Thầy giáo “làng” với tấm bằng đại học từ xa
“Bỗng dưng muốn khóc” là dòng chia sẻ ngắn ngủi mà thầy giáo Đặng Quang Tám viết lên trang cá nhân của mình sau khi nhận được thư trả lời của Quỹ học bổng Fulbright (Quỹ học bổng do Chính phủ Mỹ tài trợ dành cho những cá nhân có thành tích cao muốn theo học hệ Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ tại Mỹ).
Dòng chia sẻ này dường như cũng không thể diễn tả hết cảm xúc của anh sau hơn một năm nỗ lực, chờ đợi, thấp thỏm và hi vọng. Kết quả hôm nay không phải là sự ngẫu nhiên mà là "trái ngọt" của hành trình chinh phục khát vọng, nỗ lực vươn lên của một anh giáo làng!
Thầy giáo Đặng Quang Tám từng là nhân vật trong một bài viết của Báo Nghệ An sau khi nhận danh hiệu Giáo viên tiêu biểu và được học sinh phong tặng là Giáo viên chủ nhiệm tốt nhất. Ảnh: Mỹ Hà |
Đặng Quang Tám sinh ra ở xã Ngọc Sơn, huyện Đô Lương, trong một gia đình có đến 8 người con và hầu hết anh chị em đều bỏ học giữa chừng vì... nghèo. Bản thân anh là con trai út, mẹ đột ngột qua đời từ khi anh học lớp 5 nên chặng đường trưởng thành gặp nhiều khó khăn.
Học hết cấp II, rồi cấp III, anh đăng ký vào Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An mà không có nhiều đắn đo, đơn giản bởi đây là ngành học mà sinh viên được miễn học phí. Chỉ có điều, trong khi bạn bè vẫn chọn các ngành truyền thống như Toán, Vật lý, Hóa học, Ngữ văn... thì anh chọn Tiếng Anh và trúng tuyển vào Khóa đào tạo Tiếng Anh thứ 2 của Trường Cao đẳng Sư phạm.
Tốt nghiệp, anh được điều về dạy ở Trường THCS Giang Sơn - một trong những ngôi trường nằm ở vùng miền núi, khó khăn nhất của huyện Đô Lương lúc bấy giờ.
Thời điểm năm 2002, tiếng Anh cũng lần đầu tiên được “du nhập” vào Trường THCS Giang Sơn nên khó có thể nói hết được những nhọc nhằn, khó khăn của những người “mở đường”. Thế nhưng, khó khăn ấy cũng trở thành động lực để những người giáo viên trẻ tuổi, mới ra trường như thầy Tám và các đồng nghiệp được thể hiện, phát huy sức trẻ của mình.
4 năm sau khi vào trường, lứa học trò đầu tiên của thầy Tám đã đạt kết quả đáng phấn khởi khi lần đầu tiên, Trường THCS Giang Sơn có một học trò đạt giải Ba môn Tiếng Anh ở Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh dành cho học sinh lớp 9.
Trong mắt học sinh, thầy Tám là giáo viên nhiệt tình, yêu nghề và hết lòng với học trò. Liên tục nhiều năm, thầy giữ vị trí tốp 3 toàn tỉnh vì thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi. Ảnh: PV |
Thành công đầu tiên đó cũng là cơ hội để thầy Tám được chọn tham dự cuộc thi giáo viên giỏi tỉnh và đã xuất sắc giữ vị trí thứ 2, dù rằng so với các giáo viên khác, anh “non” hơn tuổi nghề, kinh nghiệm và chỉ có trình độ Đại học Tiếng Anh, chương trình đào tạo từ xa.
Đây cũng là bước tạo đà thuận lợi để anh được điều về Trường THCS Lý Nhật Quang - ngôi trường chất lượng cao, giàu thành tích nhất của huyện nhà. Hơn 10 năm gắn bó với trường, ngoài thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi tỉnh, anh cũng đã có sáng kiến kinh nghiệm được công nhận bậc 4 và được Sở Giáo dục và Đào tạo vinh danh là Giáo viên tiêu biểu giai đoạn 2008 - 2012.
Học bổng Fulbright và câu chuyện học thạc sỹ ở Mỹ
Với vị trí hiện tại, lẽ dĩ nhiên thầy giáo Đặng Quang Tám cũng đã có thể tự hài lòng với mình. Tuy nhiên, từ năng lực và khát khao của bản thân, anh luôn biết nếu mình không tiếp tục học thì sẽ “lạc hậu”, trước tiên là với chính học trò của mình.
Đây cũng là lý do anh quyết tâm phải có tấm bằng thạc sỹ. Chỉ có điều, do điều kiện của gia đình, anh nghĩ rằng nếu học thạc sỹ trong nước sẽ rất khó khăn. Và, như một sự tình cờ, anh tìm đến học bổng Fulbright sau khi tìm kiếm thông tin trên mạng và quyết định đăng ký bởi đơn giản “học bổng này không phân biệt bằng cấp, không phân biệt chính quy hay là đào tạo từ xa”.
Để trau dồi nghề nghiệp, đặc biệt là khả năng nghe nói, thầy Đặng Quang Tám đã chủ động đăng ký tham gia nhiều hội thảo do Hội đồng Anh và các tổ chức nước ngoài tổ chức. Đồng thời, tham gia nhiều cuộc thi để lấy chứng chỉ Anh ngữ nhằm tự kiểm tra năng lực của mình. Ảnh: PV |
Đến với học bổng này, anh cũng mới bắt đầu tìm hiểu và không khỏi lo lắng khi biết rằng đây là một trong những học bổng được đánh giá là “danh giá nhất hành tinh”.
