Tin trong tỉnh

Đoàn Giám sát HĐND tỉnh làm việc với UBND tỉnh về thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội

Chiều 24/4, Đoàn Giám sát HĐND tỉnh làm việc với UBND tỉnh về giám sát thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 18/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn năm 2021-2025.

Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Nam Đình – Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Giám sát; Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng chủ trì buổi làm việc. Tham dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Như Khôi – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó trưởng Đoàn Giám sát; thành viên Đoàn Giám sát; lãnh đạo các Sở, ngành liên quan.

Quang cảnh buổi làm việc

Đ/c Hồ Việt Dũng – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội

Thay vì giám sát ở các đơn vị cơ sở trước rồi mới làm việc với UBND tỉnh như các kỳ giám sát trước đây, thì ở kỳ giám sát này, Đoàn Giám sát HĐND tỉnh làm việc với UBND tỉnh trước, sau đó sẽ làm việc với một số Sở, ngành, địa phương cấp huyện.

Thực hiện Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; trong đó xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, các cấp gắn với tiến độ để triển khai thực hiện. UBND tỉnh dự báo có 35 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và có khả năng vượt mục tiêu; 04 chỉ tiêu khó khăn, phải nỗ lực, phấn đấu cao mới có thể đạt được mục tiêu Nghị quyết.

Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá và cao hơn so với bình quân chung của cả nước; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2021 tăng 6,13%; năm 2022 tăng 8,78%; năm 2023 ước tăng 7,14%, giai đoạn 2021-2023 đạt 7,36%. Quy mô GRDP ngày càng được mở rộng, GRDP năm 2023 ước đạt 193.374 tỷ đồng, gấp 1,33 lần so với năm 2020, xếp thứ 10/63 địa phương. GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2023 ước đạt 56,18 triệu đồng, gấp 1,31 lần so với năm 2020. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2023 đạt 282.521 tỷ đồng/KH 2021 - 2025 là 500.000 tỷ đồng.

Thu ngân sách giai đoạn 2021 - 2023 có nhiều tiến bộ đáng kể. Năm 2021, thu ngân sách đạt 19.911,14 tỷ đồng; đặc biệt 2 năm 2022 và 2023 vượt mốc 20.000 tỷ đồng (năm 2022 đạt 22.491 tỷ đồng, năm 2023 đạt 21.275 tỷ đồng). Chi ngân sách thực hiện đúng quy định, bảo đảm các nhiệm vụ chi thường xuyên, chính sách an sinh xã hội, một phần cho đầu tư phát triển, hoạt động của hệ thống chính trị.

Công tác điều hành thực hiện kế hoạch đầu tư công được quan tâm, chỉ đạo với nhiều giải pháp quyết liệt. Việc phân bổ vốn trung hạn và hằng năm cơ bản đảm bảo đúng nguyên tắc, thứ tự ưu tiên theo quy định và có trọng tâm, trọng điểm; khắc phục dần tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài.

Thu hút đầu tư đạt kết quả tích cực. Trong giai đoạn 2021-2023, tỉnh đã thực hiện cấp mới cho 355 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 111.167,7 tỷ đồng; điều chỉnh tổng vốn đầu tư cho 123 dự án với tổng vốn 36.834,1 tỷ đồng. Các dự án tăng cả về quy mô, số lượng và chất lượng, trong đó thu hút các dự án FDI là điểm sáng nổi bật trong những năm gần đây: Năm 2022, lần đầu tiên tỉnh Nghệ An lọt vào tốp 10 địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước, với tổng vốn cấp mới và điều chỉnh đạt 961,3 triệu USD; năm 2023 lọt vào tốp 8 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước với tổng vốn cấp mới và điều chỉnh hơn 1,6 tỷ USD. Luỹ kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 136 dự án đầu tư FDI của các nhà đầu tư đến từ 15 quốc gia, vùng lãnh thổ, với tổng số vốn đăng ký khoảng 4,23 tỷ USD.

