Hôm nay, ngày 23/10, Quốc hội sẽ dành trọn ngày để thảo luận trên hội trường về Bộ luật Lao động (sửa đổi). Đây được đánh giá là một dự án luật rất quan trọng và sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.
Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết dự thảo đã được chỉnh lý với nhiều điểm mới.
Riêng về vấn đề nghỉ lễ, Tết, bà Thuý Anh cho biết có một số ý kiến đại biểu Quốc hội và nhiều đoàn đại biểu Quốc hội tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc tăng thêm một ngày nghỉ có hưởng lương, nhưng không tán thành lựa chọn ngày 27/7 mà đề xuất chọn Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) hoặc một ngày khác.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh. Ảnh: Hoàng Hà. |
Thể hiện ý kiến của cơ quan thẩm tra, bà Thuý Anh nhắc lại việc Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung (Trưởng ban soạn thảo dự án Bộ luật) đã xin rút đề xuất tăng thêm một ngày nghỉ có hưởng lương là ngày 27/7 hàng năm sau khi Quốc hội thảo luận tại kỳ họp 7. Đồng thời, đề nghị “giữ nguyên số ngày nghỉ lễ như hiện nay, không đề xuất thêm ngày nghỉ”.
Tuy nhiên, quá trình lấy ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội về dự thảo Bộ luật và kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội cho biết vẫn có nhiều ý kiến tiếp tục đề nghị bổ sung quy định về việc tăng thêm ngày nghỉ hưởng nguyên lương đối với người lao động và chọn ngày Gia đình Việt Nam (28/6).
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xin ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội theo hai phương án. Một là không bổ sung ngày nghỉ lễ. Hai là bổ sung một ngày người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương và chọn ngày Gia đình Việt Nam.
Đại diện cơ quan thẩm tra cũng đề cập đến 10 điểm mới liên quan đến người lao động đã được chỉnh lý trong bộ luật.
Một là lần đầu tiên mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Bộ luật Lao động đối với người làm việc không có quan hệ lao động.
Hai là quy định nguyên tắc về chính sách nhằm bảo đảm quyền của các tổ chức đại diện người lao động và tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong đối thoại, thương lượng, xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.
Ba là chế định về hợp đồng lao động đã quy định theo hướng bảo vệ tốt hơn đối với người lao động.
Bốn là bổ sung quy định cụ thể hơn về các trường hợp được tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm nhằm bảo đảm quyền lợi lâu dài cho người lao động.
Năm là điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình nhằm chuẩn bị, ứng phó với quá trình già hóa dân số, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Sáu là quy định mở rộng phạm vi áp dụng của thỏa ước lao động tập thể ngành hoặc thỏa ước lao động tập thể nhiều doanh nghiệp nhằm khuyến khích áp dụng các thỏa thuận có lợi hơn đối với người lao động.
Bảy là quy định cụ thể hơn về cơ chế nhằm bảo vệ tốt hơn cho lao động chưa thành niên.
Tám là bảo đảm bình đẳng giới đã được thay đổi về quan điểm tiếp cận bảo đảm quyền việc làm, quyền lao động của lao động nữ thay vì quy định hạn chế của Bộ luật Lao động hiện hành.
Chín là quy định thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp không thuộc tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Mười là quy định linh hoạt hơn, quyền lựa chọn cơ chế giải quyết sau khi tiến hành thủ tục hòa giải, không quy định sự can thiệp, giải quyết hành chính của nhà nước đối với giải quyết tranh chấp lao động.
Tác giả: Hoài Thu
Nguồn tin: zing.vn