Tin trong tỉnh

Độc đáo phiên chợ người Mông ở Nghệ An

Đây là lần đầu tiên xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An tổ chức "Phiên chợ người Mông" nhưng đã thu hút được hàng nghìn người dân tham gia.

Nhân dịp lễ Quốc khánh 2/9, UBND xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An tổ chức chợ phiên với quy mô lớn tại bản Na Niếng. Phiên chợ có sự chuẩn bị công phu từ việc dựng các gian hàng bày bán sản phẩm, các món ăn truyền thống đến chương trình trò chơi dân gian mang đậm bản sắc đồng bào các dân tộc sống trên địa bàn. Phiên chợ là nơi lưu giữ nét văn hóa đặc sắc lâu đời của người Mông và hướng tới phục vụ du lịch.

Đây cũng là xã biên giới đầu tiên của huyện miền núi Quế Phong tổ chức chợ phiên có quy mô lớn như thế này. Việc tổ chức chợ phiên nhằm tạo ra nơi trao đổi hàng hóa cho người dân trên địa bàn, gìn giữ các nét văn hóa truyền thống của đồng bào và quảng bá đến với du khách gần xa.

Hiện, trên địa bàn huyện Quế Phong, có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống như: Thái, Khơ Mú, Chứt, Kinh… và đặc biệt là người Mông. Đây là những đồng bào dân tộc có nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc thú vị.

Phiên chợ biên giới này mang dấu ấn, hơi thở của người Mông, của các dân tộc cùng sinh sống, của núi rừng nơi đây. Ông Vừ Bá Cha, một người dân sống trên địa bàn phấn khởi cho biết: "Đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến một phiên chợ lớn như vậy. Các loại hàng hoá ở đây chủ yếu người dân bản địa sản xuất".

Các món ăn tại chợ phiên cũng phong phú hơn, ngoài món ăn truyền thống của người Mông, phiên chợ còn có các món ăn truyền thống của người Thái, người Khơ Mú… Nhiều du khách đến với phiên chợ sẽ được thưởng thức thế giới ẩm thực truyền thống của người dân nơi đây.

Tri Lễ cũng được xem là “trung tâm” của văn hóa huyện Quế Phong bởi địa phương này tập trung nhiều đồng bào dân tộc nhất huyện. Vì vậy, phiên chợ người Mông ở xã Trị Lễ là nơi hội tụ văn hóa của huyện miền núi Quế Phong. Việc mở phiên chợ sẽ rất ý nghĩa không chỉ với bà con người Mông về mặt kinh tế, văn hóa mà còn ý nghĩa với người dân trên địa bàn toàn huyện về kích cầu kinh tế, du lịch.

Đến với chợ phiên Tri Lễ, du khách không chỉ được ăn những món ăn đặc sản, mua những mặt hàng “độc lạ” mà còn được thưởng thức những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc trên địa bàn.

Sự đa dạng về văn hóa các dân tộc tạo nên điểm nhấn cho chợ phiên Tri Lễ. Ông Vi Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho biết: “Dự kiến ban đầu, chợ sẽ được tổ chức 2 phiên/tháng. Tuy nhiên, trước những khó khăn như: giao thông, điện, nước, công trình vệ sinh… phía xã phải họp bàn để tổ chức các phiên chợ sắp tới được bài bản hơn. Nếu khó khăn quá chúng tôi sẽ xin ý kiến từ huyện”.

Ngày tổ chức Chợ phiên Tri Lễ, tuyến QL 16, đoạn qua xã Tri Lễ bị tắc hàng chục km. Nhiều du khách cảm giác hết sức bất ngờ về hiện tượng này. Ông Dương Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: “Đây là lần đầu tiên huyện nhà tổ chức chợ phiên, nhưng chúng tôi không nghĩ rằng phiên chợ nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách như vậy. Chúng tôi hi vọng, chợ phiên Tri Lễ sẽ được giữ gìn và phát huy hơn nữa, để tương lai gần, Tri Lễ trở thành một Bắc Hà của Nghệ An”.

Tác giả: Hồ Phương

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP