Giới trẻ

Đối thoại tuổi đôi mươi: Chỉ trong khó khăn, mình mới đủ lớn!

Du học, làm việc cho công ty lớn của thế giới, dấn thân khởi nghiệp - ngã ba đường đầy cơ hội và không ít thử thách hiển hiện trước mắt chàng sinh viên Lê Yên Thanh vừa tốt nghiệp đại học khi ấy.

Lê Yên Thanh (bìa trái) chia sẻ cùng khách tham quan về sản phẩm khởi nghiệp của mình trong một ngày hội công nghệ blockchain tại TP.HCM - Ảnh: Q.NG.

"Tôi dành nửa năm, tạm gọi như khoảng lặng cuộc đời, để nghĩ coi mình thật sự muốn làm gì, nên chọn gì ở chặng đường tiếp theo. Và tôi chọn khởi nghiệp. Tôi nghĩ mình đã đủ điều kiện để bước đi trên con đường ấy" - Lê Yên Thanh, chàng trai sở hữu "gia tài" công nghệ thông tin đáng mơ ước của bao bạn trẻ cùng trang lứa, mở đầu cuộc trò chuyện như thế với Tuổi Trẻ.

Tôi muốn đặt bản thân vào thế khó đến cực khó vì chính trong môi trường đó tôi luôn tìm được hướng giải quyết vấn đề. Mà khởi nghiệp là một trong những chuyện khó tôi muốn đối diện

LÊ YÊN THANH

Tự chọn con đường cho mình

* Thực hư lời mời làm việc và từ chối mức lương 6.000 USD/tháng của Google?

- Kết thúc ba tháng thực tập tại Google ở Mỹ, tôi nhận được lời đề nghị vào làm việc sau khi vượt qua các vòng phỏng vấn dành cho nhân viên chính thức. Có ba lựa chọn cho tôi khi ấy, làm việc tại Singapore, Úc hoặc châu Âu. Trong đó, trụ sở tại Singapore liên lạc với tôi đầu tiên. Nhưng tôi có những phân vân như chia sẻ trên nên sau khi trao đổi với lãnh đạo công ty tại Singapore, tôi xin phép từ chối.

Tuy vậy, hồ sơ của tôi hiện vẫn còn lưu tại Google và thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được email từ trụ sở ở nơi này, nơi khác của Google vì họ vẫn có nhu cầu, và chắc là tôi chưa hết cơ hội ở đó (cười). Còn mức lương 6.000 USD/tháng là thu nhập trong thời gian thực tập thôi, chứ nếu làm việc chính thức mức lương chắc chắn sẽ cao hơn.

* Nhưng tại sao lại là khởi nghiệp, khi anh cũng thừa nhận đó là con đường chông chênh?

- Vì tôi còn trẻ và không thích cuộc sống quá dễ dàng. Tôi nhận ra mình đã chuẩn bị đủ để khởi nghiệp. Với tôi, ý tưởng, vốn và cộng sự (những người chung đam mê khởi nghiệp) là ba yếu tố không thể thiếu cho khởi nghiệp. Tại thời điểm quyết định khởi nghiệp, tôi có đủ ba điều này. Dĩ nhiên trong quá trình làm mình còn có thể tìm thấy nhiều đồng đội khác, phối hợp ăn ý hơn nữa.

Tôi đã xác định khả năng tự chịu lỗ, thậm chí lăn xả làm mà không có lương khi khởi nghiệp nhưng tôi đủ đam mê để bước vào con đường ấy. Bù lại, tôi biết chắc mình học được rất nhiều điều mới mẻ. Tôi có thu nhập từ những phần mềm mình tạo ra, đưa lên mạng và có lượng người dùng kha khá.

Muốn hiểu blockchain rõ ràng hơn

* Anh đang đi thế nào với "con đường chông chênh" sau khi khước từ cơ hội mà không phải bạn trẻ nào cũng có được?