Trong lịch sử 26 năm Quỹ hoạt động tại Việt Nam, chỉ mới có 500 người dành được suất học bổng này và hầu hết đều là những người có tên tuổi, nhiều người là chính khách nổi tiếng.
Ngay tại Nghệ An, người gần đây nhất dành được học bổng này cũng đã cách đây 10 năm và nay đang là Trưởng phòng Đào tạo ở Trường Đại học lớn nhất trong tỉnh.
Suốt hơn một năm chinh phục Học bổng Fulbright, thầy giáo Đặng Quang Tám cũng đã trải qua nhiều thử thách: "Khi làm hồ sơ, tôi không có bất cứ một kinh nghiệm nào. Vì vậy, khi họ yêu cầu viết “bài luận về cá nhân”, tôi tự nhủ, cứ viết chân thật thôi.
Tôi kể về câu chuyện tôi chỉ mới bắt đầu học tiếng Anh năm lớp 10 nhưng đến lớp 12 tôi phải nghỉ giữa chừng vì nhà trường thiếu giáo viên. Rồi kể về việc dạy học Tiếng Anh ở một huyện xa trung tâm và bày tỏ mong muốn được học nâng cao kiến thức, muốn có đủ trình độ để làm tốt vai trò của một người giáo viên cốt cán và lan tỏa tinh thần tự học trong đội ngũ giáo viên”.
Thầy giáo Đặng Quang Tám đã từng được Sở GD&ĐT chọn đi tham dự khóa đào tạo ngắn hạn tại Malaysia. Ảnh: PV |
Bằng sự chân thành ấy, anh vượt qua 500 ứng viên khác trong cả nước và cùng với 45 người khác lọt vào vòng phỏng vấn thứ 2. Đây cũng là vòng thử thách lớn nhất khi một mình anh phải đối diện với 3 giám khảo đến từ Tổ chức Fulbright trong một cuộc phỏng vấn dài gần 1 tiếng đồng hồ.
Thầy Đặng Quang Tám nhớ lại: "Có rất nhiều câu hỏi nhưng tôi nhớ nhất câu đầu tiên, đó là “Tại sao Fulbright nên cấp học bổng cho bạn”. Lúc đó, tôi khá lo lắng nhưng cứ nghĩ trả lời sao cho đúng với chính bản thân mình và tôi nói rằng: Tôi có thể không phải là ứng viên xuất sắc nhất nhưng tôi nghĩ là tôi phù hợp bởi tôi không chỉ học cho tôi mà tôi còn học cho cả cộng đồng...".
Khá tự tin với vòng phỏng vấn của mình nhưng sau đó, thầy giáo Đặng Quang Tám cũng phải mất gần một năm chờ đợi vì anh chỉ đạt được kết quả là ứng viện dự bị thứ 2 trúng tuyển (việc nâng cấp lên ứng viên chính thức phải căn cứ vào ngân sách của Chính phủ Mỹ phê duyệt).
Thời gian đó, anh cũng đã tìm kiếm và dành được học bổng chương trình trợ giảng 9 tháng ở Mỹ. Tuy nhiên, với khát khao được đào tạo bài bản, anh đã quyết định chờ đợi chương trình thạc sỹ và từ bỏ chương trình trợ giảng dù rằng cơ hội của chương trình là 50 - 50. Thầy cho biết: "Đến đầu tháng 5 này, tôi đã làm hồ sơ cho năm sau, chuẩn bị tìm kiếm một cơ hội mới. Nhưng thật bất ngờ, hồ sơ vừa nộp được 2 ngày thì tôi nhận được quyết định trúng tuyển".
Hai vợ chồng thầy Tám cùng là giáo viên Tiếng Anh ở huyện Đô Lương. Ảnh: PV |
Cùng với việc được công nhận trúng tuyển, anh cũng đã nhận được giấy báo đồng ý nhập học của 3 trường Đại học lớn của Mỹ, đó là Trường Central Michigan University, Minnesota State University và Saint Michael’s College. Đây đều là những trường có hơn 100 năm thành lập và có nhiều kinh nghiệm trong đào tạo chuyên ngành Matesol - thạc sỹ giảng dạy tiếng Anh mà anh đăng ký.
Hiện tại, dù đang lưỡng lự trong quá trình chọn trường nhưng anh tin rằng với khả năng dễ thích nghi hoàn cảnh và tinh thần ham học, anh sẽ phát huy được khả năng của mình; đồng thời, làm tốt vai trò của người “Đại sứ văn hóa” đúng như tinh thần của Quỹ học bổng Fulbright đã đề ra.
Chương trình Fulbright được thành lập năm 1946 với nguồn tài trợ từ Quốc hội Mỹ, hướng tới mục tiêu tăng cường hiểu biết lẫn nhau thông qua trao đổi văn hóa và giáo dục. Học bổng này hỗ trợ tài chính toàn phần cho sinh viên suốt cả khóa học, bao gồm học phí, tiền sách, vé máy bay, chi phí cuộc sống và cả bảo hiểm sức khỏe với giá trị hơn 2 tỷ đồng. Năm 2018, Việt Nam có 16 người được nhận học bổng của Fulbright (thuộc 29 lĩnh vực). Thầy giáo Đặng Quang Tám - thuộc lĩnh vực giáo dục là người cao tuổi nhất trong danh sách trúng tuyển (38 tuổi) và là giáo viên bậc THCS đầu tiên giành được học bổng này. |
Tác giả: Mỹ Hà
Nguồn tin: Báo Nghệ An