Kinh tế

Doanh nhân Việt kỳ vọng gì năm 2022?

Ảnh hưởng của dịch bệnh có thể vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn song nhiều doanh nhân Việt như ông Đoàn Nguyên Đức, Phan Minh Thông... vẫn kỳ vọng năm 2022 mọi thứ sẽ "tốt hơn", "ngon hơn".

Nông nghiệp, hàng tiêu dùng, F&B, bán lẻ, ứng dụng gọi xe... là những ngành được cho là ảnh hưởng nhiều bởi "2 năm Covid". Nhìn lại một năm qua, những lãnh đạo doanh nghiệp thuộc các ngành này đã có những chia sẻ với Dân trí, đồng thời nêu kỳ vọng, góc nhìn cho năm 2022.

Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức

Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức: Năm 2022 sẽ ngon lành hơn (Ảnh: Hữu Khoa).

Tôi làm nông nghiệp hơi khác người ta, cực nhưng vui. Trong hai năm vừa rồi tôi tái cơ cấu nên mọi việc ổn rồi. Ngày xưa mọi việc còn phức tạp nhưng tôi cơ cấu trong hai năm nay mọi việc ổn rồi. Hai năm nay tôi trả nợ hai mấy nghìn tỷ, từ lúc chuyển nhượng HAGL Agrico nhẹ đi, xử lý được nợ, làm lại tất cả mọi thứ.

Bây giờ tôi thoải mái rồi nên công khai hết, ai muốn tham quan trang trại của Hoàng Anh Gia Lai đều có thể được đưa đi, giờ có gì mà giấu nữa. Năm 2022 sẽ còn ngon lành hơn năm nay rất nhiều vì chúng tôi còn đang xây dựng.

"Vua tiêu" Phan Minh Thông - Chủ tịch kiêm CEO Phúc Sinh

Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch kiêm CEO Phúc Sinh: Năm 2022 chúng tôi kỳ vọng vượt qua khó khăn do đại dịch, xử lý mọi thứ tốt hơn (Ảnh: Hữu Khoa).

Thật sự, dịch bệnh đã làm con người phải thay đổi hơn rất nhiều so với những gì có thể tưởng tượng trước đây. Suy nghĩ về nhiều thứ chưa từng nghĩ đến. Sự khốc liệt của dịch bệnh càn quét cả thế giới chứ không chỉ Việt Nam. Khách hàng của tôi người phá sản có nhưng thành công nhờ dịch cũng có. Mọi thứ đảo lộn rất nhiều khi hành vi của con người thay đổi.

Riêng với chúng tôi, 2021 lại là một năm khá thành công khi tận dụng nhiều sự chuyển đổi số, thương mại điện tử, phát triển khách hàng. Chúng tôi đã học được nhiều điều ngay từ đợt dịch đầu tiên vào năm 2020 nên đã chủ động thay đổi từ trước nên vẫn tăng trưởng tốt. Lợi nhuận năm 2021 vì vậy tốt hơn rất nhiều so với 2020. Hy vọng trong năm 2022, chúng ta có thể đoàn kết vượt qua những khó khăn do dịch bệnh gây ra, xử lý mọi thứ tốt hơn.

Sau đại dịch, cách con người đối xử với thiên nhiên, trái đất trở thành vấn đề quan trọng, ảnh hưởng sâu sắc đến cách quản lý doanh nghiệp của tôi. Trước đây, trái đất, thiên nhiên có thể là cái gì đó xa vời nhưng sau dịch sẽ ảnh hưởng đến từng quyết định của doanh nghiệp trong các vấn đề như an toàn thực phẩm, phát triển bền vững chứ không còn chỉ là những lời nói suông.

Tổng Giám đốc Gojek Phùng Tuấn Đức

Ông Phùng Tuấn Đức - Tổng Giám đốc Gojek Việt Nam - đánh giá, 2021 là một năm khá thử thách với làn sóng dịch thứ 4, cũng là đợt dịch bùng phát phức tạp nhất kể từ khi Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam. Theo ông Đức, Gojek cũng phải đối mặt nhiều khó khăn khi mà ngành gọi xe công nghệ cũng như các thành viên trong hệ sinh thái chịu tác động trực tiếp từ đại dịch. Dù vậy, ông cho biết, công ty xem đây như là quá trình "lửa thử vàng, gian thử sức".

"Nếu chọn 3 từ để mô tả Gojek trong năm 2021, tôi chọn "Nhân, Trí, Dũng". Chúng tôi đặt lợi ích của các thành viên trong hệ sinh thái, bao gồm cả nhân viên, và cộng đồng làm trọng tâm trong mọi quyết định (Nhân). Bên cạnh đó, chúng tôi tận dụng công nghệ, sự sáng tạo để hiện thực các giải pháp hỗ trợ hệ sinh thái, luôn có các phương án dự phòng, và kiên định theo những giá trị tích cực của Gojek (Trí). Và cuối cùng, chúng tôi dám chấp nhận thử thách, khó khăn, để tạo ra những điều tốt nhất cho hệ sinh thái dưới áp lực về thời gian cũng như nguồn lực (Dũng)", ông Phùng Tuấn Đức nhấn mạnh.

Phùng Tuấn Đức - CEO Gojek Việt Nam: 2022, hy vọng mỗi cá nhân, tổ chức trong cộng đồng sẽ là những cái cây trụ vững qua cơn bão, có sức đề kháng tốt... (Ảnh: NVCC).

CEO này cho biết trong năm 2021, nhiều kế hoạch hoạt động đã được hãng thay đổi, bên cạnh đó là những sáng kiến mới được ra đời nhằm duy trì sự vận động của hệ sinh thái.