- Không phải thành công hết đâu. Tôi từng tham gia một dự án trước đây, sản phẩm đã gọi được vốn đầu tư rồi nhưng sau tám tháng, tôi nhận ra mình không "đẩy" sản phẩm lên được nên... chia tay.

Hiện tại, mọi thứ xán lạn hơn. Tôi tham gia công ty với sản phẩm đáp ứng nhu cầu tìm việc, tuyển dụng dựa vào công nghệ blockchain.

Ứng dụng tìm việc thông minh Jobhop hiện đã gọi được vốn đầu tư rồi. Còn talo là sản phẩm chúng tôi đang hoàn thiện và đã đưa cho một số đơn vị chạy thử nghiệm. Chúng tôi sẽ gọi vốn đầu tư trong thời gian ngắn sắp tới và hiện đã có những ngỏ ý đầu tư ban đầu.

* Vậy anh đang làm chủ hay làm thuê?

- Tôi đang làm chủ. Công ty đã đăng ký thành lập tại Singapore. Vị trí của tôi hiện là giám đốc kỹ thuật, phụ trách về giải pháp kỹ thuật của sản phẩm. Tôi cũng là đồng sáng lập cùng với hai người khác, một anh chuyên về kinh doanh, marketing, người còn lại lo phần blockchain.

* Còn mục tiêu trở thành tiến sĩ anh từng đặt ra trước đây thế nào rồi?

- Tôi từng muốn học lên cao hơn, song tự nghĩ liệu điều đó có giúp nâng giá trị của mình lên không hay học cao lên chỉ là đào sâu trên nền những cái cũ. Tôi sợ mình sẽ hối hận nếu phải bỏ qua cơ hội tiếp cận những điều mới mẻ, thay đổi hằng ngày của công nghệ. Khi tìm hiểu tôi thấy chưa nhiều người hiểu về blockchain, cũng chưa nhiều tài liệu về blockchain và tôi muốn dành nhiều thời gian cho vấn đề này.

Tôi muốn mình có thể nằm trong số những người đi đầu biết và hiểu về blockchain rõ ràng hơn. Không ai nói trước được. Biết đâu chừng 10 năm nữa, blockchain lại chẳng là nền tảng cho cách mạng công nghiệp 5.0! Chẳng hạn chừng hơn chục năm trước mấy ai nói nhiều đến trí tuệ nhân tạo (AI) trong khi hiện tại chúng ta đều xem đó là nền tảng của cách mạng công nghiệp 4.0.

Tôi đang học mỗi ngày nhưng là học thêm cái khác, cái mới, ngoài công nghệ thông tin tôi đã chọn. Có thể sắp tới tôi học sâu hơn về quản trị kinh doanh, song song với tự trang bị thêm cho bản thân những kỹ năng cần thiết để giải quyết các vấn đề gặp phải hằng ngày trong cuộc sống, xử lý công việc. Chỉ khi mình không phải lo lắng gì về tiền bạc, kiếm sống thì mới yên tâm nói đến đóng góp hay làm gì đó cho xã hội.

"Chàng trai vàng" tin học

Lê Yên Thanh từng được gọi là "chàng trai vàng" tin học khi sở hữu vô số giải thưởng các cuộc thi về công nghệ thông tin trong nước và quốc tế. Thanh trúng tuyển và thực tập ba tháng tại Google ở Mỹ trước khi tốt nghiệp cử nhân công nghệ thông tin chương trình tiên tiến của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm 2016.

Hành trang của anh chàng này còn là rất nhiều giải thưởng, danh hiệu khác. Trong đó có giải thưởng "Gương mặt trẻ VN tiêu biểu", danh hiệu "Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM", giải thưởng "Công nghệ thông tin TP.HCM", giải thưởng "Nhân tài đất Việt", giải thưởng Sáng tạo trẻ quốc gia, giải nhất cuộc thi lập trình viên sinh viên quốc tế vòng quốc gia - khu vực châu Á nhiều năm...

Tác giả: QUỐC LINH

Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ Online

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP