Ngày 1/11, thông tin từ Ths.Bs.CKII Thái Văn Bình - Trưởng khoa chấn thương chỉnh hình cho biết, ngày 25/10 đã tiếp nhận trường hợp của bệnh nhi H.T.H (13 tháng tuổi, ở huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) trong tình trạng bỏng độ IV-V bàn tay trái (T) do bị điện giật.
Theo thông tin từ người nhà cho biết, vào 11h trưa ngày 17/10 trong lúc bà của cháu đang bơm nước, do bất cẩn trong lúc chăm sóc cháu nên đã để cháu H. chạy lại chạm tay vào ổ điện gây giật khiến cháu ngã xuống, hôn mê tại hiện trường. Cháu được người nhà đưa đến trung tâm y tế huyện cấp cứu. Sau 8 ngày điều trị, cháu được chuyển tiếp đến bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.
Bàn tay bé bị bỏng nặng do điện giật |
Theo Bs. Bình, khi nhập viện bàn tay trái của cháu bị bỏng nặng, ngón V bỏng độ III, độ IV lộ xương và gân ở đốt giữa, ngón IV bỏng độ III, bị lộ gân. Gan tay trái bỏng độ III, sâu. Các bộ phận khác bình thường. Ngay sau đó các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và chỉ định mổ cắt lọc, ghép da cho bệnh nhân.
Trường hợp của cháu H một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo các bậc cha mẹ khi chăm sóc con nhỏ. Trẻ nhỏ nghịch ngợm đôi khi có thể cắn hay nhai dây điện, nhét những đồ vật bằng kim loại vào ổ điện hay nghịch phích cắm điện. Đó là lý do không ít trường hợp trẻ bị điện giật tới mức chấn thương, thậm chí tử vong.
Dưới đây là một số biện pháp ngăn ngừa trẻ bị điện giật mà các bậc cha mẹ cần lưu ý: Sử dụng ổ điện có nắp đậy; Đảm bảo tất cả các dây điện trong nhà được cách điện đúng cách; Để dây xa tầm tay của trẻ và có sự giám sát của người lớn khi trẻ đang trong một khu vực có nguy cơ bị điện giật; Để ý các thiết bị điện xung quanh bồn tắm, bồn rửa hoặc hồ bơi.
Tác giả: Phong Linh
Nguồn tin: Báo Người đưa tin