Theo ông, đợt bùng phát thứ 4 của dịch Covid-19 là cơn bão mạnh nhất và dai dẳng nhất từ đầu mùa dịch tới giờ, "quật ngã" không ít cá nhân và doanh nghiệp, ngành nghề. Thế nhưng, trong cơn bão vẫn có những cái cây âm thầm cắm rễ sâu hơn, tích tụ dưỡng chất để lớn mạnh hơn sau bão.

"Gojek Việt Nam là một cái cây như thế. Tôi hy vọng năm 2022, mỗi cá nhân, tổ chức trong cộng đồng sẽ là những cái cây trụ vững qua cơn bão, có sức đề kháng tốt và được bảo vệ an toàn cả về sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần, cùng nhau khởi đầu năm 2022 với nhiều điều tích cực", ông chia sẻ.

CEO Pizza Home Hoàng Tùng

"Vui cũng có nhưng stress là chủ yếu", là cảm nhận của Hoàng Tùng - CEO Pizza Home khi nhắc về năm 2021. Theo anh, 2021 là một năm khó khăn với doanh nghiệp F&B. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khó khăn khi doanh thu, quy mô giảm sút. Cụ thể, 12/20 cửa hàng pizza của anh đã phải đóng cửa, dừng hoạt động khi kinh doanh không hiệu quả trong mùa dịch.

Bên cạnh những khó khăn, CEO Pizza Home nhận thấy, Covid-19 đã khiến anh tỉnh ngộ ra nhiều thứ, học được nhiều thứ. Trong đó, bài học thứ nhất là biết bản thân mình là ai, đứng ở đâu và không "ảo tưởng sức mạnh" như trước. Thứ hai, anh hiểu rằng sĩ diện của bản thân là thứ giết chết con người ta nhanh nhất. Thứ ba là doanh nghiệp phải luôn thay đổi, thích nghi để sống sót, còn doanh nhân phải biết lắng nghe, học hỏi để không bị tụt hậu.

CEO Pizza Home Hoàng Tùng: Kỳ vọng 2022 sẽ là năm bứt tốc của doanh nghiệp với tinh thần mạnh mẽ (Ảnh: NVCC).

"Nếu không có dịch Covid-19, việc kinh doanh online của doanh nghiệp sẽ không phát triển thực chất như bây giờ, vì trước đây, chúng tôi đã áp dụng nhưng chỉ mang tính chất làm cho có. Và điều này cũng được thể hiện trong phương thức kinh doanh mới của doanh nghiệp, là chú trọng hơn về chất lượng thay vì phình to về quy mô mà không hiệu quả. Thế nên, chúng tôi đã trả lại những mặt bằng to, đẹp, hoành tráng để thay thế bằng các điểm bán nhỏ chất lượng", anh Tùng nói.

Nếu xét trên thang điểm 100, CEO Pizza Home chấm cho doanh nghiệp dưới 50 điểm về mặt tài chính trong năm 2021. Còn về mặt tinh thần đổi mới, sáng tạo, anh mạnh tay chấm trên 80 điểm.

Hoàng Tùng kỳ vọng, 2022 sẽ là năm bứt tốc của doanh nghiệp với tinh thần mạnh mẽ. Nhiều doanh nghiệp có thể quay trở lại điểm xuất phát hay thời kỳ startup nhưng với một tư duy tinh gọn và hiệu quả hơn. Ngoài ra, việc tiêm phủ vaccine sẽ giúp tình hình dịch bệnh sớm được kiểm soát và tình trạng bình thường mới sẽ sớm trở lại, tạo nên những cơ hội mới và tương lai lạc quan hơn cho doanh nghiệp.

Đại diện CellphoneS Nguyễn Lạc Huy

Theo đại diện CellphoneS Nguyễn Lạc Huy, dịch bệnh đã khiến cho ngành bán lẻ gặp rất nhiều khó khăn trong 2 năm vừa qua. Nhiều hệ thống đã phải đóng cửa hàng loạt do thời gian giãn cách kéo dài không thể kinh doanh và một loạt các hệ quả xấu do dịch bệnh đem đến.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ các thiết bị công nghệ như CellphoneS mặc dù đã chịu thiệt hại nặng do không có doanh số bán hàng và chi phí mặt bằng, tài chính tăng cao... nhưng sau thời gian giãn cách lại có nhiều cơ hội để phát triển mở rộng phục vụ nhu cầu tăng cao và xu hướng mới của thị trường.

Đại diện CellphoneS Nguyễn Lạc Huy: 2022 vẫn thấy nhiều tiềm năng, doanh nghiệp phải linh hoạt, có khả năng biến chuyển nhanh (Ảnh: M.C).

Ông Huy thông tin đại dịch cũng đem đến cho doanh nghiệp cơ hội tiếp cận với những mặt bằng bán lẻ vị trí đẹp, diện tích phù hợp hơn trước đây. Những khó khăn trong 2021 vừa qua cũng giúp những doanh nghiệp có khả năng xoay chuyển, thích ứng nhanh với thị trường có thể thay đổi nhanh, nắm bắt các cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn.

Nhìn sang năm 2022, đại diện CellphoneS cho biết, dịch bệnh ở nhiều tỉnh thành phố cũng đang lan rộng và có nhiều rủi ro cho các hoạt động kinh doanh trong năm 2022. Dù thế, với những trải nghiệm trong 2 năm qua, CellphoneS vẫn thấy được nhiều tiềm năng và có lẽ điều quan trọng với mỗi doanh nghiệp là sự linh hoạt, có khả năng biến chuyển nhanh hơn nữa để thích ứng tồn tại và phát triển.

Tác giả: Việt Đức - Hoàng Dung - Mai Chi

Nguồn tin: Báo Dân trí

  Từ khóa: 2022 , doanh nhân Việt , kỳ vọng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP