Cao tốc Bắc - Nam đoạn La Sơn - Túy Loan. Ảnh: Đặng Tiến |
Trục xương sống của hệ thống giao thông quốc gia
Năm 1998, tuyến cao tốc đầu tiên của Việt Nam là Pháp Vân - Cầu Giẽ khởi công (lúc này chưa được coi là đường cao tốc), được coi là nền móng đầu tiên của đường cao tốc tại Việt Nam. Đến năm 2002, khi dự án hoàn thành và đưa vào khai thác, Bộ Giao thông Vận tải có Quyết định 2047/2002/QĐ-BGTVT trong đó tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ được gọi là “đường khai thác theo tốc độ cao”. Đến năm 2013, đề xuất nâng cấp đường Pháp Vân - Cầu Giẽ lên thành đường cao tốc được chấp thuận.
Như vậy, kể từ khi tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đưa vào khai thác năm 2002 với chiều dài 32,3km thì trong hai thập kỷ qua, hệ thống đường cao tốc của Việt Nam đã có sự bứt phá ngoạn mục. Và sự ra đời của siêu dự án cao tốc Bắc - Nam chính là cột mốc quan trọng nhất.
Cụ thể, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam. Theo đó, giai đoạn 2017-2020 sẽ đầu tư 654km đường bộ cao tốc trên các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên Huế), đoạn Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) và cầu Mỹ Thuận 2 nối Tiền Giang với Vĩnh Long.
Theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, tổng số vốn cho 11 dự án thành phần đã được Quốc hội thông qua (sau khi điều chỉnh) là 99.475 tỉ đồng, trong đó có 6 dự án thành phần đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước (dài 120,5km vốn đầu tư là 49.821 tỉ đồng) và 5 dự án thành phần đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP (533,7km có vốn đầu tư 49.354 tỉ đồng).
Ngày 30.9.2020, ba dự án tuyến cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông đã được nhấn nút khởi công với tổng vốn đầu tư trên 37.000 tỉ đồng, là sự kiện đáng nhớ của ngành Giao thông Vận tải. Theo kế hoạch, sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác cùng với các dự án thành phần khác, ba dự án này từng bước hình thành nên tuyến cao tốc trên tuyến Bắc-Nam hiện đại, có năng lực lớn, an toàn, tốc độ cao.
Với chiều dài dự kiến 654km, gồm 11 dự án thành phần, cao tốc Bắc-Nam sẽ kết nối với các trung tâm kinh tế, chính trị, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu; từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ...
Theo ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, bộ sẽ tập trung mọi nguồn lực quản lý dự án, coi đây là dự án mẫu mực của ngành Giao thông.
Tại lễ khởi công dự án cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45 (ngày 30.9.2020), một trong những dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông, Thủ tướng Chính phủ thời điểm đó - Nguyễn Xuân Phúc - đã yêu cầu công trình cao tốc Bắc-Nam phải là công trình mẫu mực và trong nhiệm kỳ tới phải thông suốt tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau để tiến tới có ít nhất 5.000km cao tốc.
Thủ tướng nêu rõ, chiến lược phát triển của Việt Nam trong 10 năm tới, đặc biệt trong 5 năm tới, là làm được những việc lớn để đưa đất nước tiến lên.
Thủ tướng nhấn mạnh, nghèo cũng phải làm giao thông, khá cũng phải làm giao thông, càng giàu càng phải làm giao thông, không có giao thông thì khó phát triển được đất nước… Do đó, chúng ta quyết tâm phấn đấu làm hệ thống giao thông tốt nhất, đáp ứng sự phát triển, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
PGS-TS Ngô Trí Long khẳng định, cao tốc Bắc - Nam sẽ là trục xương sống của mạng lưới giao thông quốc gia, do khả năng tiếp cận đa dạng của các đối tượng khai thác.
Động lực chuyển đổi cơ cấu kinh tế
Có thể nói, công tác triển khai 5 dự án cao tốc Bắc-Nam theo hình thức PPP đã được Bộ Giao thông Vận tải thực hiện một cách bài bản ngay từ việc tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư với sự tham gia của trên 130 tổ chức và doanh nghiệp; lựa chọn các đơn vị tư vấn giao dịch hàng đầu trên thế giới như Deloitte, Ernst&Young, Castalia chuẩn bị hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, dự thảo hợp đồng.
Đặc biệt, công tác lựa chọn nhà đầu tư đã được thực hiện qua 2 giai đoạn là sơ tuyển và đấu thầu để đảm bảo lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm cũng như đảm bảo có đủ thời gian để nhà đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng, chuẩn bị hồ sơ dự thầu và làm việc với các tổ chức tín dụng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải - Nguyễn Văn Thể - cho biết.
Cũng theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, so với các dự án BOT giai đoạn trước đây, các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam được áp dụng nhiều cơ chế đặc thù nhằm hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng như triển khai trước công tác giải phóng mặt bằng bằng vốn Nhà nước; hiệu quả tài chính được cải thiện rõ rệt do có sự tham gia vốn Nhà nước trung bình chiếm 51% tổng vốn đầu tư (khoảng 19.987/39.426 tỉ đồng của 5 dự án).
Cùng với đó, mức lãi suất huy động vốn vay tính toán trong hồ sơ mời thầu xác định bằng bình quân trung bình lãi suất cho vay trung hạn và dài hạn của 3 ngân hàng thương mại nên phù hợp với thị trường; việc lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu rộng rãi, đảm bảo cạnh tranh, minh bạch...
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho hay, dự án cao tốc Bắc-Nam phía đông được triển khai theo hình thức PPP một cách bài bản, kỹ lưỡng, phù hợp với điều kiện thực tế và các quy định pháp luật, thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Bộ Giao thông Vận tải trong việc triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Theo ông Nguyễn Văn Thể, chưa có giai đoạn nào, Quốc hội, Chính phủ lại tập trung ý chí và quyết tâm cao để hình thành hệ thống cao tốc hoàn chỉnh, trong đó ưu tiên các dự án trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông như hiện nay. Đối với Bộ Giao thông Vận tải cũng chưa thời kỳ nào mà chúng ta triển khai đầu tư một tuyến cao tốc dài đến 654km nằm rải đều ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Bộ Giao thông Vận tải luôn nhận thức rõ đã đến giai đoạn cần tập trung phát triển đường cao tốc. Bởi, chỉ có đường cao tốc mới có thể vận chuyển hàng hóa, hành khách một cách an toàn, thuận tiện, giúp cho kinh tế các địa phương nói riêng và cả nước nói chung phát triển.
Thời gian qua, sự tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Quốc hội, Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để Bộ Giao thông Vận tải triển khai công trình trọng điểm quốc gia cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, việc triển khai thành công dự án còn phụ thuộc vào yếu tố thị trường, đặc biệt là khả năng huy động tín dụng.
Để khuyến khích các nhà đầu tư và tạo sự thuận lợi nhất cho các phương tiện đi lại trên tuyến, cao tốc Bắc - Nam sẽ áp dụng hình thức thu phí kín nên đảm bảo công bằng, có sự lựa chọn cho người sử dụng dịch vụ. Mức thu phí sử dụng dịch vụ được quy định cụ thể mức giá khởi điểm và mức giá cho từng thời kỳ. Tổng vốn đầu tư trong hồ sơ mời thầu được xác định theo thiết kế kỹ thuật, dự toán được duyệt nên chi phí đầu tư được kiểm soát chặt chẽ hơn.