở chính trị, an ninh-quốc phòng và phát triển kinh tế, xã hội. Một tổ công tác Biên phòng được “cắm” ở Huồi Sơn gồm những cán bộ “đa năng”, thực hiện “bốn cùng” với nhân dân. Với tay nghề thợ mộc khéo léo, năm 2008, Thiếu tá Lê Văn Hà được điều động về đây để cùng đồng đội giúp dân dựng nhà. Người ta thấy, trước khi triển khai làm nhà cho các hộ gia đình, cán bộ Biên phòng thường đến trao đổi ý kiến với gia chủ. Tay nghề vững vàng, bản tính hòa đồng, cẩn thận, Thiếu tá Hà nhanh chóng chiếm được tình cảm của nhân dân trong bản.
Cũng vì yêu quý cán bộ Biên phòng mà nhiều hộ gia đình sau khi dựng xong nhà mình đã tình nguyện cùng cán bộ Biên phòng giúp các gia đình khác ở Huồi Sơn làm nhà. Sau gần 1 năm lao động cật lực, Thiếu tá Hà cùng tổ thợ Biên phòng và những người đàn ông khỏe mạnh của bản đã hoàn thành được 41 căn nhà cho các hộ dân. Nhận thấy Thiếu tá Hà được dân bản yêu quý, nên khi công việc dựng nhà xong xuôi, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An quyết định “biên chế” cán bộ này ở lại Huồi Sơn để tiếp tục giúp đỡ nhân dân phát triển sản xuất.
Cũng thời điểm này, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung tâm Huấn luyện, BĐBP Nghệ An được điều động về với Huồi Sơn để làm đường dân sinh, phát quang, khai hoang ruộng lúa nước. Những công trình ở Huồi Sơn đều mang tên bộ đội: “Nhà bộ đội”, “đường bộ đội”, “ruộng lúa bộ đội”...
Thấm thoắt đã 10 năm trôi qua, bản Huồi Sơn đang ngày một khởi sắc, cuộc sống nhân dân được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần. Trong sự đổi thay của người dân ở bản làng biên giới này luôn mang nặng dấu ấn của những người lính Biên phòng, đặc biệt là Thiếu tá Lê Văn Hà, người có cả quá trình dài bám bản, “cầm tay, chỉ việc” cho nhân dân.
Tác giả: Viết Lam
Nguồn tin: Báo Biên phòng