Đặc biệt, trong thời gian qua, tỉnh đã tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm có tính chiến lược. Đó là, trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 36/2021/QH15 ngày 13/11/2021 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt. Phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương trình Bộ Chính trị Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW và được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39/NQ-TW ngày 18/7/2023 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương để trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi đề nghị trong Báo cáo cần phải đề cập đến những tồn tại khác, phân tích sâu hơn về nguyên nhân chủ quan

Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Hà Lê Dũng phân tích khả năng thu ngân sách và báo cáo tình hình nợ đọng thuế

Phó Giám đốc Sở TN&MT Phạm Văn Toàn báo cáo khó khăn trong thực hiện chỉ tiêu về tỷ lệ chất thải thu gom được xử lý đảm bảo tiêu chuẩn

Cho rằng Báo cáo còn thiên về lượng hóa các chỉ tiêu mang tính dự báo, Đoàn Giám sát đề nghị UBND tỉnh phân tích nguyên nhân dẫn đến việc dự báo 4 chỉ tiêu không đạt vào cuối nhiệm kỳ, gồm: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm; GRDP bình quân đầu người năm 2025; Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh; Tỷ lệ chất thải thu gom được xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Một số ý kiến đề nghị cần phải đánh giá hiệu quả của việc lồng ghép các nguồn lực trong thực hiện đầu tư phát triển; thực hiện chuyển đổi số...

Bên cạnh đó, thành viên Đoàn Giám sát đề nghị trong Báo cáo cần nêu rõ các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan. Qua đó, để thấy được nhiệm vụ nào vướng về chính sách, hay do trách nhiệm của cơ quan, cá nhân trong triển khai thực hiện để từ đó đưa ra đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh, sửa đổi để sau giám sát có thể tháo gỡ được vướng mắc, khó khăn thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh phát biểu


Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh cho biết: Thời gian qua, việc phối hợp giữa UBND tỉnh và HĐND tỉnh được triển khai rất chặt chẽ và đạt được nhiều kết quả giúp UBND tỉnh thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phân tích thêm về nguyên nhân dẫn đến 4/39 chỉ tiêu khó đạt được và trao đổi về những nội dung khác mà Đoàn Giám sát quan tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh cho biết những vấn đề thành viên Đoàn Giám sát đề nghị bổ sung, làm rõ UBND tỉnh xin tiếp thu hoàn thiện báo cáo.

Thống nhất cách làm việc của Đoàn Giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các Sở, ngành, địa phương chuẩn bị tốt các nội dung làm việc với Đoàn Giám sát.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình phát biểu


Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình đề nghị trong Báo cáo cần đánh giá sâu về mục tiêu tổng quát; đánh giá kỹ, phân tích nguyên nhân dẫn đến 04 chỉ tiêu kinh tế - xã hội khó đạt của cả nhiệm kỳ. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh bổ sung kiến nghị, đề xuất đối với HĐND tỉnh. Trong Báo cáo cần thống nhất giữa phần đánh giá và phụ biểu; đồng bộ thống nhất trong việc đánh giá của UBND tỉnh và các ngành, xuyên suốt từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Đoàn Giám sát sẽ chia thành hai Tổ công tác để giám sát 09 Sở, ngành và 04 địa phương cấp huyện. Kế hoạch giám sát sẽ được điều hòa để không gây phiền hà, ảnh hưởng đến hoạt động của cơ sở nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả giám sát.

Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, việc giám sát là để đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội của nhiệm kỳ này, rút ra bài học kinh nghiệm, đồng thời qua giám sát giúp cho việc xây dựng hệ thống chỉ tiêu của nhiệm kỳ mới sát với tình hình thực tế hơn. Bởi vậy đề nghị các ngành cần phải thường xuyên cập nhật các quy định về chính sách, nguồn lực để dự báo tình hình sát với thực tế từ đó đưa ra chỉ tiêu phù hợp...

Tác giả: Phan Quỳnh

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP