Có nhiều cầu thủ Việt Nam đã ra nước ngoài chơi bóng nhưng đa phần đều không tạo được dấu ấn |
Trong lịch sử bóng đá Việt Nam, có không ít những cầu thủ ra ngoài chơi bóng. Và khi lắp ghép những cầu thủ đó với nhau sẽ tạo nên đội hình cực khủng.
Thủ môn: Đặng Văn Lâm
Thủ thành thuộc biên chế CLB Muangthong Utd đang có mùa giải thứ 2 chơi tại Thai League. Mùa đầu tiên, Văn Lâm chơi khá tốt khi góp mặt ở cả 30 trận đấu ở giải quốc nội góp phần giúp đại gia của bóng đá Thái Lan đứng thứ 5 chung cuộc.
Tuy nhiên ở mùa giải năm nay, Văn Lâm đã đánh mất vị trí chính thức sau 2 trận đấu đầu tiên.
Hậu vệ: Văn Hậu - Michal Nguyễn - Trung Tuấn
Ở vị trí hậu vệ, đương nhiên Đoàn Văn Hậu là cái tên đáng chú ý nhất. Cầu thủ gốc Thái Bình gia nhập đội bóng SC Heerenveen từ tháng 9/2019 dẫu vậy anh chỉ được góp mặt ở đội 1 đúng 4 phút ở Cúp QG. Ngoài ra, Văn Hậu chỉ được sử dụng ở các trận đấu thuộc đội trẻ ở đội bóng Hà Lan.
Văn Hậu không được ra sân nhiều ở đội bóng Hà Lan |
Hiện tại, tương lai của cầu thủ này vẫn đang là dấu hỏi lớn khi giải VĐQG Hà Lan tạm hoãn đến tháng 9 và hợp đồng của anh sẽ đáo hạn vào tháng 6 tới đây.
Hai cái tên còn lại xuất hiện bên cạnh Văn Hậu là cầu thủ Việt kiều Michal Nguyễn và cựu trung vệ Lương Trung Tuấn.
Với Michal Nguyễn, anh từng đá 3 mùa giải cho Bình Dương, sau đó chuyển sang chơi bóng tại Thai League. Lúc này, hậu vệ sinh năm 1989 chơi tại giải VĐQG Malaysia. Trong quá khứ, Michal Nguyễn từng 2 lần được khoác áo ĐT Việt Nam.
Lương Trung Tuấn là cái tên thứ 2 của bóng đá Việt Nam xuất ngoại sau tiền đạo Lê Huỳnh Đức. Ông từng có khoảng thời gian thi đấu cho Cảng Thái Lan trong vòng 5 tháng, giúp đội bóng này cán đích thứ tư ở Thai League mùa giải 2005.
Hiện nay, Lương Trung Tuấn đang làm công tác huấn luyện tại CLB Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tiền vệ: Tuấn Anh - Xuân Trường - Hữu Khôi - Anh Tài
Trên hàng tiền vệ, Tuấn Anh và Xuân Trường là bộ đôi được chọn chơi ở vị trung tâm.
Nguyễn Tuấn Anh, cầu thủ gốc Thái Bình từng có khoảng thời gian chơi bóng cho CLB Yokohama FC ở giải hạng 2 Nhật Bản vào năm 2016. Tuy nhiên, tiền vệ tài hoa này lại không được sử dụng trong trận đấu chính thức nào.
Hết hợp đồng với đại diện của Nhật Bản vào năm 2017, anh về lại HAGL và hiện tại đang là đội trưởng tại đội bóng Phố núi.
Tuấn Anh |
Lương Xuân Trường, cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo HAGL từng sang Hàn Quốc lẫn Thái Lan chơi bóng trong giai đoạn 2016-2019 nhưng anh không tạo ra được nhiều dấu ấn.
Bộ đôi tiền vệ cánh thuộc về Nguyễn Hữu Khôi và Nguyễn Hữu Anh Tài. Hiện tại, Hữu Khôi thuộc biên chế CLB Than Quảng Ninh trước đó, anh từng khoác áo CLB Siheung City ở giải hạng 5 Hàn Quốc.
Đây cũng là giải đấu mà cầu thủ thuộc lò đào tạo HAGL, Anh Tài đang góp mặt trong màu áo đội bóng Uijeongbu.
Tiền đạo: Huỳnh Đức - Công Vinh - Công Phượng
Cựu tiền đạo Lê Huỳnh Đức là người tiên phong đi đầu trong trào lưu xuất ngoại của bóng đá Việt Nam khi anh đầu quân cho Chongqing Lifan ở giải vô địch Trung Quốc vào năm 2001. Tuy nhiên, Huỳnh Đức chỉ thi đấu 4 trận cho CLB này và ghi được 1 bàn.
Trong khi đó, Lê Công Vinh lại là người chơi bóng thành công nhất với thành tích với 1 bàn thắng tại Bồ Đào Nha và 2 bàn thắng ở Nhật Bản.
Công Vinh có 2 bàn thắng khi chơi bóng tại Nhật Bản |
Năm 2013, anh được CLB Consadole Sapporo đề nghị mức lương 10.000 USD/tháng cùng phí chuyển nhượng 60.000 USD để mua lại 1 năm hợp đồng giữa anh và SLNA.
Cái tên cuối cùng là tiền đạo Nguyễn Công Phượng, người có 3 lần ra nước ngoài chơi bóng.
Tiền đạo người Nghệ An từng khoác áo CLB Mito Hollyhock (Nhật Bản), Incheon United (Hàn Quốc) và Sint Truidense (Bỉ) nhưng đều không gặt hái thành công.
Công Phượng hiện đã về Việt Nam chơi bóng và dần tạo ra được dấu ấn trong màu áo CLB TP.HCM.
Tác giả: Đình An
Nguồn tin: baogiaothong.vn